Hà Nội

Giả danh bác sĩ lừa đảo người bệnh: Ðối phó thế nào?

12-01-2018 10:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình trạng kẻ gian giả danh bác sĩ để lừa đảo bệnh nhân đang là vấn đề nhức nhối ở các bệnh viện.

Vì vậy, ngoài nỗ lực của bệnh viện trong việc đảm bảo an ninh an toàn bệnh viện thì người bệnh cũng phải biết bảo vệ mình trước tiên, có như vậy kẻ gian mới không có “đất” để hoạt động.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi đã phát hiện và tố giác kẻ giả danh bác sĩ Khoa Sản của bệnh viện để lừa tiền của bệnh nhân. Đối tượng là Phan Đình Thắng tự xưng mình là “bác sĩ” Khoa Sản đã tiếp cận một sản phụ để lấy tiền với lời dụ dỗ sẽ cho chị này được mổ nhanh, an toàn, không phải chờ đợi.

Giả danh bác sĩ lừa đảo người bệnh: Ðối phó thế nào?Thẻ bác sĩ giả danh của đối tượng Thắng.

Tuy nhiên, hành vi của Thắng đã bị một nhân viên Bệnh viện Sản - Nhi theo dõi. Rất may trong lúc người nhà sản phụ trao tiền cho Thắng thì đã bị vạch mặt. Kẻ gian đã được giao cho công an phường xử lý theo quy định của pháp luật. Qua lời khai ban đầu với cơ quan chức năng, Thắng khai, y đã thực hiện việc mạo danh “bác sĩ” nhiều lần, lợi dụng bệnh viện mới thành lập các nhân viên y tế còn chưa biết hết mặt nhau.

Trước đó, tại BVĐK tỉnh Điện Biên, các bác sĩ của BV này cũng đã kịp thời phát giác và báo bảo vệ tạm giữ một đối tượng giả danh là sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Điện Biên. Kẻ này đã mặc áo của sinh viên Trường cao đẳng Y tế đến thực tập tại BV và đi vào các phòng bệnh, thậm chí vào cả phòng bác sĩ để lấy trộm đồ là một máy tính xách tay và điện thoại của nhân viên và người bệnh. Ngay lập tức đã bị phát giác và bảo vệ bệnh viện bắt giữ, giao cho công an xử lý.

Tình trạng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ xảy ra ở các bệnh viện nhỏ ở các tỉnh mà ngay cả các bệnh viện lớn như Bạch Mai hay Chợ Rẫy cũng đã xuất hiện.

Để ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua, vấn đề an ninh an toàn bệnh viện đã được các bệnh viện quan tâm và đẩy mạnh hơn. BSCKII. Phạm Văn Mẫn, Giám đốc BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết, vấn đề an ninh và an toàn bệnh viện được bệnh viện thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu, do đó khi kẻ gian đột nhập đã được phát hiện ngay lập tức.

Giả danh bác sĩ lừa đảo người bệnh: Ðối phó thế nào?Đối tượng Phan Đình Thắng tại cơ quan công an.

Để thực hiện được vấn đề an ninh trong bệnh viện, ngay từ đầu, BV đã ký Quy chế phối hợp với Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên về việc đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện. Bệnh viện đa khoa tỉnh đã mời lãnh đạo Công an TP. Điện Biên Phủ (trực tiếp là đồng chí Phó Giám đốc Công an thành phố và tập thể lãnh đạo Công an phường Noong Bua) đến làm việc tại bệnh viện để giúp bệnh viện xây dựng các phương án phối hợp bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế và an ninh trật tự tại bệnh viện. Thiết lập đường dây nóng giữa bệnh viện với Phòng PC45 Công an tỉnh để kịp thời thông báo, xử lý các tình huống đột xuất đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện. Công an còn cùng với bệnh viện tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ nhân viên bảo vệ của bệnh viện, tư vấn cho bệnh viện các vị trí phù hợp lắp đặt camera bảo vệ… Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, vấn đề an ninh, an toàn người bệnh ở BVĐK tỉnh Điện Biên thời gian qua đã có bước đột phá, tạo môi trường yên tâm cho người bệnh và bác sĩ.

Cùng quan điểm trên, lãnh đạo các bệnh viện đều thống nhất, ngoài sự nỗ lực của bệnh viện cũng như các cơ quan chức năng thì người bệnh cũng nên cảnh giác với những lời mời chào quảng cáo khám nhanh, khám bác sĩ giỏi hay sẽ chạy tiền để được mổ luôn… có như vậy thì kẻ gian mới không có cơ hội để hành động.


T.Nguyên
Ý kiến của bạn