Gỉ mắt chính là chất nhầy do mắt tạo ra để làm sạch các chất bẩn và kết lại khi ngủ. Nếu không có nó, mắt có thể bị khô và một chút gỉ mắt vào buổi sáng ngủ dậy chứng tỏ mắt khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số vấn đề về sức khỏe có thể khiến mắt sản xuất chất nhầy nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng đó bao gồm:
Kính áp tròng có thể gây kích ứng mắt và khiến chúng sản xuất nhiều chất nhầy hơn.
Bụi bặm trong không khí lọt vào mắt hoặc mỹ phẩm trang điểm mắt (macara, chì kẻ mắt nước... ) không được làm sạch trước khi đi ngủ sẽ khiến mắt sản sinh thêm nhiều chất nhầy.
Do thay đổi thời tiết hoặc khí hậu: thời tiết lạnh hoặc vào mùa xuân, một số người có thể có phản ứng dị ứng, mắt tiết ra nhiều chất nhờn hơn bình thường.
Gỉ mắt lành tính có màu vàng trong suốt hoặc vàng nhạt. Nó có thể gây cảm giác không sạch sẽ khi ngủ dậy, nhưng không ít khi gây sự chú ý vào ban ngày.
Nếu chất nhầy rất nhiều, có màu xanh lục, vàng đậm hoặc xuất hiện với sự đau đớn hoặc đỏ mắt, nó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng mắt. Bất cứ ai có những triệu chứng này đều phải nhanh chóng gặp bác sĩ mắt.
Tắc tuyến lệ có thể gây nhiều gỉ mắt.
Các loại bệnh gây tình trạng gỉ mắt bất thường cần chú ý
Viêm kết mạc: Có thể có chất gỉ mắt màu xanh, trắng hoặc vàng. Mắt đỏ và cảm giác cộm khó chịu. Điều này có thể do vi khuẩn, virut hoặc phản ứng dị ứng.
Lẹo hoặc chắp: Lẹo hoặc chắp cũng gây ra gỉ mắt bất thường. Bệnh gây đau nhức bờ mi, kết hợp với tình trạng phù nề làm cho bệnh nhân khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.
Chấn thương mắt: Một thương tích ở mắt, chẳng hạn như một giác mạc bị xước, có thể làm mắt bị sưng và ngứa. Nếu vết thương bị nhiễm khuẩn có thể khiến mắt tiết nhiều chất nhầy.
Tắc tuyến lệ: Triệu chứng cơ bản của tắc tuyến lệ là tình trạng nước mắt chảy quá nhiều. Ngoài ra, có thể kèm theo một số dấu hiệu sau: Tái phát viêm mắt liên tục; tái phát nhiễm trùng mắt; sưng đau góc bên trong của mắt; gỉ mắt nhiều...
Dị vật trong mắt: Dị vật trong mắt gây kích ứng mắt. Nước mắt tiết ra nhiều và có thể nhạy cảm với ánh sáng và sản xuất chất nhầy nhiều hơn.
Gỉ mắt ở trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh có nhiều chất nhầy mắt có thể đang bị nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp là bình thường, có tới 20% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ nhưng tự khỏi trong năm đầu tiên. Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ có thể có chất nhầy mắt màu xanh hoặc vàng cả ngày, không chỉ khi trẻ thức dậy. Điều này có thể được xử lý ở nhà. Nhỏ nước muối sinh lý NaCl 0,9% cho trẻ ngày 6 lần. Mát-xa ở góc mắt, vuốt xuôi xuống mũi. Tác dụng của việc này là nhẹ nhàng gây áp lực lên tuyến lệ, làm thông chất lỏng khỏi ống mũi lệ, giải phóng điểm bị tắc. Nếu không đỡ mà mắt bé trở nên đỏ, sưng thì cần gặp bác sĩ. Khi trẻ 1 tuổi, nếu tình trạng tắc tuyến lệ không cải thiện có thể cần phẫu thuật để mở ống nước mắt.
Tẩy trang mắt cẩn thận cuối ngày tránh mắt bị kích thích tiết nhiều chất nhờn.
Một số biện pháp để phòng gỉ mắt
Hầu hết hiện tượng gỉ mắt là một dấu hiệu cho thấy mắt khỏe mạnh và nó đang được loại bỏ bụi bẩn, dị vật. Để gỉ mắt không dư thừa quá mức và trở thành nỗi khó chịu hay vấn đề sức khỏe, hãy làm theo các cách sau đây:
Vệ sinh mắt tốt, tẩy trang điểm vào cuối ngày và giữ cho đôi mắt sạch sẽ, lau đôi mắt nhắm kín bằng một chiếc khăn sạch, ấm.
Ở những người bị khô mắt, thuốc nhỏ mắt cũng có thể giúp ích. Thuốc nhỏ mắt với các nhãn hiệu khác nhau có sẵn trên thị trường nhưng để an toàn, tốt nhất hãy tư vấn bác sĩ trước khi mua và sử dụng.
Những người đeo kính áp tròng nên bỏ kính áp tròng khỏi mắt vào ban đêm, khi đi ngủ. Dùng và mua kính áp tròng theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa và chú ý sử dụng các giải pháp thích hợp để làm sạch kính.
Nếu sau khi ngủ dậy có gỉ mắt trên lông mi có thể làm sạch bằng một nén ấm với khăn sạch trong khoảng 3-5 phút. Nhiều chất nhầy dính trên lông mi vào buổi sáng có thể là do nhiễm trùng và cần đi khám nhãn khoa. Như đã nói, gỉ mắt là bình thường và quan trọng cần phân biệt khi nào gỉ mắt là bất thường. Khi mắt có dấu hiệu bất thường, không nên chậm trễ đến bác sĩ để ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ. Một số dấu hiệu cho thấy phải đến bác sĩ, đó là:
Có sự thay đổi đột ngột trong việc tiết chất nhầy mắt
Mắt bị đau
Mắt đỏ
Chất nhầy tiết nhiều sau khi bị chấn thương ở mắt
Mắt nhạy cảm với ánh sáng
Thay đổi tầm nhìn
Hãy giữ cho đôi mắt của mình khỏe mạnh bằng cách theo dõi chất thải của mắt (gỉ mắt). Biết được điều gì là bình thường, điều gì bất thường có thể giúp mọi người quyết định khi nào cần gặp bác sĩ mắt.