Ghi ở “Làng Bác Hồ”

19-05-2018 08:45 | Xã hội

SKĐS - Làng A Xây (xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) còn có tên gọi khác là “Làng Bác Hồ”. Tên “Làng Bác Hồ” như một mạch nguồn thiêng liêng ăn sâu vào nếp nghĩ để thôi thúc, củng cố, nuôi dưỡng, tiếp sức, hun đúc cho người làng A Xây có được tinh thần dũng cảm vượt qua sự càn quét của địch thời chiến và xóa bỏ mọi hủ tục, nghèo nàn trong thời bình.

Với nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở A Xây, đây không chỉ là một vùng đất đơn thuần mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm, mất mát. Dẫu còn một số hạn chế nhưng A Xây luôn là nơi “đi nhớ, về thương”, là nơi thắp lên niềm tự hào và những điều nhân văn, cao cả.

Hình ảnh Bác luôn trong tim

“Hễ nhà nào nuôi cộng sản thì cả làng bị giết, bị đốt sạch. Nếu ai bắt được bộ đội chủ lực, Việt cộng, chặt tay, chặt đầu họ thì được thưởng lớn, được cho cuộc sống sung sướng...” - Kéo dài suốt từ năm 1968-1973 luận điệu sặc mùi dọa nạt pha lẫn dụ dỗ này của Mỹ - Ngụy kèm theo tiếng gầm thét của không lực liên tục dội vào tai những người Raglai ở A Xây nhưng ai cũng thề với lòng mình, dù có hy sinh cũng chiến đấu đến cùng để xứng đáng với Bác Hồ.

Hệ thống giáo dục và y tế luôn được làng A Xây chú trọng.

Hệ thống giáo dục và y tế luôn được làng A Xây chú trọng.

Ký ức về những năm tháng oanh liệt như chuyện mới hôm qua, cựu chiến binh Pi Năng Tuấn tràn ngập niềm tự hào; Ngày ấy tất cả người Raglai ở A Xây (làng có gần 100% người Raglai) đều theo cách mạng, theo Đảng. Phụ nữ thì lo lương thực, đàn ông ai có năng khiếu bắn cung, bắn súng thì được tổ chức huấn luyện làm du kịch, ai có năng khiếu bào chế các bài thuốc nam thì lo chuẩn bị thuốc cho dân làng và bộ đội.

Vào những ngày cuối tháng 5/1969, sau trận càn, mùi bom đạn còn mịt mùng vây kín làng nhưng ông Tuấn vẫn lao hút vào rừng kiếm thuốc về kịp chữa trị cho bộ đội. Mỗi lần gặp tột cùng khó khăn, ông Tuấn và dân làng A Xây lại tự nhủ, cố lên vì mình là con cháu Bác Hồ.

Có những ngày địch hàng chục lần uy hiếp, hỏi người làng A Xây, cộng sản ở đâu, bộ đội ở đâu?, tất cả đều đồng thanh chỉ vào tim mình nói, ở đây này! Để đạt được mục tiêu phải phá hủy bằng được A Xây, địch còn cho xây dựng 3 sân bay dã chiến, gồm: sân bay Hòn Mưa, sân bay Hòn Dù và sân bay Hòn Nhọn để liên tục nã bom đạn xuống làng. Một trong những du kích dũng mãnh nhất A Xây khi đó là A Ma Xanh. Sau trận đụng độ ác liệt với địch, máu còn chảy ròng ròng trên bắp tay, A Ma Xanh vẫn rực sáng niềm tin, đứng giữa làng quả quyết; Lời của Bác Hồ là sức mạnh, là lời của non sông phải ghi nhớ và thực hiện. Nói xong, Ma Xanh cùng dân làng đứng trước ảnh Bác thề là sẽ đánh địch đến cùng.

Là người thông tỏa nhiều vấn đề của A Xây, ông Cao Dáng (nguyên Chủ tịch xã Khánh Nam) tự hào; Có đợt hàng trăm du kích dính đạn, nằm trong hốc đá, lên cơn sốt hầm hập nhưng vẫn nhoẻn miệng cười và thều thào; không thể khuất phục. Có người vì bị thương quá nặng, biết không thể qua khỏi còn nhường những viên thuốc giảm đau, những bọc thuốc lá cây chống nhiễm trùng cho đồng đội của mình. Sau này trong sách Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh cũng ghi rõ; Trong ngày 20/2/1970, dưới sự chỉ huy của đội trưởng A Ma Xanh, du kích A Xây đã bắn rơi 7 máy bay, diệt 49 tên địch, làm thất bại cuộc càn quét của hơn một tiểu đoàn địch. Nhiều du kích đã chiến đấu anh dũng, kiên cường đến phút cuối. Sự anh dũng của du kích làng A Xây góp phần bảo vệ nơi đóng quân đầu não của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Cũng từ đó cái tên “Làng Bác Hồ” ra đời.

Giã từ dần tật xấu

“Biến hoang tàn thành rẫy xanh, bảo tồn dược liệu quý, bảo vệ rừng” - Là những câu khẩu hiệu sau ngày giải phóng mỗi người ở “Làng Bác Hồ” học thuộc. Nhớ những ngày vần đá trỉa bắp, lấy bờ rẫy làm giường, lấy rừng là nơi che nắng, ông Cao Dáng tâm tình; Bao nhiêu năm đạn cày, bom xới, máu chảy liên tục còn trung thành với cách mạng, vượt mọi gian nguy thì chẳng lẽ hòa bình rồi lại đầu hàng những quả đồi cằn, những rẫy ruộng dày đặc đá và mảnh bom hay sao?. Nhà nhà, người người nghĩ vậy nên có lúc người lạ muốn gặp người “Làng Bác Hồ” thì phải lên rẫy. Sự cần mẫn chẳng mấy chốc đã ươm xanh cả một vùng bom đạn xưa, sự ấm no dần hiện hữu.

Theo dòng chảy cuộc sống, các thế hệ sinh ra sau năm 1975 ở A Xây không còn sống cảnh ăn rau độn củ mì nhưng một số người lại sinh thói quen xấu như xâm hại rừng, la cà uống rượu, bỏ bê nương rẫy. Nhưng rồi, cũng chính tên gọi “Làng Bác Hồ” đã giúp nhiều thanh niên A Xây giã từ hẳn các tật xấu. Mấy tháng nay, bà Amí Thanh cứ thấy lòng chộn rộn niềm vui tươi vì hai đứa con trai của bà đã thề không quậy xóm làng, không phá rừng, không phá dược liệu. Bà Thanh bảo; Tuổi trẻ nên thường có những bộc phát, đua đòi và dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Không lâu trước thằng Năng Chung, Năng Hậu nghe theo kẻ xấu đi đào hết cả các loại dược liệu non như nấm lồ ô, nấm linh chi hồng...để đổi lấy rượu uống. Có lúc uống say còn định đi làm “lâm tặc”. Nhiều đêm được người thân và già làng đưa vào rừng thâu đêm nghe kể chuyện thời kháng chiến, chuyện máu ướt thẫm lưng nhưng người A Xây vẫn băng rừng đi lấy thuốc nam cho đồng đội, chuyện rừng đã cản chân kẻ địch, che chở xóm làng, chuyện nguyện hy sinh tất cả để chiến đấu cho xứng danh “Làng Bác Hồ”... những người lười biếng, quậy phá như Năng Chung, Năng Hậu nghe xong, thấu hiểu nên đã “lột xác” thành những thanh niên chăm chỉ.

Từ một “siêu quậy” thành nông dân tiêu biểu trong lao động, sản xuất, Cao Văn Hải nghiệm ra rằng: Khi mới lớn lên thanh niên cứ tập trung uống rượu vào là nẹt pô lạng lách khắp làng trên, xóm dưới. Có người ngã trầy mặt, có đứa gẫy chân, có đứa người thân bệnh không kịp đưa đến cơ sở y tế khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Lúc đó mới hiểu ra việc mình đang thể hiện là tật xấu nên từ bỏ ngay khi chưa quá muộn. Chỉ có làm điều có ích cho buôn làng, cho gia đình mới đáng tự hào. Đi ra các xã khác giới thiệu mình ở “Làng Bác Hồ” thì cũng sống rèn luyện để xứng đáng với tên làng ấy.

Tiên phong trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, chị Cao Thị Mèn cũng giãi bày rằng: Đất nước đang hiện đại hóa từng ngày, vùng sâu mình cũng phải không ngừng cập nhật kiến thức để tạo sự ấm no, chăm sóc sức khỏe cho người thân một cách tốt nhất, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế nhất.

Chị Cao Thị Mèn: Phải tử bỏ thói quen lạc hậu, làm giàu và chăm sóc sức khỏe.

Chị Cao Thị Mèn: Phải tử bỏ thói quen lạc hậu, làm giàu và chăm sóc sức khỏe.

Hóa giải mâu thuẫn bằng âm nhạc

Đi qua bao thăng trầm, dẫu có lúc giáp hạt, lúa ngoài ruộng chưa kịp về nhà, bắp trên rẫy chưa kịp vào bao thì với người làng A Xây một điều luôn luôn tươi nguyên như thuở ban đầu là tình làng nghĩa xóm, tình yêu với Bác Hồ, với Đảng. Những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống luôn được giải quyết bằng phương pháp nhân văn nhất.

Hai năm trôi qua nhưng cánh thanh niên ở thôn Hòn Dũ vẫn nhớ rõ từng ca từ trong các ca khúc âm nhạc truyền thống được biểu diễn trong đêm hòa giải giữa tốp thanh niên Hòn Dù với làng A Xây. Cao Tùng ở thôn Hòn Dù chia sẻ: Đợt ấy một số vật nuôi ở đây bị nước suối cuốn mất lại cứ nghĩ là thanh niên làng A Xây bắt về nhậu nên bọn mình gây sự rồi toan kéo đi đánh nhau. Biết chuyện nhiều người già tập hợp hết thanh niên lại phân giải và tổ chức thi hát nhạc truyền thống của dân tộc Raglai, hát các ca khúc cách mạng, các bài hát về Bác Hồ. Cả bên thắng, bên thua đều được mời dự tiệc và bắt tay nhau, coi nhau như anh em. Sau này, nhiều mâu thuẫn khác phát sinh trong các buôn làng ở xã Khánh Nam cũng được hóa giải bằng các bài hát ca ngợi tinh thần lao động, lòng tương ái và tình đoàn kết giữa các bản làng.

Trong nhiều gia đình người làng A Xây còn in đoạn trích trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các Dân tộc thiểu số miền Nam là “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...” để dán vào vị trí trang trọng của nhà mình.

Từ tinh thần cách mạng và lòng chăm chỉ, làng A Xây hôm nay đã trù phú, điện-đường-trường-trạm đều đảm bảo, công tác chăm sóc sức khỏe luôn được chú trọng. 100% trẻ em được tiêm chủng, gần 100% phụ nữ sinh đẻ ở trạm y tế, khi có bệnh người dân không còn tìm thầy cúng để chữa trị theo kiểu mê tín, đồng bào đã bỏ hẳn tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhiều gia đình ở A Xây đã tạo được cơ ngơi tiền tỉ. Sống trong không gian rừng rẫy bao bọc nên người A Xây còn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ rằng; “Rừng là vàng nếu ta biết bảo vệ và chăm sóc thì rừng rất quý”.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn