Đây là cách để duy trì các giá trị truyền thống, bảo tồn nguồn dược liệu, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như tăng thu nhập bền vững cho bà con trên địa bàn.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa những loại cây trồng mới vào sản xuất. Trong đó, cây dược liệu là một trong những cây trồng được địa phương phát triển hiệu quả.
Từ tháng 9/2021, gia đình ông Hà Đắc Liên, bản Hắc, xã Trí Nang đã mạnh dạn đưa một số loại cây dược liệu, như: Mạch môn, bách bộ, đinh lăng, ngải cứu... vào trồng thay thế cho diện tích mía, keo... cho hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Liên cho biết: Các loại cây dược liệu tương đối dễ trồng, dễ chăm bón, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, những loại dược liệu này đều được Công ty Dược hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất ban đầu và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường, nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định.
Chỉ khoảng 4 tháng sản xuất, cây ngải cứu đã cho thu hoạch, lợi nhuận bình quân khoảng 3 triệu đồng/sào/lứa, cao hơn nhiều lần so với những cây trồng khác, nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng ngải cứu để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp nói trên.
Được biết, nhờ đặc tính dễ trồng, hợp với chất đất nên diện tích cây ngải cứu được người dân xã Trí Nang phát triển khá nhanh. Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang, cho biết: Thực hiện Nghị quyết HĐND huyện về phát triển cây dược liệu, xã Trí Nang đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng cây ngải cứu, bách bộ, đinh lăng... thay thế cho một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Đến nay, trên địa bàn xã trồng được 7,5 ha cây dược liệu, chủ yếu là cây ngải cứu. Nhờ được liên kết với doanh nghiệp nên cây ngải cứu cho thu nhập ổn định, cây cho thu hoạch 3 vụ/năm, nếu như chăm sóc tốt có thể cho 4 vụ/năm, với thu nhập bình quân khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu cao hơn so với một số loại cây truyền thống khác.
Trăn trở và mong muốn bảo tồn với những bài thuốc quý của cha ông, đưa cây dược liệu trở thành cây trồng phổ biến, nâng cao thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2021, UBND huyện Lang Chánh đã phê duyệt đề án phát triển cây dược liệu gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Theo đó, UBND huyện Lang Chánh đã hỗ trợ 1 lần 15 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng cây ngải cứu; 25 triệu đồng/ha các loại cây: Bách bộ, mạch môn đông, thiên môn đông, kim ngân hoa.
Chỉ qua hơn 2 năm phát triển, cây dược liệu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và sự bền vững, do đó, tính đến tháng 7/2023, toàn huyện đã phát triển được khoảng 30 ha cây dược liệu gồm: Ngải cứu, thiên môn đông, mạch môn đông, bách bộ, kim ngân hoa.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: Thời gian qua, cây dược liệu đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với những loại cây trồng truyền thống khác. Trong đó, huyện đã phát triển được sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ cây dược liệu. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, huyện Lang Chánh tiếp tục khuyến khích nhân dân phát triển, mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến dược liệu.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án trồng, xây dựng các vườn ươm dược liệu trên địa bàn huyện và hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu ở những nơi có điều kiện... nhằm từng bước giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất cây dược liệu.
Mời độc giả xem thêm video:
Bảo Tồn Và Phát Triển Cây Dược Liệu Quý Ở Hà Giang I SKĐS