Theo đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, là địa phương giáp ranh, có sự giao thương lớn, TP. Biên Hòa đang khẩn trương xây dựng kịch bản để xử lý tình huống khi thành phố có số lượng ca F1 tăng đột biến, từ 200 ca F1 đến 500 ca, thậm chí 1000 ca F1.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan của thành phố chuẩn bị đầy đủ các loại trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, khu cách ly... để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. TP. Biên Hòa đặt mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, song công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những trường hợp đi/về từ TP.HCM phải thực hiện quyết liệt để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất số ca lây nhiễm.
Đồng Nai đã có quy định về việc quản lý đối với người đi/về từ TP.HCM
Liên quan đến ca F1 đang làm việc tại tại Công ty Tommbow, lô 514, đường 13, khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai hỗ trợ TP. Biên Hòa lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ các F2 và những người có liên quan đến ca F1 với số lượng dự kiến khoảng 850 người.
Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng của TP. Biên Hòa khẩn trương điều tra, truy vết tất cả những trường hợp có tiếp xúc với trường hợp này ở ngoài công ty để xử lý theo quy định. Tất cả thông tin của các trường hợp F2, F3 liên quan đều phải được bảo mật.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Có nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp chỗ ở cho chuyên gia, người lao động ở lại Đồng Nai thời điểm này để đảm bảo an toàn phòng dịch trong doanh nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đã và đang tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi nếu dịch bệnh xảy ra, hậu quả sẽ rất khó lường và công tác chống dịch sẽ rất khó khăn.