Ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi, dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay

19-11-2024 06:01 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ngày 18/11, bé trai 8 tuổi ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) tử vong do bệnh sởi. Điều này khiến cha mẹ có con nhỏ lo lắng. Vậy, bệnh sởi có diễn biến như thế nào, khi nào cần nhập viện?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…

Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc, suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.

Triệu chứng bệnh sởi

Ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi, dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay- Ảnh 1.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh sởi biểu hiện trên lâm sàng thường trải qua ba giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh (10 – 12 ngày) là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus gây bệnh đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.

  • Giai đoạn tiền triệu

Giai đoạn tiền triệu (5 – 15 ngày) được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện.

Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm), xung quanh hạt Koplik niêm mạc má thường có sung huyết. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.

Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn tiền triệu biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.

  • Giai đoạn phát ban

Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay. Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.

Một số triệu chứng điển hình của bệnh sởi cha mẹ cần lưu ý để phát hiện sớm

  • Sốt cao.
  • Chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng.
  • Viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc.
  • Ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 đến 6 của bệnh theo thứ tự: mọc từ đầu, mặt, cổ, dần lan đến ngực, lưng, cánh tay, rồi đến bụng, mông, đùi, chân. Khi phát ban hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, trẻ hết sốt và ban bắt đầu bay.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
  • Khó thở, thở nhanh.
  • Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
  • Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Lời khuyên bác sĩ

Ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi, dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay- Ảnh 2.

Cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để bảo vệ tốt nhất cho trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi cũng như chung tay góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hai liều vaccine phòng bệnh sởi (tiêm lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi) mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh cho trẻ đến 97%. Nếu trẻ bị trễ mũi tiêm phòng bệnh sởi, cha mẹ hãy cho trẻ tiêm bù càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ lưu ý thực hiện đồng thời các biện pháp khác để phòng bệnh như: Đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi đông người. Vệ sinh tay thường xuyên. Che miệng khi ho. Cho trẻ ăn uống đầy đủ nhằm tăng sức đề kháng. Cách ly trẻ mắc bệnh sởi, tránh tập trung nơi đông người khi có dịch.

Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn kịp thời.


Theo thông tin ban đầu, ngày 15/11, bé được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt, ho, sổ mũi và phát ban.Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi, biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm ruột. Bệnh nhân được nhập viện, điều trị. Sau 3 giờ nhập viện, người nhà xin cho bé xuất viện.

Đến 7 giờ ngày 17/11, người nhà phát hiện bé tím tái, gọi không trả lời, liền đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu. Lúc này bé đã ngưng tuần hoàn hô hấp. Đến 7 giờ 50 phút cùng ngày thì bé trai tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận gần 1.900 ca mắc bệnh sởi.

BS Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ý kiến của bạn