Ghi nhận 1.321 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, chiếm tỷ lệ 5,7% trên tổng số mũi tiêm; tương đương với tỷ lệ phản ứng thông thường của các vắc xin DPT khác; không có ca tai biến nặng sau tiêm chủng.
Số liều vắc xin ComBE Five trên chỉ mới bao phủ khoảng 5% số trẻ cần tiêm chủng các mũi cơ bản phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, HiB, bại liệt. Bên cạnh đó, có khoảng 70% số trẻ được tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Như vậy vẫn còn khoảng 16.269 trẻ em sinh từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019 (chiếm tỷ lệ 25%) nhưng vẫn chưa được tiêm chủng phòng các bệnh này. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh này trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm chủng theo lịch.
Tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng.
Một thống kê khác trên số trẻ sinh trong 2 tháng đầu năm, số trẻ được tiêm chủng mũi 1 với vắc xin ComBE Five là 2790 trẻ, chiếm tỷ lệ là 16,5%; có 9749 trẻ tiêm chủng mũi 1 bằng các vắc xin dịch vụ, chiếm tỷ lệ 57,5%.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến các các bậc cha mẹ có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc do Bộ Y tế quy định. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng để biết có thể đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ. Cha mẹ có thể lựa chọn sử dụng vắc xin dịch vụ (có thu phí) hoặc vắc xin tiêm chủng mở rộng (miễn phí) để hoàn thành lịch tiêm chủng này. Tất cả các vắc xin lưu hành tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định chung về kiểm định, bảo quản và sử dụng theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố có trách nhiệm tư vấn tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định “Cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng” (Điều 8 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 - 18 tháng tuổi.
Trước đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ tháng 2 đến tháng 4/2019 TPHCM đã triển khai tiêm vắc xin ComBE Five cho 16.511 trẻ, đạt 20,4% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng ngừa 5 loại bệnh gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Trong số hơn 16.000 trẻ được tiêm chủng bằng vắc xin ComBE Five có 1.218 trẻ có các phản ứng nhẹ sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng, chiếm 7,3%. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five tại TPHCM tương đương cả nước (từ 7%-10%).
Trung tâm Y tế Dự phòng TP đã yêu cầu các quận, huyện giám sát chặt chẽ công tác quản lý đối tượng tiêm chủng của các trạm y tế phường, xã. Cùng với đó là tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế phụ trách công tác tiêm chủng tại trạm y tế. Các trạm y tế cũng cần tăng tần suất buổi tiêm chủng thêm từ 1-2 buổi trong một tháng hoặc thực hiện tiêm chủng vào ngày thứ bảy để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng thuận lợi hơn.