Bệnh thủy đậu lành tính nhưng cần cảnh giác biến chứng
Trên thực tế, khi bị thủy đậu, hầu hết người bệnh đều hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp các biến chứng thủy đậu nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng da, biến chứng nhiễm trùng huyết… nếu không theo dõi, tuân thủ điều trị đúng cách. Các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu như phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên, người có bệnh lý nền, trẻ sơ sinh có thể gặp biến chứng rất cao.
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan qua sự tiếp xúc, từ các nốt ban ngứa ở người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm (ví dụ, khi một người bị nhiễm thủy đậu hắt hơi nhảy mũi hoặc ho).
Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Bệnh phát triển trong vòng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
Cách phát hiện sớm biến chứng thủy đậu
Mặc dù là bệnh lành tính nhưng biến chứng của bệnh thủy đậu rất nhiều mặc dù không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn.
Những biến chứng thường gặp khi bị bệnh thủy đậu
Viêm nhiễm: Khi nốt thủy đậu bị vỡ hay trầy xước do người bệnh gãi có thể gây viêm, sưng tấy, nhiễm khuẩn có mủ, loét thậm chí để lại sẹo xấu và nhiễm trùng huyết.
Viêm phổi: Là biến chứng thường gặp ở người lớn hơn trẻ em, xuất hiện vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh. Người bệnh có những biểu hiện như: sốt cao, thở nhanh, khó thở, đau ngực, tím tái… dẫn tới suy hô hấp, phù phổi và có thể gây tử vong.
Viêm não: Thường để lại di chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần vận động…
Bệnh zona: Là biến chứng muộn của bệnh thủy đậu, do virus gây bệnh vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Khi có điều kiện thuận lợi, virus sẽ tái hoạt động trở lại và gây bệnh zona thần kinh.
Sảy thai, di tật: Phụ nữ bị thủy đậu trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị sẩy thai hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh như: đầu nhỏ, bại não, sẹo bẩm sinh…tùy ở thời điểm thai phụ nhiễm thủy đậu.
Những dấu hiệu giúp phát hiện sớm thủy đậu biến chứng
Người mắc thủy đậu có thể theo dõi và điều trị tại nhà, tuy nhiên cần theo dõi kỹ các dấu hiệu để phát hiện thủy đậu biến chứng, xử lý kịp thời sau đây:
- Sốt kéo dài hơn 4 ngày hoặc sốt cao, trên 38,5 độ C.
- Ho nặng hoặc khó thở.
- Vết phỏng thủy đậu chảy mủ (chất lỏng đặc, màu vàng) hoặc chuyển thành màu đỏ.
- Phát ban lan rộng sang một hoặc cả hai bên mắt.
- Chóng mặt hoặc lú lẫn, mất ý thức.
- Tim đập loạn nhịp.
- Mất khả năng phối hợp cơ, đi lại khó khăn.
- Nôn mửa.
- Run rẩy (rung lắc dữ dội).
- Cổ cứng.
- Đau đầu dữ dội.
- Buồn ngủ bất thường hoặc khó thức dậy.
- Khó nhìn vào đèn sáng.
Cần chăm sóc đúng khi bị thủy đậu
Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Là bệnh lành tính do vậy có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp bị biến chứng cần điều trị nội trú tại bệnh viện theo đúng liệu trình của bác sĩ. Để bệnh thuyên giảm nhanh và an toàn khi điều trị, cần lưu ý:
Khi điều trị tại nhà:
- Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều.
- Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
- Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
- Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.
Khi dùng thuốc điều trị:
- Với các nốt mụn nước trên cơ thể, bạn có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành.
- Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.
- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Những lưu ý khi hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu:
- Cắt ngắn móng tay và tránh việc gãi, cào các nốt thủy đậu
- Mặc quần áo dài để che kín các nốt thủy đậu, tránh để tổn thương bởi bụi, bẩn, ruồi muỗi,…
- Đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C, kẽm để nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể
- Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7-10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.