Ghi lời Bác Hồ phải chính xác

14-10-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 1959 , Hồ Chủ tịch tới thăm và xem các nghệ sĩ sân khấu tuồng biểu diễn. Sau khi xem, Bác cháu quây quần và Người có động viên...

Năm 1959 , Hồ  Chủ tịch tới thăm và xem các nghệ sĩ sân khấu tuồng biểu diễn. Sau khi xem, Bác cháu quây quần  và Người có động viên, căn dặn các nghệ sĩ với 2 nội dung: Loại hình sân khấu tuồng là tốt và cần phát huy nhưng đừng đánh mất tuồng với so sánh “gieo vừng ra ngô”.

Tất nhiên, lời căn dặn của Bác không có văn bản chuẩn bị sẵn, được phát biểu tại chỗ nên các nghệ sĩ nhớ và kể lại nên không đúng nguyên văn. Khi các nhà báo, nhà lý luận phê bình (LLPB) sân khấu nghe kể lại và đưa vào bài viết của mình cũng “biên tập” lại ý Bác theo  cách hành văn của mình thành ra mỗi tài liệu một khác, thậm chí không còn là câu nói của Bác.

Ghi lời Bác Hồ phải chính xác

Hoành phi tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là một trong những trung tâm nghệ thuật tuồng của nước ta đóng tại Đà Nẵng đã đưa lời căn dặn của Bác vào hoành phi đặt chỗ trang trọng nhất là: “Tuồng tốt đấy, nhưng đừng dẫm chân tại chỗ, phải cải tiến, song, cũng chớ có gieo vừng ra ngô”.

Bác Hồ vốn giản dị, mộc mạc, ngắn gọn trong câu văn, lời nói khi nhắc nhở, chỉ đạo người trước mặt. Câu trong hoành phi không đúng với Người vì 1 câu có đến 5 vế (dấu phẩy) với những từ như “dẫm chân tại chỗ”, “phải cải tiến”, “song” rất loằng ngoằng mà chính Bác Hồ đã từng chê lối viết rau muống. Và nhiều văn bản khác dẫn ý này cũng rất tùy tiện.

Thật ra, câu của Bác chỉ có hai vế “Tuồng tốt đấy và cần phát huy nhưng chớ gieo vừng ra ngô”.

Vế thứ nhất “Tuồng tốt đấy” các  tài liệu đều dẫn đúng nhưng tại sao tuồng vốn là “tốt” mà Bác lại khen là “tốt đấy”? Với chỉ 3 từ này, Bác đã “cứu” tuồng! Bấy giờ (1959) xu hướng phản ánh trong VHNT nước ta cứ phải là “cuộc sống mới, con người mới”, đề tài “Công Nông Binh” trong khi tuồng chỉ thấy vua, quan, áo mão cân đai đậm đặc phong kiến nên đã có ý kiến xem lại loại hình nghệ thuật này!

Khi Bác đã đánh giá, ủng hộ sẽ có lời động viên “Cần phát huy” cùng lời dặn cho rõ phát huy thế nào với sự “lường” trước  nhưng chớ gieo vừng ra ngô.

Những từ như “giẫm chân tại chỗ” “phải cải tiến”, lặp cả “song” và “nhưng” là người viết sau khi nghe kể lại chỉ nhớ ý và viết theo hành văn của mình chứ  đây không mang văn phong Bác trong nói và viết.

Vì là câu nói của Bác không lưu lại trên ghi âm, phim ảnh, thậm chí lúc đó cũng chẳng ai ghi mà  chỉ nhớ và kể lại thì chỉ nên ngắn gọn với từ Bác hay dùng, logic của mạch câu “Tuồng tốt đấy, cần phát huy nhưng chớ gieo vừng ra ngô”.

Về logic trong câu, đã khen “Tuồng tốt đấy” thì không thể “phải  cải tiến” mà phải là “cần phát huy”. Hoàn cảnh câu nói là Bác giữa các nghệ sĩ tuồng nên nói rất ngắn gọn. “Tuồng tốt đấy” là câu khen, “phải phát huy” là chỉ thị có cả sự động viên gắn với câu khen trước chứ không phải là “phải cải tiến” vì “phải cải tiến” không logic với “tuồng tốt đấy”... Và ý “chớ gieo vừng ra ngô” mà các văn bản ghi lại đều thống nhất chính là làm rõ cho vế “cần phát huy”. Những câu chữ khác đưa vào đây đều là thừa, không  đúng văn phong của Bác.

Ghi dẫn những câu nói của Bác đặc biệt là tại những nơi quan trọng với lời dẫn nguồn “Lời Hồ Chủ tịch” , “Chủ tịch Hồ Minh” rất cần chính xác. Chính xác ở đây phải đúng tinh thần câu nói, logic về câu từ, hợp lý với từ Bác hay dùng mà không thể tùy tiện “dịch” lời Bác qua văn mình.

Thiết nghĩ chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ nếu như người đọc ngờ ngợ không tin là câu nói của lãnh tụ, của nhà văn hóa lớn.

Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn
Tags: