- Từ ngày 18/3, trong quá trình điều tra sẽ phải có ghi âm ghi hình để tăng tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình; đồng thời là căn cứ quan trọng khẳng định bị can có tội hay không, ngừa oan sai.
- Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài, mong không có ai bị oan sai.
- Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị cáo là rất tiến bộ, đột phá của cơ quan điều tra, phù hợp với thực tiễn. Thể hiện đảm bảo quyền con người nói chung và quyền của báo chí nói riêng.
- Rất chuẩn! Nhưng vấn đề vẫn là con người chứ không phải phương tiện?
- Phương tiện cũng bị làm sai lệch sao?
- Không thể! Nhưng con người sai lệch như điều tra viên nóng vội, chủ quan, ham thành tích vẫn có thể ép cung để bị can nói theo ý mình trước máy ghi âm ghi hình chứ.
- Hả?
- Ví dụ có thể dùng nhục hình ở chỗ khác. “Thỏa thuận” lời khai xong mới vào phòng lấy cung.
- Hèn chi các nước văn minh, luật sư cũng tham gia vụ án ngay từ đầu và có mặt tại các buổi hỏi cung.
- Đúng là quy định mới hạn chế phần nào sự thiếu khách quan, hạn chế việc bức cung nhưng cũng cần tăng cường sự kiểm tra giám sát của viện kiểm sát, của cơ quan dân cử cũng như sự kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp cũng như chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, trình độ của cán bộ người tiến hành tố tụng là việc làm cần thiết. Bởi lẽ không ngoại trừ trường hợp có ghi âm, ghi hình nhưng cơ quan, tổ chức thực thi không thực hiện nghiêm túc hoặc không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình hỏi cung.
- Quan trọng nhất vẫn là con người!