(SKDS) - Khe hở môi và vòm miệng (KHM – VM) là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp ở Việt Nam và thế giới. Tùy thuộc vùng địa lý và điều kiện kinh tế, xã hội tỷ lệ mắc phải bệnh này dao động vào khoảng 1/750 - 2/1000.
Khe hở môi và những biến chứng
Khi trẻ mắc phải dị tật bẩm sinh là KHM - VM trẻ chịu ảnh hưởng bởi những biến dạng về giải phẫu môi, mũi và vòm miệng dẫn đến sự kém phát triển tầng giữa và tầng dưới mặt. Những thay đổi về giải phẫu này ảnh hưởng tới việc hình thành và mọc răng hàm trên ở bên khe hở dẫn đến răng mọc lệch lạc, thiếu răng vùng khe hở và biến đổi khớp cắn. Trẻ ăn uống thường sặc, mắc các bệnh về đường hô hấp một cách thường xuyên, rối loạn chức năng nghe và phát âm, những điều đó ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ, trẻ trở nên mặc cảm, tự ti, xa lánh cộng đồng.
Điều trị dị tật bẩm sinh KHM - VM và những rối loạn do KHM - VM gây ra cho người bệnh cần sự phối hợp giữa các biện pháp và kỹ thuật trong một thời gian dài. Trong đó phẫu thuật tạo hình đóng kín khe hở là biện pháp đầu tiên và cơ bản nhất, tiếp theo là nắn chỉnh răng, phẫu thuật ghép xương khe hở cung hàm, phục hình răng thiếu trên vùng khe hở, điều trị rối loạn phát âm, cuối cùng tạo hình thẩm mỹ sửa sẹo môi – mũi và tạo hình xương hàm nếu cần.
Trẻ bị khe hở môi vòm miệng. |
Tại sao phải ghép xương khe hở cung hàm?
Để khắc phục những khiếm khuyết còn lại này việc ghép xương khe hở cung hàm sau phẫu thật tạo hình đóng KHM-VM là một bước điều trị không thể thiếu trong toàn bộ quá trình chữa trị cho bệnh nhân mắc dị tật KHM – VM.
Ghép khi nào?
Để có kết quả tốt nhất lứa tuổi ghép xương khe hở cung hàm ở bệnh nhân sau phẫu thuật tạo hình môi và vòm miệng toàn bộ là khoảng từ 7 tuổi đến 12 tuổi. Đây là lứa tuổi mọc răng cửa bên (khoảng từ 7 - 9 tuổi) và răng nanh (khoảng từ 9 - 12 tuổi), đó là những răng mọc ở vị trí vùng khe hở cung hàm. Việc ghép xương ở thời điểm này để tạo nền xương đầy đủ tại vùng khe hở, nhằm kích thích cho các răng trên vùng khe hở mọc ra đúng tuổi mọc răng. Ở lứa tuổi này khi ghép xương hàm không gây cản trở sự phát triển của xương hàm trên theo chiều ngang và chiều đứng dọc.
Tuy nhiên ghép xương khe hở cung hàm ở lứa tuổi muộn hơn (>12 tuổi) vẫn được chỉ định nhằm tạo điều kiện cho răng nanh tiếp tục mọc đúng vị trí. Cùng với nắn chỉnh răng, giữ khoảng cho những bệnh nhân không có mầm răng, tạo điều kiện để phục hình răng giả sau này.
Ghép xương khe hở cung hàm ở bệnh nhân sau phẫu thuật tạo hình môi và vòm miệng giúp cho phục hồi tốt hình thái cấu trúc xương cung hàm vùng khe hở cả về khối lượng và chất lượng. Tạo điều kiện cho mầm răng cửa bên và răng nanh chưa mọc di chuyển vào vùng xương ghép, kích thích hình thành xương ổ răng, giúp cho những răng này mọc ra dễ dàng.
Nhờ ghép xương cung hàm mà vùng khe hở được tái tạo đầy đủ. Điều này giúp các bác sĩ nắn chỉnh răng có được một nền xương tốt tạo điều kiện cho việc di chuyển các răng lệch lạc về đúng vị trí giải phẫu, mà không lo ngại di lệch tái phát sau khi tháo khí cụ nắn chỉnh răng.
Phục hồi hình thái cấu trúc giải phẫu cung hàm vùng khe hở nhờ ghép xương khe hở cung hàm, hỗ trợ cho phục hình răng giả cố định có được kết quả rất tốt về chức năng và thẩm mỹ. Đặc biệt phục hình răng mất bằng cấy ghép Implant còn tránh được tiêu xương thứ phát vùng xương ghép.
Ghép xương khe hở cung hàm ở bệnh nhân sau phẫu thuật tạo hình môi và vòm miệng cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho phẫu thuật chỉnh hình xương mặt.
BSCK II. Nguyễn Mạnh Hà