Bệnh viện 103 (HVQY) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tụy - thận đầu tiên từ người cho chết não. Mặc dù vẫn còn đi sau thế giới rất nhiều năm, nhưng những thành tựu đã đạt được của ghép tụy đã làm nức lòng người say nghề. Và với người bệnh, họ lại có quyền có thêm một niềm hy vọng mới.
Khó khăn đặc thù trong ghép tụy
Tụy là cơ quan tối cần thiết của cơ thể. Mặc dù tụy tạng không phải là một cơ quan tối cấp duy trì chức năng sống như tim, phổi, não, thận, song tụy lại đóng những vai trò không thể thay thế. Nó là cơ quan duy nhất sản xuất insulin, hormon duy nhất giúp điều hòa đường máu. Người ta không thể “cắt phéng” đi khi nó bị hư hỏng, mà cần phải sửa chữa và thay thế. Do đó, ghép tụy là một ước vọng và là một kỹ thuật rất cần thiết khi “nhà máy” sản xuất insulin bị trục trặc không thể phục hồi.
Về bản chất, ghép tụy là lấy tụy từ một cá thể này đem ghép cho một cá thể khác. Song ghép tim, ghép gan, ghép thận khác với ghép tụy, ghép tụy để lại trên vai người thầy thuốc một gánh nặng rất lớn.
Đó là bởi tụy là một cơ quan rất giàu mạch máu. Mặc dù được chuẩn bị kỹ, nhưng rất khó có thể phát hiện những mạch máu chưa được cầm. Và đương nhiên điều này sẽ dẫn đến chảy máu thứ phát sau mổ. Trước khi ghép, tụy đem đi ghép đã được bơm rửa kỹ lưỡng nhằm làm sạch máu đông. Khi đó, những mạch máu nhỏ li ti, chằng chịt ở vùng rìa của tụy không có biểu hiện chảy máu. Nhưng ngay sau khi khâu nối mạch máu, các kẹp cầm máu được tháo bỏ để tái tưới máu lưu thông. Máu lập tức chảy trong toàn bộ tụy, phun trào ra các mạch máu vùng rìa khiến cho chảy máu loang lổ. Nếu không kiểm soát tốt khâu này, sự thất bại của ca ghép có thể xảy ra ngay trong vòng 24 giờ trước khi có phản ứng thải ghép chính thức.
Khó khăn thứ hai là tuỵ rất dễ bị giập nát. Tụy có đặc điểm nhu mô mềm và lỏng lẻo hơn rất nhiều tim, thận, gan. Nếu xếp theo trình tự đặc chắc của nhu mô thì ta có hàng xếp hạng: tim, thận, gan rồi mới đến tụy. Đồng nghĩa với điều này đó là tụy hoàn toàn có thể bị nát, bị giập, bị đứt gãy trong nội mô. Việc này, nếu không được “khéo tay”, hiệu quả thành công có thể chỉ đếm được ngày mà không tính tới một cuộc sống kéo dài như ý. Một khi bị giập nát, men tiêu hóa sẽ bị trào ra ngoài và nó sẽ hoại tử ngay chính bản thân tụy. Nếu không nhẹ nhàng, người bác sĩ có thể vô tình bóp nát tụy ngay chính lúc chuyển vị trí từ người cho sang người nhận, ngay trong lúc khâu nối và lắp ráp. Và hậu quả là, không cần chờ sự hồi phục, sự trào ra men tiêu hóa của tụy đã đánh sập thành công phẫu thuật chóng vánh làm cho bác sĩ chưa kịp mừng và bệnh nhân chưa kịp vui.
Khó khăn thứ ba cần tính tới đó là sự chuyển vị trí của tụy. Thường thì tim bị hỏng thì cắt đi và ráp tim mới vào vị trí cũ. Gan hỏng thì cắt đi, ghép gan mới vào vị trí cũ. Nhưng tụy hỏng thì không thể cắt đi và ghép tụy mới vào chỗ cũ. Người ta thường phải lấy nguyên xi cả cuống mạch máu lớn là động mạch thân tạng, giữ nguyên một đoạn tá tràng tạo thành một khối tụy tạng hoàn hảo rồi cấy ghép vào vị trí “bàng quang” chứ không phải ở giữa bụng nữa. Mạch máu sẽ nối với động tĩnh mạch chậu hông, đoạn tá tràng sẽ được ghép vào bàng quang (hình 1). Như vậy, men tiêu hóa tụy sẽ đổ ra ngoài bàng quang và insulin thu được sẽ đổ vào trong máu. Sự bất thường về vị trí đương nhiên sẽ gây ra những phản ứng khó chịu. Người bệnh sẽ thấy rất nặng vùng bụng dưới, hay phải đi tiểu, hay đái buốt. Các phản xạ tiểu tiện và đại tiện sẽ có những thay đổi rất khó chịu. Đây là điều cần phải tính tới về chất lượng cuộc sống sau ghép.
Ngoài những khó khăn đặc thù trên, ghép tụy vấp phải các khó khăn chung giống như các tạng khác: thiếu nguồn cho (nhất là ở Việt Nam khi còn quan điểm chết là phải toàn thây), thiếu tài chính (vì chi phí lên tới rất lớn, cỡ tỷ đồng), thiếu hành lang pháp lý bảo đảm, khả năng thải ghép...
Thành tựu mới trong công cuộc ghép tạng nước nhà
Mặc dù khó khăn là thế, song ca ghép tụy - thận đầu tiên ở Việt Nam đã có thể nói là thành công bước đầu về mặt kỹ thuật. Bệnh nhân được ghép là ông Trần Thái H., 43 tuổi (Sơn La). Ông H. bị đái tháo đường nghiêm trọng và suy thận độ II gần 10 năm nay. Ông H. nằm trong tình trạng chờ ghép bất cứ lúc nào có người cho.
Đúng ngày 1/3/2014, sau khi có nguồn cho tạng từ người cho chết não, được gia đình hai bên đồng ý, BV đã nhanh chóng triển khai các tổ chuyên môn: tổ chuẩn bị bệnh nhân ghép (ông H.), tổ lấy và ghép tạng, tổ hồi sức, tổ chống thải ghép, tổ chuẩn bị dụng cụ,... các bác sĩ giỏi nhất, năng lực nhất được tập trung. Ca ghép tụy - thận đã được thực hiện.
Tụy - thận được lấy ra, bơm rửa, chuyển giao, khâu nối. Sau 13 tiếng làm việc tập trung, trên trán ai cũng lấm tấm mồ hôi mặc dù làm việc trong phòng lạnh. Mọi người vui mừng ôm chầm lấy nhau khi tháo kẹp nối máu chảy đều và tụy hồng trở lại, niềm vui phấn khích tuôn trào trong êkíp mổ, họ mừng như thể chính người thân của họ được điều trị.
Với thành công nay, Việt Nam đã đàng hoàng đứng lên trên bục kỹ thuật cao y tế. Chúng ta đã ghép được tim, gan, thận và nay ghép tụy. Người Việt Nam có quyền về một ước mơ sống mà không cần phải đi tới khu vực nào của thế giới. Hy vọng đến một thời điểm nào đó, chúng ta có nhiều hơn những bệnh nhân sống được từ những thành tựu kỹ thuật cao của y tế, sẽ có thêm những thành công mới từ ghép tạng mà chúng ta vẫn đang mong chờ.
BS. Nguyễn Hồng Lam