Hà Nội

Ghép tim - từ ước mơ đến hiện thực

26-03-2015 15:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Việc ghép tim không đơn giản như các phẫu thuật khác. Nó không thuần túy khoa học mà còn liên quan đến tình cảm, tâm lý xã hội và đạo đức của con người nữa.

Ca ghép tim đầu tiên: rúng động thế giới!

Ngày 3/12/1967, cả thế giới rúng động khi nghe tin nhà bác học Nam Phi, giáo sư Barnard, đã ghép thành công trái tim của một phụ nữ trẻ tuổi qua đời vì tai nạn giao thông, cô Denise, cho một bệnh nhân mắc bệnh tim nặng tên là Vashanski. Vashanski đã sống được 18 ngày nhờ trái tim được ghép đó.

Ngày 2/1/1968, giáo sư Barnard lại ghép một trái tim thứ hai của một nạn nhân cho Blaibe, bệnh nhân đang mắc bệnh tim nặng. Và Blaibe đã sống được trên một năm sau cuộc phẫu thuật này.

Việc ghép tim thành công trên người của giáo sư Barnard có ý nghĩa to lớn trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy nhiều phẫu thuật viên khác trên thế giới, ở Mỹ, Pháp, Chilê, Tiệp Khắc, Liên xô cũ, làm theo.

 

Robert Jarvik và quả tim nhân tạo.

Người bệnh được ghép tim ở Mỹ là Kasperak, anh ta đã sống được 15 ngày bằng trái tim của người khác. Sau đó, người vợ góa của anh đã phải thanh toán số tiền 28.000 USD cho chồng mình. Cho đến năm 1968, toàn thế giới đã có 84 trường hợp ghép tim trên người, trong đó có 42 người chết ngay sau mổ và 42 người sống được trong những khoảng thời gian khác nhau. Có hai người đã được ghép tim lại lần thứ hai.

Tới đầu thế kỷ XXI, hàng ngàn cuộc mổ ghép tim đã được tiến hành trên toàn thế giới cho các bệnh nhân mắc bệnh tim nặng, trong đó có một người Pháp tên là Emanuel Victoria đã sống hơn 20 năm sau khi được giáo sư Edmond Henri và cộng sự ghép cho trái tim của một thanh niên 20 tuổi bị chết vì tai nạn ô tô.

Chúng ta ai cũng biết rằng việc ghép tim đầu tiên trên người của giáo sư Barnard không phải là ngẫu nhiên mà đã được tiến hành sau nhiều năm nghiên cứu trên động vật, cùng với việc trao đổi kinh nghiệm với nhiều phẫu thuật viên ở các nước khác nhau trên thế giới.

Bước đường đi tới áp dụng trên con người trong khoa học là bước đường đầy gian khổ chông gai, đòi hỏi sự kiên trì, bình tĩnh, cẩn trọng, có khi phải mất cả chục năm nghiên cứu trên động vật. Việc tiến hành lần đầu tiên cái gọi là “áp dụng trên người” chỉ có thể được quyết định khi lương tâm của người thầy thuốc đã khẳng định rằng ngoài biện pháp này không còn cách nào cứu sống được người bệnh nữa. Như trường hợp của nhà bác học Pasteur, dù chưa kịp kiểm tra hiệu lực và độc tố của vắcxin chống bệnh chó dại, ông đã phải tiêm cho chú bé Joseph 9 tuổi bị chó dại cắn, và chú đã được cứu sống!

Ghép tim: vô cùng khó khăn

Việc ghép tim không đơn giản như các phẫu thuật khác. Nó không thuần túy khoa học mà còn liên quan đến tình cảm, tâm lý xã hội và đạo đức của con người nữa.

Khi ta ghép một cơ quan có đôi như thận (bình thường mỗi người có hai thận), nếu cuộc mổ thành công thì cả người nhận và người cho thận đều sống. Nhưng ghép tim thì khác hẳn. Tim là cơ quan độc nhất, do đó người cho tim chắc chắn phải là người đã chết hoặc sẽ chết, tim vẫn còn đập nhưng não đã chết, và ở đây chỉ có người nhận trái tim ghép được sống mà thôi!

Ta hãy suy nghĩ, đứng trước hai bệnh nhân cùng ở trong tình trạng nặng như nhau, một người mắc bệnh tim nặng và một người bị tai nạn gây chấn thương nặng, cả hai đều bị thần chết đe dọa. Đối với lương tâm người thầy thuốc, cả hai người đều cần được cứu sống!

Trên thực tế, có hàng trăm người bệnh đã hồi sinh sau cái chết lâm sàng (tức là mới chết 5 - 6 phút, tim mới ngừng đập, phổi ngừng thở, nhưng tế bào não vẫn còn sống, còn hồi phục được nếu hồi sức tích cực). Nhà vật lý học nổi tiếng của Liên xô cũ Lân Đao San, sau khi bị tai nạn ô tô rất nặng ngày 8/1/1882: xương sọ và xương chẩm bị rạn vỡ, não bị chấn thương nặng, lồng ngực bị ép gãy 7 xương sườn, bị choáng chấn thương nặng, ông đã chẳng được cứu sống sau ba lần chết lâm sàng đó sao!

Tại Liên xô cũ, kinh nghiệm ghép tim trên thực nghiệm của giáo sư V.V. Kovanov và V.S. Eurakovski đã cho thấy kết quả tốt nhất là trường hợp ghép một trái tim còn đang sống, đang hoạt động, được lấy ra trong điều kiện hạ thể nhiệt trung bình ( 280C). Chumvay cũng cho biết là càng lấy tim chậm bao nhiêu sau khi chết thì số tim còn khả năng ghép càng giảm: lấy ngay thì 80% số tim còn khả năng ghép, lấy sau 1 giờ rưỡi chỉ còn 70%...

Với tiêu chuẩn đó, vấn đề được đặt ra là lấy tim ở đâu và của ai để ghép? Nếu chỉ đứng trên quan điểm y học thì tốt nhất là lấy tim của người bị chấn thương sọ não nặng, đã hết khả năng sống, nhưng việc chứng minh thế nào là mất não, không còn khả năng hồi phục, thật khó khăn và phức tạp. Có trường hợp đã mê sâu, điện não chỉ còn một đường thẳng, bệnh nhân đã hết hy vọng sống, nhưng não lại hồi phục dần và bệnh nhân đã sống, thậm chí vận động đi lại được sau hai ba tháng tích cực điều trị và tập luyện theo chuyên khoa.

Khi ghép thận, ta còn có thận nhân tạo để tạm thời thay thế cho quả thận mới ghép có thời gian và khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới, chống lại các phản ứng loại bỏ quả thận mới ghép, thời gian đó có thể kéo dài từ một ngày cho tới một tuần lễ. Nhưng khi ghép tim, ta lại chưa có được trái tim nhân tạo. Chính vì thế mà trái tim được ghép phải hoạt động ngay từ giây phút đầu tiên sau khi phẫu thuật ghép tim hoàn chỉnh.

Khó khăn chính trong lĩnh vực ghép tim trên người hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật, vì kỹ thuật ghép tim đã được nghiên cứu hoàn chỉnh trên thực nghiệm và đã áp dụng trên lâm sàng có kết quả khả quan. Khó khăn lớn nhất là hàng loạt vấn đề tâm lý xã hội trong việc lựa chọn người cho tim, ai đứng ra đảm bảo rằng người cho tim đã thực sự chết, và ai là người có quyền quyết định lấy trái tim đó để ghép cho một bệnh nhân bị bệnh tim nặng.

Mặc dầu đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực ghép tim và miễn dịch học, đã giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh thêm nhiều năm, nhưng thực tế trái tim ghép vẫn là vật lạ đối với cơ thể người bệnh, nguy cơ bị loại bỏ cao luôn làm đau đầu các nhà khoa học. Mặt khác, những trái tim được ghép vẫn không thích ứng được với tình cảm, cảm xúc của người bệnh vì không có được sự điều khiển trực tiếp của hệ thần kinh trung ương.

Nhiệm vụ của các nhà khoa học y học hiện nay là cố gắng tìm tòi những biện pháp tích cực để đề phòng không cho bệnh tim xảy ra, như tích cực đề phòng và điều trị bệnh thấp khớp, đề phòng bệnh xơ vữa động mạch, nhất là xơ vữa hệ thống động mạch vành tim bằng các biện pháp tập luyện, chế độ lao động, nghỉ ngơi, chế độ ăn uống sinh hoạt…, tìm tòi nghiên cứu điều trị tích cực các bệnh tim về nội khoa, ngoại khoa… Những phương pháp và tìm tòi, nghiên cứu này đã đóng góp một phần lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, đề phòng tích cực bệnh tim mạch ở những người có nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim tái phát nhiều lần, là những người xếp hàng đầu trong số những người cần được ghép tim.

Vì khía cạnh phức tạp của vấn đề tâm lý xã hội, vì nguy cơ thải bỏ cơ quan được ghép và mặc dù các biện pháp ức chế miễn dịch sau ghép tạng đã tiến bộ rất nhiều, cho đến nay nhiều quốc gia vẫn còn rất thận trọng trong việc tiến hành ghép tim trên người.

Trái tim nhân tạo, tại sao không?

Cách đây trên 40 năm, trong báo “Tổ Quốc” số 2/1970 trang 41 - 44, tại Hà Nội, chúng tôi đã mạnh dạn nói lên mơ ước của mình về một trái tim nhân tạo có thể hoạt động lâu dài, bền bỉ cùng với trái tim của người bệnh.

Một điều hợp lý, nhân đạo và phù hợp với lương tâm của người thầy thuốc là nếu không ghép tim mà chỉ dùng trái tim nhân tạo hoạt động song hành với trái tim bị bệnh thì cuộc sống của người bệnh sẽ được kéo dài hơn và ít nguy hiểm hơn. Khi “trái tim nhân tạo” bị hư hỏng ta có thế thay nó bằng một trái tim nhân tạo khác như lắp một chiếc máy tạo nhịp tim thông thường vậy.

Cuối năm 1982, bác sĩ William de Vries ở bệnh viện Salt Lake city đã ghép thành công một trái tim nhân tạo cho một bệnh nhân nam 61 tuổi đang bị bệnh cơ tim giai đoạn cuối. Trái tim nhân tạo này mang tên Jarvik–7, là mô hình thứ bảy trong một loạt mô hình do bác sĩ Robert Jarvik thực hiện. Cuộc phẫu thuật kéo dài trên sáu giờ và đã kết thúc tốt đẹp. Barney Clark, người được ghép trái tim nhân tạo Jarvik-7, đã tỉnh lại một giờ sau mổ và nói: “Tôi không dám tin đây là sự thật! Tôi còn sống!”.

Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời những trái tim nhân tạo hoàn chỉnh hơn. Hy vọng những người đang mắc bệnh tim nặng sẽ hài lòng với việc ghép một trái tim nhân tạo hơn là cắt bỏ trái tim của mình đi để thay vào đó một trái tim xa lạ của người đã chết. Về mặt tâm lý mà nói thì sống bằng trái tim của mình cùng với sự hỗ trợ của trái tim nhân tạo vẫn thoải mái và lý thú hơn, tình cảm hơn là phải sống bằng trái tim của người khác cùng với nỗi lo không biết đến ngày nào trái tim ấy sẽ rời bỏ mình hay chính mình không còn chấp nhận nó nữa!

GS.TS. NGUYỄN KHÁNH DƯ

 

 


Ý kiến của bạn