"Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt 23 cơ sở y tế ghép tạng, cả tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng với kết quả đã ghép được 6 bộ phận cơ thể người gồm: thận, gan, phổi, tim, tuỵ, chi thể..." - Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Khoa học ghép thận, diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Vương Ánh Dương cho hay Việt Nam đã thực hiện thành công những ca ghép tạng từ người cho chết não và đang đẩy mạnh số người đăng ký hiến ghép tạng sau khi qua đời. Hiện nay, những vấn đề trong công tác ghép thận được giới chuyên môn rất quan tâm tập trung vào các yếu tố để làm tăng miễn dịch, giảm nguy cơ đào thải cao, hay nhiễm trùng. Các bệnh viện tuyến tỉnh khi thực hiện ghép thận vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm cả trước, trong và điều trị sau ghép thận.
Ông Dương cũng thẳng thắn cho hay, ghép tạng đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn như về chi phí ghép và điều trị dài ngày sau đó cho bệnh nhân ghép tạng.
Vì vậy, Bộ Y tế đang tham quan học tập nhiều mô hình liên quan đến ghép tạng, điều trị sau ghép cũng như liên quan đến vấn đề chính sách trong nước và quốc tế. Tất cả những khó khăn đó Bộ Y tế đã ghi nhận để thời gian tới tìm cách tháo gỡ. Bộ Y tế đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi Luật hiến ghép mô tạng, xây dựng thông tư về tổ chức và điều phối hiến tạng, tổ chức truyền thông vận động người cho chết não.
Tại hội nghị, TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, bệnh viện là cái nôi của ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng. Công tác ghép thận được Bệnh viện tổ chức triển khai từ năm 2002, với quy trình đơn giản nhất.
Về mặt kỹ thuật, công tác ghép tạng không quá khó trong ngoại khoa, tuy nhiên ghép tạng và ghép thận đòi hỏi công tác tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận nhuần nhuyễn. Bên cạnh thời điểm ghép, công tác theo dõi điều trị cho bệnh nhân sau ghép quan trọng để duy trì sự sống lâu dài cho người bệnh.
Theo TS Hùng, suy thận có hai nhóm nguyên nhân chính là suy thận bẩm sinh và do mắc phải. Trước đây, suy thận do mắc phải thường do nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu. Hiện nay, với sự phát triển của kháng sinh, nguyên nhân suy thận do viêm đã giảm đi.
"Tuy nhiên, một nguyên nhân khác góp phần gây suy thận hiện nay đó là thực phẩm. Hiện nhiều thực phẩm sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại để bảo quản. Về nguyên lý, các chất khi đưa vào cơ thể đều được chuyển hóa, đào thải qua gan và thận. Chính vì vậy, những thực phẩm này gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận đầu tiên"- TS Hùng cho hay.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng thông tin, bệnh suy thận đang trẻ hóa do người trẻ là đối tượng tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Người trẻ có thể tiếp xúc với môi trường lao động độc hại; ăn các loại thực phẩm không an toàn; lạm dụng rượu, bia,… Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng người dân khi phát hiện suy thận không theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự uống thuốc dân gian không rõ nguồn gốc dẫn đến bệnh chuyển nặng.
Nhấn mạnh ghép thận làm cho chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân tốt hơn hẳn, giảm được nhiều gánh nặng so với chạy thận 3 lần/tuần, tuy nhiên ông Hùng cho rằng một số quy định pháp lý về hiến ghép tạng không còn phù hợp, thậm chí có nội dung còn là rào cản trong thực tế công tác ghép tạng hiện nay, trong đó có ghép thận.
"Chúng ta không nghĩ đến đối tượng ghép tạng là trẻ em, nhiều trường hợp trẻ em chết não, gia đình cũng muốn hiến tạng nhưng do luật không quy định nên không thể lấy tạng của trẻ"- ông Hùng dẫn chứng.
Ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức hồi sinh sự sống chất lượng cho hàng nghìn người bệnh
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thế Cường - Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Việt Đức cho biết đến nay Bệnh viện Việt Đức đã ghép thận cho 1.800 trường hợp (trong giai đoạn đại dịch COVID-19, vừa chống dịch nhưng các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức vẫn thực hiện hàng trăm ca ghép thận (năm 2020 là 172 ca; 2021 là 176; 2022 là 218 và 2023 là 224 ca), trong đó, 67% bệnh nhân ghép thận là nam giới, nữ giới chiếm 37%.
Độ tuổi trung bình ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức hiện nay là gần 43 tuổi. Đáng lưu ý khi có hàng nghìn bệnh nhân đã ghép thận và đang chạy thận tham gia vào Câu lạc bộ bệnh thận để chia sẻ những kinh nghiệm với nhau trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Theo TS Cường, trải qua gần 20 năm phát triển, ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức đã đạt được nhiều kết quả như thận ghép hoạt động 5 năm đạt 98,9%; tỉ lệ thận ghép hoạt động 10 năm đạt 95,7%. Đặc biệt Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ghép thận cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh.
"Hiện nay, kỹ thuật lấy - ghép thận cũng ngày càng phát triển, các bệnh viện đã thực hiện lấy thận ghép bằng kỹ thuật nội soi, giúp người hiến tạng sống hồi phục tốt sau khi hiến tạng"- TS Cường chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cho hay hiện nay BHYT đã chi trả chi phí điều trị cho bệnh nhân suy thận và người ghép thận, giúp bệnh nhân được điều trị ổn định hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hiến ghép tạng nói chung và nguồn hiến thận nói riêng chủ yếu vẫn là người cho sống. Trong khi đó, việc người hiến thận sống sau khi hiến đòi hỏi theo dõi, chăm sóc sức khỏe, ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi vậy, cần tăng nguồn tạng hiến từ người chết não để thêm cơ hội cứu sống nhiều người bệnh.
Tại hội thảo, nhiều báo cáo đã được các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện khác trình bày gồm: Tổng kết ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức giai đoạn 2006-2023; Nhiễm trùng Cytomegalovirus sau ghép thận; Cá thể hóa điều trị ức chế miễn dịch cho bệnh nhân sau ghép tạng dựa trên PK/PD;
Nội soi ổ bụng lấy thận để ghép tại Bệnh viện Việt Đức giai đoạn 2018-2023: Kinh nghiệm qua 1.000 trường hợp; Kinh nghiệm ghép thận đảo cực; Nhiễm trùng tiết niệu ở người bệnh sau ghép thận; Tối ưu hóa phác đồ ức chế miễn dịch sau ghép thận…