Ông Trần Văn H, 50 tuổi, ở TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cách đây 2 năm thấy đau vùng hông thắt lưng, đau ngày nhiều hơn, không đi lại được kèm theo tê bì tay chân và gầy sút cân.
Ông H. đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán đa u tủy xương. Sau 8 đợt điều trị hoá chất tại Khoa Huyết học lâm sàng, các triệu chứng đau giảm dần, có thể tự đi lại được, tình trạng tê bì tay chân đã cải thiện.
Tuy nhiên, với căn bệnh của ông H, để có thể kéo dài thời gian sống, cách điều trị tối ưu nhất cho người bệnh phải được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
Để phát triển kỹ thuật mới, giúp ích nhiều người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện Đề án ghép tế bào gốc tạo máu tự thân sau khi được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật.
Các chuyên gia của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trực tiếp chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân H. sau khi đạt lui bệnh hoàn toàn (sau điều trị hoá chất các chỉ số về bình thường).
Với phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh, các tế bào gốc sẽ hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng.
Hiệu quả của ghép tế bào gốc tạo máu tự thân chủ yếu có được là nhờ hóa trị liều cao nhằm mục đích tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính.
Đối với ông H, sau khi làm các xét nghiệm đánh giá kiểm tra đạt lui bệnh hoàn toàn đã đủ tiêu chuẩn thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
Người bệnh được chuyển đến khu vực phòng ghép tế bào gốc tạo máu - khu cách ly vô trùng tuyệt đối.
Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cùng phối hợp tốt giữa các khoa, phòng, ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân H. được thực hiện thành công.
BSCKI. Bùi Thị Lan - Khoa Huyết học lâm sàng, người trực tiếp ghép, điều trị cho bệnh nhân nói: Trong gần 1 tháng thực hiện truyền tế bào gốc, khó khăn nhất đối với bệnh nhân là giảm miễn dịch với những thời điểm diễn biến rất đặc biệt.
Điển hình như ngày thứ 5, người bệnh có những triệu chứng về rối loạn tiêu hoá, hạ bạch cầu và giảm tiểu cầu.
Đến ngày thứ 7, bạch cầu về 0, chúng tôi đã thực hiện kích bạch cầu, dùng các loại kháng sinh nâng thang, điều trị bao vây phối hợp và sử dụng các thuốc hỗ trợ đường tiêu hoá nhằm giảm các triệu chứng tổn thương về đường tiêu hoá.
Đến ngày thứ 14, các triệu chứng của người bệnh đã ổn định (bạch cầu, tiểu cầu tăng lại) tế bào gốc đã mọc, các bác sĩ tiếp tục theo dõi, động viên hỗ trợ người bệnh, với chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
Đến ngày 26, người bệnh đã ổn định về mặt lâm sàng, các chỉ số bạch cầu, tiểu cầu ổn định, việc sinh hoạt ăn, ngủ đã trở về như người bình thường.
TS Nguyễn Quang Hảo - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói: 'Trong gần 2 năm qua, được sự giúp đỡ của các chuyên gia tuyến trên chúng tôi đã cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về kỹ thuật này'.
26 ngày sau ghép tế bào gốc và điều trị tích cực, ông H. đã được xuất viện. Đây là bước tiến quan trọng của chuyên ngành huyết học của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đặc biệt đối với người bệnh mắc các bệnh về máu, nhóm ngành ung thư máu được tiếp cận với phương pháp điều trị tốt nhất.
BSCC Đồng Quang Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: 'BV đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tiến hành được ca cấy ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên, tiến tới thực hiện thường quy kỹ thuật này nhằm mang lại lợi ích cho người dân cả nước nói chung, vùng Trung du miền Núi phía Bắc nói riêng'.
Từ mục tiêu và thành công đã đạt được qua ca ghép đầu tiên cho người bệnh đa u tủy xương đã mở ra một chương mới cho phát triển y tế chuyên sâu của đơn vị, là tiền đề quan trọng để bệnh viện tiếp tục triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị các bệnh ác tính về máu, giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao nhất gần nhà.