Ghép tế bào gốc: Hy vọng cho người mắc bệnh về máu hiểm nghèo

11-09-2015 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ở Việt Nam, ghép tế bào gốc (TBG) điều trị các bệnh lý huyết học đến nay đã tròn 20 năm kể từ ca đầu tiên được thực hiện tại BV Truyền máu -Huyết học (HHTM) TP. Hồ Chí Minh.

Ở Việt Nam, ghép tế bào gốc (TBG) điều trị các bệnh lý huyết học đến nay đã tròn 20 năm kể từ ca đầu tiên được thực hiện tại BV Truyền máu -Huyết học (HHTM) TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, nhiều ca bệnh đã được điều trị bằng loại “thần dược” này tại một số bệnh viện lớn trên cả nước. Tuy không đặt bước chân đầu tiên, nhưng các thầy thuốc ở Viện Huyết học-Truyền máu (HHTM) TW đã đi được chặng đường đáng kể. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện HHTM TW sau khi ca đầu tiên điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) bằng ghép TBG máu dây rốn từ Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng.

GS.TS. Nguyễn Anh Trí.

PV: Thưa GS, nếu nói TBG là “thần dược” liệu có ngoa ngôn? TBG ứng dụng trong điều trị thế nào, nhất là trong các bệnh về máu? Ở Việt Nam, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

GS.TS.Nguyễn Anh Trí: TBG được coi là thần dược bởi nó chữa được rất nhiều bệnh lý, đặc biệt hầu hết những bệnh đó là bệnh rất hiểm nghèo. Trong bệnh lý huyết học, nhất là những bệnh ung thư, TBG có thể chữa khỏi hoặc góp phần ổn định bệnh. Có những bệnh lý rất khó điều trị như suy tủy xương thì cũng được chữa khỏi bằng ghép TBG. TBG được ứng dụng chữa bệnh đầu tiên, nhiều nhất và hiệu quả nhất là trong các bệnh lý về huyết học. Các bệnh lý khác cũng có nhưng ít hơn và đang bước đầu nghiên cứu và ứng dụng. Ca đầu tiên chúng ta thực hiện là ở Bệnh viện HHTM TP.HCM năm 1995. Tại Viện HHTM TW, ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2006. Nhiều BV khác cũng thực hiện ghép TBG như: BV TW Huế, BV Nhi TW, BV TW Quân đội 108, BV198 của Bộ Công an, BV Bạch Mai. Trong lĩnh vực này, tính chung trên cả nước, đến nay đã thực hiện được gần 450 ca ghép tế bào gốc, trong đó thực hiện tại Viện HHTM TW là 169 ca. Viện đã áp dụng ghép TBG tự thân, ghép TBG đồng loài trong nhiều bệnh như: đa u tủy xương, u lymphô Hodgkin, u lymphô không Hodgkin, lơ xê mi kinh, lơ xê mi cấp, Thalassemia, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, hội chứng rối loạn sinh tủy, suy tủy xương... Lứa tuổi áp dụng cũng rất rộng rãi từ người lớn đến trẻ em. Nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi, tủy xương đến máu dây rốn (MDR). Hiện nay, các ngân hàng MDR được thành lập để khai thác TBG cho việc điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo rất hiệu quả.

PV: Ngân hàng máu dây rốn? Nếu nói TBG là thần dược thì việc lập được những ngân hàng lưu giữ MDR để chiết xuất ra “thần dược” quả là hấp dẫn. Việc này đã thực hiện ra sao, thưa GS?

GS.TS.Nguyễn Anh Trí: Ở Việt Nam, nói tới việc lưu trữ MDR đầu tiên là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thực hiện hơn 10 năm trước đây. Bên cạnh đó cũng có một số nơi khác đã thành lập cơ sở lưu trữ MDR. Tại nhiều cơ sở, hình thức lưu giữ MDR là theo yêu cầu, có nghĩa là cá nhân nào đó có nhu cầu lưu giữ MDR, tự bỏ tiền ra để gửi tại Ngân hàng, TBG lấy ra từ đây phục vụ việc chữa bệnh cho chính thành viên trong gia đình. Tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, theo tôi biết đang lưu giữ khoảng 3.000 mẫu MDR, trong đó gần một nửa thuộc loại này. Năm 2012, Viện HHTMTW thành lập Ngân hàng MDR, chủ yếu lưu trữ MDR cộng đồng từ các sản phụ hiến tặng, tạo thành ngân hàng MDR phục vụ cộng đồng. Hiện nay, Viện đã ký kết và chuyển giao kỹ thuật thu thập MDR từ sản phụ hiến tặng cho BV Phụ sản Hà Nội, nơi có 100-150 ca sinh mỗi ngày đêm. Chính sự liên kết này đã làm nên chất lượng của các mẫu MDR tại ngân hàng của Viện. Đặc biệt, với kỹ thuật xét nghiệm HLA - xác định chỉ số phù hợp ghép của từng mẫu TBG có độ phân giải cao (SSO) ở Viện HHTMTW, nâng cao khả năng tìm kiếm các mẫu TBG ứng dụng điều trị cho các bệnh nhân trong cộng đồng. Còn nếu kỹ thuật xác định HLA có độ phân giải thấp thì chỉ có thể ứng dụng tìm kiếm mẫu TBG điều trị cho bệnh nhân từ anh, chị, em ruột (người cùng huyết thống). Hiện nay, kỹ thuật SSO không phải ở cơ sở nào cũng làm được.

Ca ghép TBG máu dây rốn cộng đồng điều trị bệnh Thalasemia đầu tiên.

PV: Vậy là chúng ta có thể yên tâm về một ngân hàng TBG có chất lượng cao, có đầy đủ thông tin HLA sẵn sàng cho việc lựa chọn để trị những bệnh máu hiểm nghèo, đúng không ạ? Và chúng ta có một nguồn cung cấp phong phú không sợ bị thiếu?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Đúng vậy. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hiệu suất sử dụng. Tôi có thể nói rằng: Hiệu suất sử dụng quyết định sự tồn vong của một ngân hàng TBG. Bởi vì, TBG dù được lưu giữ đông lạnh ở -196oC thì đời sống của chúng cũng có giới hạn, thế nên thời gian lưu giữ tối đa cũng chỉ khoảng 18 năm, sau đó phải hủy. Chính vì vậy, việc những “thần dược” này được đem ra chữa cho người bệnh mới là quan trọng. Nhờ những kết quả kể trên nên, tại Viện HHTMTW, hơn 90% các ca bệnh có nhu cầu đều tìm được đơn vị TBG phù hợp. Chỉ số này đối với chúng tôi, cũng như đối với người bệnh vô cùng quan trọng và có ý nghĩa.

PV: Thưa ông, vậy triển vọng cho điều trị bệnh lý huyết học hiểm nghèo từ TBG máu dây rốn như thế nào? Và có những khó khăn gì trên con đường này?

GS.TS.Nguyễn Anh Trí: Ở Viện chúng tôi thường xuyên có khoảng 1.000 ca bệnh điều trị bệnh máu, trong đó khoảng 15-20% cần ghép TBG. Như đã nói ở trên, triển vọng cho hướng điều trị này là rất lớn. Vấn đề là cơ sở vật chất như phòng bệnh, giường bệnh..., nhân lực, nguồn lực. Hiện nay chi phí cho 1 ca ghép TBG tự thân là 250-400 triệu đồng, ghép đồng loài cùng huyết thống là 500-600 triệu đồng, ghép TBG máu dây rốn đồng loài (cộng đồng) là 600-800 triệu đồng. Dù chi phí điều trị chỉ thấp hơn 50% so với ở nước ngoài nhưng đó vẫn là một gánh nặng mà không phải ai cứ muốn “thần dược” là có được. Nếu bảo hiểm có thể chi trả phần lớn cho người bệnh thì rất tốt. Hiện nay giá của đơn vị TBG chưa được xác định và cũng không được bảo hiểm chi trả. Hơn nữa, để điều trị bệnh, có những xét nghiệm mới cần thiết, vậy là phát sinh chi phí, thuốc điều trị cũng vậy. Nhưng tất cả những điều này cần được bảo hiểm “cập nhật” mới được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thúy (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn