Tạp chí Blood tháng 12/2010 công bố ghép tế bào gốc chữa khỏi HIV, gây chấn động giới khoa học thế giới. Song, liệu việc đó có trở thành liệu pháp phổ biến?
Cần hiểu rõ hơn cách chữa bệnh này
Timothy Ray Brown bị nhiễm HIV 10 năm, sau đó bị ung thư máu (leukemia) cấp dòng tủy. Chữa ung thư máu bằng hóa trị thất bại. Tháng 2/2007, anh được ghép tủy lần đầu, đồng thời ngừng dùng các thuốc chữa HIV. Một năm sau bệnh ung thư cũ tái phát anh lại được ghép tủy lần thứ hai nhưng lần này thì ghép tủy của người cho có tế bào gốc mang một gen đặc biệt có khả năng miễn dịch tự nhiên với HIV (tế bào gốc CCR5). Cả thời gian dài sau khi ghép tủy lần hai và ngừng mọi thuốc điều trị HIV, Timothy Ray Brown hoàn toàn khỏe mạnh, vừa không còn ung thư máu cấp dòng tủy lại vừa không còn nhiễm HIV, hệ miễn dịch trở lại bình thường như trước khi nhiễm HIV. Đây được coi là trường hợp chữa khỏi HIV.
Giá trị khoa học của thử nghiệm
HIV gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Khi cơ thể bị nhiễm HIV sẽ mắc thêm nhiều bệnh cơ hội khác dẫn đến tử vong. HIV luôn luôn biến đổi nên khó có một kháng sinh ức chế như với vi khuẩn, virut khác. Một trong những cách chữa bệnh có thể đặt ra là thay đổi hệ miễn dịch của người bệnh. Thử nghiệm chữa khỏi HIV ở trên thực chất là thay thế hệ miễn dịch của người bệnh bằng hệ miễn dịch của người cho có tế bào gốc CCR5 mang gen có khả năng miễn dịch tự nhiên với HIV, thông qua việc ghép tủy của người cho để tạo ra các tế bào máu mới có tính năng đặc biệt này. Như vậy thử nghiệm này đã chứng minh cùng một lúc lý thuyết khoa học về cơ chế gây bệnh của HIV và hướng chữa nhiễm HIV (theo TS. Miachel Saag - Đại học Alabama).
Trên kính hiển vi điện tử, HIV-1 như nở ra từ tế bào lympho bị cấy. |
Những trở ngại khó vượt qua
Tỷ lệ người có tủy chứa tế bào gốc CCR5 mang gen có khả năng miễn dịch tự nhiên với HIV ở người da trắng là 1%, ở với người da đen và người châu Á là 0%. Tìm ra được người cho tủy không dễ, nếu tìm được thì giá thành sẽ rất cao.
Trước khi ghép tủy của người cho, phải dùng các hóa chất cực mạnh tiêu diệt hoàn toàn tủy của người bệnh. Tức là, trong thời gian giao thời (trước khi ghép tủy cho đến khi ghép tủy tạo ra các tế bào máu mới, hệ miễn dịch mới) thì người bệnh hoàn toàn mất hệ miễn dịch của mình và sẽ bị bất cứ bệnh cơ hội nào khi có các tác nhân bên ngoài thâm nhập. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp này hơn 30% .
Sau khi ghép tủy của người cho tạo ra hệ miễn dịch mới, người bệnh còn phải dùng thuốc chống thải loại lâu dài.Chi phí cho một ca ghép tủy chữa khỏi HIV như Timothy Ray Brown là hàng trăm ngàn USD chưa kể thuốc chống thải loại về sau.
David Baltimon, người từng đoạt giải Nobel Y học 1975 hoan nghênh thành công này và có ý tưởng thành lập ra công ty ghép tế bào gốc chữa HIV. Tất nhiên, việc chiết ra tế bào gốc CCR5 từ tủy, rồi cho chúng phát triển thành tế bào máu mới là điều có thể thực hiện được trong bối cảnh tiến bộ vượt bậc của công nghệ sinh học hiện nay. Điều này sẽ giải quyết được sự khan hiếm tủy tự nhiên và ý tưởng thành lập công ty là hoàn toàn có thể. Nhưng dù sao vẫn có tính mạo hiểm và giá thành vẫn cao.
Thử nghiệm chữa khỏi HIV có ý nghĩa khoa học cao nhưng vì những khó khăn lớn (cả về mặt kỹ thuật và kinh tế) nên khó trở thành mliệu pháp phổ biến cho hàng triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới và đa số đều thuộc diện nghèo khó. Có nghĩa là ở thời điểm này, vẫn còn phải xác định nhiễm HIV là một đại dịch, thực tế chưa có cách chữa, phải chủ động tránh nhiễm HIV bằng cách ngăn chặn các đường lây truyền HIV.
DS. Bùi Văn Uy