Ghép tế bào gốc – Chân trời mới cho người bệnh máu ác tính

24-04-2014 10:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Khi nói đến ung thư máu, nhiều người cho rằng “thần chết đã gõ cửa”, thế nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc, thực sự đã mở ra một chân trời mới đầy hi vọng đối với họ

Viện Huyết học và truyền máu Trung ương vừa tổ  chức hội nghị công bố thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu thứ 100. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân bị ung thư máu đã được được cứu sống. Khi nói đến ung thư máu, nhiều người cho rằng “thần chết đã gõ cửa”, thế nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc, thực sự đã mở ra một chân trời mới đầy hi vọng đối với họ

Hãy tin tưởng vào các bác sĩ Việt Nam

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Văn Hòa 64 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) sau khi đã được các bác sỹ hồi sinh sự sống nhờ phương pháp ghép tế bào gốc cách đây gần 3 năm. Ông Hòa cho biết, năm 2009, sau một cuộc phẫu thuật cắt mổ dạ dày, ông được phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Biết tin mình bị ung thư máu, ông hoang mang và nghĩ mình cầm chắc cái chết. “Tôi gần như không có lối thoát, đúng lúc đó các bác sỹ bên cạnh tôi, chia sẻ với tôi và khuyên tôi đến viện Huyết học và truyền máu trung ương điều trị. Thực lòng khi đó tôi vẫn hoài nghi về khả năng mình có thể thoát được án tử của căn bệnh ung thư này. Tôi cũng được anh em và bạn bè mách nước sang Singgapore điều trị. Nhưng một phần vì chi phí quá lớn lên tới 300 nghìn USD cộng với việc sức khỏe của tôi khi đó quá yếu… Cuối cùng ông Hòa đã quyết định trao mạng sống của mình cho các BS Viện huyết học và truyền máu TƯ. Quá trình nằm điều trị liên tục tại viện suốt 2 năm cũng là thời gian ông đối mặt một cuộc chiến quyết liệt với bệnh tật. Nhưng đó cũng là quãng thời gian ông cảm nhận và thấu hiểu về những người thầy thuốc. Ông Hòa thẳng thắn “nói thật lòng, từ trước tới nay, tôi không thiện cảm với ngành y, không tin vào y đức. Bởi hàng ngày trên báo chí nói nhiều tới vụ nọ, việc kia của những y, bác sĩ xuống cấp đạo đức. Nhưng với 2 năm ròng rã ở Viện đã cho tôi nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều người bác sĩ giỏi, giàu tình thương…Đến bây giờ thì tôi có thể nói rằng, tôi tin tưởng vào các bác sỹ Việt Nam, họ đã tái sinh sự sống cho tôi”.

Cũng giống như ông Hòa, anh Lâm Tiến Bình, 35 tuổi ở Lạng Sơn bị mắc bệnh Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt – mono cũng là một loại bệnh máu ác tính. Khi biết tin mình bị ung thư máu, anh cũng đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, sống khép kín, thu mình với tâm lý “chờ chết”. Nhưng niềm tin trở lại khi tháng 11/2008 anh được ghép TBG đồng loại. Trong quá trình điều trị bệnh anh đã được nhận những cử chỉ ân cần, sự chăm sóc tận tình và những lời động viên, của các y, bác sỹ… điều này đã cho anh thêm động lực để chiến thắng bệnh tật, 6 năm sau ca ghép TBG, sức khỏe của anh đã trở lại bình thường, không cần phải điều trị thuốc... Còn rất nhiều bệnh nhân bị bệnh máu ác tính được sống khỏe mạnh như anh Hòa đều rất vui mừng và biết ơn các thầy thuốc Việt Nam…

Được biết, nhiều bệnh nhân từ các nước như Pháp, Ucraina, Singapore... cũng đến Việt Nam để thực hiện ghép TBG, bên cạnh đó, nhiều người Việt Nam ban đầu chưa tin tưởng vào Viện Huyết học và Truyền máu TW đã sang nước ngoài điều trị, song vì chi phí quá lớn đành quay lại Viện để ghép TBG.

Một trong 3 bệnh nhi được ghép TBG từ tủy xương đang điều trị tại Viện 

Một trong 3 bệnh nhi được ghép TBG từ tủy xương đang điều trị tại Viện 

Những thành quả đáng tự hào

Theo ThS. Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện huyết học và truyền máu TƯ, tính từ ca ghép TBG đầu tiên thực hiện vào tháng 6/2006 đến nay (4/2014), Viện đã tiến hành được tổng số 107 ca ghép, với các hình thức ghép khác nhau như: ghép tự thân, ghép đồng loại. Phương pháp ghép tự thân với những nhóm bệnh như Đa u tủy xương chiếm tỷ lệ cao nhất là 74,2%, U lympho ác tính, Lơ xê mi cấp… Tỷ lệ thành công ở phương pháp này đạt khoảng 70 – 80%. Hiện nay, ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh đa u tủy xươngu lympho không Hodgkin đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Đối với phương pháp ghép đồng loại , Viện thực hiện từ tháng 5/2008 và tỷ lệ ghép thành công từ phương pháp này đạt khoảng 65% - 70%; tỷ lệ tử vong liên quan đến ghép khoảng 15% (thế giới tổng kết khoảng 15-20%).

Đặc biệt, từ tháng 11/2013, Viện đã triển khai ghép TBG tạo máu đồng loại cho bệnh nhân nhi, cho đến nay đã tiến hành được 3 ca ghép cho 3 bệnh nhân nhi. Đặc biệt, trong quy trình ghép, đã xử lý được những biến chứng khó của ghép như thải ghép bằng ghép lần 2 thành công ở bệnh nhân suy tuỷ xương...

Nói về thành công và những hướng tới trong tương lai, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cho biết, phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một trong những phương pháp “mũi nhọn” hiện nay, để bệnh nhân có thể được điều trị bằng những biện pháp hiện đại, với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. “Trong thời gian tới, Viện sẽ tích cực triển khai ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng, để các bà mẹ tương lai tình nguyện gửi máu cuống rốn của mình, tạo kho dự trữ tế bào gốc điều trị trong tương lai”. GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau, đối với ghép TBG tự thân, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 200 triệu VNĐ (trừ đi khoảng chi phí bảo hiểm chi trả), người bệnh phải chi trả khoảng 100 triệu VNĐ. Ghép TBG đồng loại, mỗi ca ghép có tổng chi phí khoảng 600 triệu VNĐ, (trừ bảo hiểm chi trả) người bệnh chi trả khoảng 200 – 300 triệu VNĐ. Trong khi đó, tại Singgapore chi phí ghép TBG tự thân tương đương là 100.000 USD  và 150.000- 200.000 USD với ghép TBG đồng loại, gấp khoảng hơn 10 lần chi phí ghép TBG tại Việt Nam

Hồng Loan

 


Ý kiến của bạn