Bệnh tật, tai nạn làm cho không ít người mất đi quyền được nhìn thấy ánh sáng và cuộc sống vì bị hỏng giác mạc. Bằng những nỗ lực của mình, các nhà khoa học của Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Trường đại học Y Hà Nội đã nuôi cấy thành công tấm biểu mô giác mạc từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc, trở thành vật liệu quan trọng cải thiện hiệu quả tình trạng tổn thương giác mạc của người bệnh, mở ra cơ hội cho nhiều người nhìn thấy ánh sáng.
Bước ra khỏi bóng tối
Tai nạn trong lao động đã khiến anh Nguyễn Văn T. 29 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏng giác mạc nặng. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương, tổn thương ở mắt đã làm thị lực của anh T. suy giảm trầm trọng, giác mạc bị loét, xung quanh giác mạc các tổ chức mô xơ phát triển dày đặc. Bác sĩ cho biết, để có thể trở về cuộc sống bình thường, anh T. phải ghép giác mạc. Khó khăn nhất lúc này cho cả bệnh viện và người bệnh là nguồn giác mạc hiến còn rất hiếm. Từ một thanh niên khỏe mạnh, lạc quan, anh T. biến thành người giảm sút niềm tin vào cuộc sống khi một bên thị lực chỉ còn 0/10. Cùng hoàn cảnh với anh T. là bệnh nhân Trần Thị H. 41 tuổi (Nam Định), chị H. cũng bị tổn thương giác mạc nặng, sau tai nạn, các tổ chức xơ và mạch máu đang bò kín dần giác mạc, nguy cơ mù của chị H. đang ngày một đến gần nếu không được thay thế giác mạc.
Trước ghép Sau ghép. |
Các bác sĩ cho biết, giác mạc là một mảnh mô trong suốt nằm phía trước con ngươi. Các yếu tố dẫn đến tổn thương giác mạc thường gặp là do quá trình lao động nông nghiệp, công nghiệp. Hoặc một số bệnh khác như lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh VII, do bướu cổ. Thậm chí có thể do dùng kính sát tròng không đúng cách, tự ý dùng thuốc nhỏ mắt không đúng. Trong những trường hợp tổn thương nhẹ, được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ hồi phục thị lực. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp bệnh nặng, có biến chứng thì biện pháp tốt nhất là ghép giác mạc. Nhưng đây thực sự vẫn còn là điều rất hiếm ở nước ta.
Thật may mắn cho bệnh nhân T. và H. vì đúng vào thời điểm này các nhà khoa học của Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Trường đại học Y Hà Nội đã nuôi cấy thành công tế bào gốc từ vùng rìa của giác mạc của chính bệnh nhân tạo thành tấm biểu mô giác mạc. Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã dùng các tấm biểu mô này ghép cho người bệnh. Kết quả là sau khi ghép 1 tháng, bệnh nhân T. đã nhìn thấy ngón tay cách 3m. Các tổ chức xơ và mạch máu không còn cơ hội xâm chiếm hết giác mạc của bệnh nhân H., trả lại cho người bệnh bề mặt giác mạc trong và nhẵn nhụi.
Đem ánh sáng đến cho người bệnh
PGS.TS. Nguyễn Thị Bình - Chủ nhiệm Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Trường đại học Y Hà Nội - người chủ trì đề tài nghiên cứu này cho biết, để tạo ra những tấm biểu mô của giác mạc, các nhà khoa học đã phải lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc của chính bệnh nhân, tiến hành nuôi cấy với thời gian từ 18-20 ngày, trong môi trường vô khuẩn, nhiệt độ 37oC có thành phần CO2 là 5%. Trong môi trường nuôi cấy đặc biệt này có bổ sung những chất phù hợp để tế bào gốc phát triển thành tấm biểu mô.
Theo PGS. Bình, trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương nặng bề mặt giác mạc như bị bỏng, sẹo... sẽ làm cho giác mạc bị đục, trong khi đó các tổ chức mô, xơ bò ra kín bề mặt giác mạc làm người ta không còn khả năng nhìn. Trong những trường hợp này, chỉ định thay giác mạc là tốt nhất nhưng trong điều kiện không có giác mạc để thay hoặc phải chờ giác mạc thay thế thì giải pháp dùng tấm biểu mô được nuôi cấy từ tế bào gốc là tối ưu nhất. Tấm biểu mô này sẽ làm trong giác mạc bị tổn thương, ngăn chặn không cho các tổ chức mô, xơ, mạch máu tấn công bề mặt giác mạc.
Hiện cả nước có khoảng 300.000 người cần ghép giác mạc. Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Đại học Y Hà Nội bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tấm biểu mô giác mạc từ năm 2004, đã có 4 ca thành công. Chi phí mỗi ca ghép tấm biểu mô này ở Nhật Bản là 5.000 USD. |
Trước đây, nếu không có giác mạc thay thế và chưa có tấm biểu mô này thì người ta dùng màng ối để ghép nhưng tỷ lệ thành công không cao, chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức mô, xơ và mạch máu lại phát triển xâm nhập bề mặt giác mạc. Người ta cũng có thể lấy vùng rìa giác mạc bên mắt lành để ghép sang bên mắt tổn thương nhưng kỹ thuật này đòi hỏi phải lấy một vùng rìa rất rộng, ảnh hưởng đến thị lực của mắt lành. Còn với kỹ thuật này, trong trường hợp giác mạc tổn thương nhẹ, tấm biểu mô có thể phục hồi hoàn toàn tình trạng giác mạc như ban đầu, còn với những trường hợp nặng thì có thể cải thiện thị lực của người bệnh tốt hơn.
Các nhà khoa học của Bộ môn Mô học và Phôi thai cho biết, người ta có thể tìm nguồn mua giác mạc từ nước ngoài nhưng với tấm biểu mô từ tế bào gốc thì không thể mua được vì phải lấy từ vùng rìa của giác mạc bệnh nhân. Đến nay, Bộ môn đã nuôi cấy thành công cho 4 trường hợp bị tổn thương giác mạc và đều cho kết quả tốt. Hiện tại, các nhà khoa học nơi đây tiếp tục hướng đi phát triển nguồn “nguyên liệu” quý này, họ không chỉ lấy nguồn tế bào gốc từ mắt lành của bệnh nhân mà còn tiếp tục nuôi cấy tế bào gốc ở niêm mạc miệng của người bệnh (trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt) để biệt hóa thành tế bào giác mạc. Quá trình này sẽ phức tạp hơn nhưng họ đang cố gắng để có được thành công sớm nhất.
Lê Hảo