Ghép tạng Việt Nam sẽ đi con đường nào trong tương lai?

27-01-2020 07:12 | Y học 360
google news

SKĐS - GS Richard Allen đến từ Hội Ghép tạng Thế giới nhấn mạnh, ở Việt Nam, vấn đề hiến thận (tạng) ở người trẻ cần phải hạn chế, đời sống của họ còn kéo dài 50 năm nữa, như vậy người cho sống sẽ có nguy cơ gia tăng tỷ lệ suy thận. Chính vì vấn đề người cho tạng khi còn sống nhiều ở Việt Nam, các trường hợp cho cùng huyết thống sẽ vô tình cản trở sự phát triển ghép tạng ở người cho chết.

Năm 2018 - 2019 là giai đoạn ghép tạng thành công đối với ngành y tế Việt Nam. Song, vẫn còn đó những hạt sạn về những đường dây buôn bán tạng được phơi bày, mảng ghép tạng cho bệnh nhi vẫn còn chưa được quan tâm… Con đường ngành ghép tạng đã chạm đến thành tựu về kỹ thuật, còn về sự minh bạch, hướng đến những điều nhân văn nhất vẫn chưa đi đến tận cùng.

Báo Sức khỏe Đời sống Cuối tuần đã phỏng vấn GS Richard Allen đến từ Hội Ghép tạng Thế giới (UNOS), một chuyên gia - đại sứ của UNOS, đã tận lực giúp đỡ ngành ghép tạng Việt Nam hơn 10 năm qua.

Ghép tạng Việt Nam sẽ đi con đường nào trong tương lai?

Chào GS.Allen, tôi được biết giáo sư là một chuyên gia hàng đầu của Hội Ghép tạng Thế giới. Với góc nhìn của mình, xin giáo sư cho biết, ghép tạng của Việt Nam đang đứng ở đâu, và cần làm những điều gì sắp tới?

Vào năm 2009, tôi đến Việt Nam với sự ủy thác của Hội Ghép tạng Thế giới muốn giúp các bạn xây dựng một hệ thống điều phối ghép tạng ở người cho tạng chết não.Tôi thấy mọi thứ vẫn còn sơ khởi và các bạn chỉ chú trọng vào khâu ghép tạng ở người cho sống. Đến hiện tại về mặt ghép gan, tim, thận, phổi cơ bản các bạn đã bắt đầu làm chủ được kỹ thuật. Song, tôi mong muốn Việt Nam phải có một bước tiến dài hơn nữa về khâu ghép tạng ở lĩnh vực nhi, điều này dường như các bạn giậm chân tại chỗ.

Đặc biệt, Việt Nam phải phát triển một hệ thống điều phối ghép tạng ở người cho chết não rộng khắp, nhiều bệnh nhân mới có cơ hội cứu sống. Nếu ở 1 người lớn chết não cho tạng, 1 lá gan có thể ghép cho 2 bệnh nhi, lá phổi cũng thế… Lâu nay, các bạn chỉ ghép thận cho trẻ em từ người cho sống và giác mạc từ người cho chết.

Chưa thể ghép được tim, phổi ở bệnh nhi đồng nghĩa nhiều đứa trẻ sẽ chết trước khi có tạng từ người hiến. Việt Nam phải đi theo chung xu thế thế giới, ưu tiên trẻ em, người trẻ có thời gian sống kéo dài để cống hiến, đóng góp ngược lại cho xã hội.

Theo chúng tôi biết giáo sư đã nhiều lần đến Việt Nam với trách nhiệm tham mưu xây dựng một hệ thống ghép tạng từ người cho chết não.Như vậy, ý kiến của giáo sư thế nào về hệ thống ghép của Việt Nam.Hệ thống hiện đang vận hành cần điều chỉnh như thế nào?

Xu thế mang tính hoàn hảo đang hướng đến là phát triển hệ thống hiến tạng từ người cho chết não.Ở Việt Nam, tỷ lệ người cho sống vẫn đang chiếm đa số, điều này sẽ không tốt và vẫn còn nhiều điều chưa minh bạch.Đó là lỗ hổng lớn cho tội phạm buôn bán tạng phủ hoạt động.

Ngày trước ở Úc, tỷ lệ người cho tạng là 1 người cho sống, 3 người cho chết não nhưng đến hiện tại tỷ lệ đã lên đến 1 người cho sống và 10 người cho chết. Tương lai Úc sẽ không còn “cho tạng từ người cho sống” nữa.

Ở Việt Nam, đặc biệt vấn đề hiến thận (tạng) ở người trẻ cần phải hạn chế, đời sống của họ còn kéo dài 50 năm nữa, vì vậy người cho thận sẽ gia tăng nguy cơ suy thận về sau. Đồng thời, chính vì vấn đề người cho sống nhiều lên ở Việt Nam, nhất là ở các trường hợp cho cùng huyết thống, sẽ vô tình cản trở sự phát triển ghép tạng ở người cho chết não.

Nếu phát triển ghép tạng ở người cho chết não đồng nghĩa sẽ giúp phát triển thêm lĩnh vực ghép gan, phổi, tim. Qua đó mở ra cơ hội cứu được nhiều người bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép, nếu chỉ bó buộc trong phạm vị ghép tạng từ người cho sống, chúng ta vô tình thu hẹp cơ hội cho những bệnh nhân suy thận.

Ghép tạng Việt Nam sẽ đi con đường nào trong tương lai?Buổi làm việc của giáo sư Allen với khoa Hồi sức Tích cực (ICU), BV Chợ Rẫy, về hệ thống ghép tạng bệnh viện

Vậy theo giáo sư, có một mô hình ghép tạng nào khác trên thế giới có thể áp dụng cho những nước nghèo như ở Việt Nam?

Các hệ thống hầu như giống nhau ở Úc, Mỹ, New Zealand đều có cơ sở dữ liệu quốc gia công bố mọi những ca đã làm được để tất cả người được biết. Việt Nam chưa có nên cần phải thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu nhanh để minh bạch hóa việc ghép tạng.

Minh bạch nghĩa là dựa vào các tiêu chuẩn khi các chỉ số hòa hợp, tuổi,… để quyết định ai nhận tạng. Nếu ở Úc, trẻ nhỏ sẽ được ưu tiên ghép thận đầu tiên sau khi nhận tạng từ người cho chết. Tạng được ghép cho bệnh nhi sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn ghép cho người sau 60 tuổi.

Theo tôi được biết Việt Nam chưa có đứa trẻ nào được nhận tạng từ người cho chết não. Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam làm được điều này, để các bệnh nhi hưởng được nhiều lợi ích hơn từ hệ thống.

Hệ thống quyết định ai là người nhận; ở Úc, là dựa vào các thuật toán chứ không phải một người nào đó quyết định.Các phần mềm và dữ liệu sẽ nói cho chúng ta cái tạng này sẽ cho người nào phù hợp nhất. Khi vẫn còn bàn tay con người can thiệp, quyết định khâu này, chúng ta chưa thể gọi minh bạch.

Hệ thống máy tính không thể bị “mua chuộc”, nên ra quyết định chính là minh bạch.Hệ thống này chính là vũ khí chống buôn bán tạng tốt nhất cho các bạn.

Ghép tạng Việt Nam sẽ đi con đường nào trong tương lai?TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép các Bộ phận Cơ thể Người (BV Chợ Rẫy) đang hướng dẫn diễn viên Việt Trinh đăng ký ghép tạng

Giáo sư nhận định “ngành ghép tạng Việt Nam sẽ không minh bạch nếu con người vẫn còn đóng vai trò quyết định…, dẫn đến chuyện buôn bán tạng”...

Tôi là một chiến binh tuyên chiến với nạn buôn bán tạng phủ khắp toàn cầu. Quan sát tại Việt Nam, tôi thấy vấn đề này đã “manh nha” xuất hiện ở nước các bạn, nhưng mọi thứ chưa quá tệ đến mức làm sụp đổ ngành ghép tạng như một số nước láng giềng.

Tôi có một vài học trò, đồng nghiệp Việt Nam, họ thường xuyên dịch cho tôi những bài báo ở nước bạn, những vụ buôn bán tạng bắt đầu được phanh phui. Tôi đã gặp nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến của các bạn và đề cập vấn đề tuyên chiến với nạn buôn bán tạng trong ngành y. Cách hiệu quả nhất là các bạn phải xây dựng cho được cơ sở dữ liệu quốc gia về ghép và hiến độc lập nhau.

Trong cộng đồng ghép tạng trên thế giới, họ đánh giá Việt Nam là một nước có tình trạng buôn bán tạng. Từ trái tim tôi vẫn muốn bảo vệ các bạn và vẫn cố nói với, ở Việt Nam vẫn có những người, nhiều nơi đang thực hành tốt.

Tôi lo ngại nhà chức trách của Việt Nam chưa ngăn chặn quyết liệt việc buôn bán tạng.Vì qua khảo sát tôi thấy các bạn đang bị tội phạm qua mặt dưới vỏ bọc “hiến tạng nhân đạo trá hình”.Muốn ngăn chặn chỉ còn cách hạn chế hiến tạng cho ở người cho sống và tăng tỷ lệ hiến tạng ở người cho chết não.

Ghép tạng Việt Nam sẽ đi con đường nào trong tương lai?GS. Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam

Vậy thưa giáo sư, làm thế nào để giải quyết câu chuyện tạng, tăng tỷ lệ người hiến tạng chết não ở Việt Nam?

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số đó, rất nhiều nạn nhân trước lúc mất rơi vào tình trạng chết não.Họ chính là người hiến tạng tiềm năng nhất.Chỉ cần nhân viên y tế thuyết phục được 5% trong số họ hiến tặng tạng sẽ cứu rất nhiều người bệnh.

Nếu một người cho đa tạng sẽ hiến tặng được: 2 quả thận, 2 giác mạc, 1 lá gan, 1 phổi sẽ cứu được 6 người lớn; nếu ở trẻ em, lá gan được chia làm 2 cứu thêm được 1 bệnh nhi. Các bạn cải thiện điều đó liên tục 5 năm sẽ giải quyết lớn vấn đề bệnh nhân suy thận, suy tim, ung thư gan, phổi và bệnh lý giác mạc khiến bệnh nhân mù lòa đang chờ ghép.

Để làm được điều tôi nói, các nhân viên y tế phải tiếp cận, thuyết phục thân nhân người bị nạn; bác sĩ các khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh phải đánh giá tình trạng chết não của bệnh nhân chính xác… Phải cả một hệ thống vận hành mới đạt đến mục tiêu, con đường đi theo kịp xu hướng thế giới.

Còn vấn đề vận động đăng ký hiến tạng sau khi chết là điều đáng quý, cần nhân rộng để cộng đồng hiểu biết về vấn đề này.Tuy nhiên, khi nhiều người tình nguyện hiến tạng mà hệ thống ICU của chúng ta quá yếu coi như công sức bỏ biển, có triệu người đăng kí hiến cũng trở thành con số 0. Bởi, khi người chết não dẫn đến ngưng tim, nội tạng không thể nhận và ghép cho người khác.

Phát triển hệ thống điều phối, đầu tư cho ICU, phát triển ngành hồi sức ngoại thần kinh sẽ là con đường giúp các bạn tiến xa ở tương lai.Đến lúc đó, ta lại có thêm một nguồn cho tạng tiềm năng từ người đăng ký hiến tặng, hệ thống vận hành đúng quy chuẩn, bệnh nhân là người hưởng lợi.

Cám ơn những chia sẻ cũng như tình cảm của giáo sư dành cho ngành ghép tạng non trẻ Việt Nam.Giáo sư còn muốn gửi gắm gì nữa ngoài những chia sẻ trên?

Trái tim tôi dành một phần cho Việt Nam, tôi đến Việt Nam nhiều lần và nhìn các bạn trẻ đầy sức sống, lúc nào cũng tươi cười, tôi thấy thật hạnh phúc. Chính vì thế tôi sợ, tương lai những cậu bé, cô gái, chàng trai này mắc những chứng bệnh suy thận, suy gan phải đi con đường ghép mới tiếp nối sự sống.

Bây giờ họ khỏe mạnh, song họ cần phải biết để tham gia vào câu chuyện này nhằm vận động mọi người hiến tạng, chống buôn bán tạng để chúng ta có một ngành ghép tạng phát triển minh bạch.

Xin chân thành cám ơn Giáo sư Richard Allen!

- Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư kí Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, tháng 4/2008, bản Tuyên bố Istanbul về chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng được xuất bản lần đầu tiên sau Hội nghị thượng đỉnh do Hội Ghép tạng (TTS) và Hội Thận học Quốc tế (ISN) triệu tập tại thành phố Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, để đáp lại những lo ngại về nạn mua bán nội tạng quốc tế.
- Việt Nam cũng cần có những hàng rào, những hành lang pháp lý để ngăn ngừa những việc thiếu “minh bạch” trong ghép tạng. Hiện, có nhiều cuộc họp bàn thảo, lấy ý kiến sửa đổi bổ sung để Vụ pháp chế và Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trình dự thảo Luật Hiến ghép mô tạng mới để Quốc hội thông qua.
- Dự báo còn cần một thời gian nữa, song không thể không làm khi các bệnh nhi suy tạng vẫn đang ngóng lòng, mong thêm cơ hội sống. Sắp tới, các chuyên gia ghép tạng đến từ ÚC, Bỉ, Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam phát triển thêm lĩnh vực ghép tạng cho bệnh nhi.
- TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép các Bộ phận Cơ thể người (BV Chợ Rẫy TP.HCM) cho rằng, vấn đề sửa luật lộ trình còn dài và còn nhiều khâu đang còn vướng, chưa được tháo gỡ. Sắp tới đây, các trung tâm ghép tạng sẽ họp bàn để có 1 dự thảo đưa ra ý kiến sửa đổi luật trình Bộ Y tế để đưa ra Quốc hội.
- Còn ở lĩnh vực ghép tạng nhi, về mặt khoa học, trẻ em không thể nhận tạng của người lớn vì khó tương thích. Cách tốt nhất phải là phương án nhi cho nhi. Nhưng hiện luật quy định người dưới 18 tuổi không được hiến tạng.
- Đã làm điều phối lâu năm, TS. Thu cho rằng nên đưa vào luật quy định hiến tạng người dưới 18 tuổi khi chết não. Song, câu chuyện sẽ phức tạp hơn khi chưa có một quy định chung về đánh giá chết não, cần phải có những nhà thần kinh học giỏi đóng góp vấn đề này.
- Dự kiến vướng mắc này còn lâu mới tháo gỡ trong khi nhiều bệnh nhi đang rất cần tạng sống để tiếp nối sự sống. Song, dù chậm thế nào các chuyên gia ghép tạng đang nỗ lực để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm có thể cứu nhiều bệnh nhi hơn.


An Hoài (thực hiện)
Ý kiến của bạn