Hà Nội

Ghép tạng: Bài toán cung - cầu

12-11-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay ở nhiều quốc gia, việc lấy - ghép tạng từ người chết não chiếm đến 90%, chỉ có 10% nguồn tạng được lấy từ người nhà bệnh nhân.

Hiện nay ở nhiều quốc gia, việc lấy - ghép tạng từ người chết não chiếm đến 90%, chỉ có 10% nguồn tạng được lấy từ người nhà bệnh nhân. Ở Việt Nam thì ngược lại, có đến khoảng 92% ca ghép tạng thực hiện nhờ người thân của bệnh nhân. Vậy làm thế nào để việc hiến mô tạng trong cộng đồng được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm phát huy được ý nghĩa nhân văn của hành vi hiến mô tạng? Phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

TS. Nguyễn Huy Quang.

TS. Nguyễn Huy Quang.

PV: Theo ông, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đi vào cuộc sống thời gian qua có giúp cho hoạt động nhân văn này thuận lợi?

TS. Nguyễn Huy Quang: Trước khi có luật, các hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người thực hiện thuần túy trên cơ sở quy định chuyên môn, không có luật để điều chỉnh. Do đó, luật ra đời là hành lang pháp lý để các thầy thuốc yên tâm làm việc, là cơ sở pháp lý để vận động người hiến bộ phận cơ thể sau khi chết và giúp cho người bệnh có cơ hội sống. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ kỹ thuật cho nhân viên y tế, giúp ngành y tế có cơ sở để vận động người dân tình nguyện hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định, tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người; nghiêm cấm hành vi mua - bán mô, bộ phận cơ thể người dưới mọi hình thức. Luật đặt tính chất nhân văn, nhân đạo lên hàng đầu và coi hành vi hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người là hành vi cao cả, nhân đạo, vì tình thương đồng loại.

PV: Thế nhưng, cùng với những thuận lợi trên, nhu cầu được ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam khá lớn nhưng dường như cung không đủ cầu, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Luật ra đời, mở ra một nguồn tạng có thể lấy từ người chết não, nhưng không phải có luật là nguồn cho dồi dào từ người sau khi chết, bởi lâu nay người dân Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi triết lý Á Ðông: “Chết toàn thây, kiếp luân hồi”... Trên thực tế, những ca ghép tạng thực hiện từ trước đến nay ở nước ta đa phần đều lấy tạng từ người sống và giới hạn trong phạm vi gia đình.

Việc ghép tạng là giải pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị suy chức năng phủ tạng giai đoạn cuối. Nhiều trường hợp đã sống thêm nhiều năm sau khi được ghép tạng từ người hiến tình nguyện còn sống và người hiến chết não. Tuy vậy, số người được hưởng lợi từ việc ghép tạng không bao nhiêu so với số đang chờ đợi tạng để có thể được ghép...

PV: Chính vì thế “thiếu cung, nhiều cầu” mà đã xuất hiện “thương mại hóa” trong việc lấy, hiến - ghép mô tạng, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Ðể chống tình trạng thương mại hóa, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã quy định rõ mục đích của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là vì mục đích nhân đạo, không vì lợi nhuận. Chỉ được ghép lấy mô, bộ phận cơ thể người trong trường hợp chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các quy trình kỹ thuật về lấy cũng được quy định chặt chẽ, chỉ có các cơ sở y tế đủ điều kiện được Bộ Y tế công nhận mới được phép lấy bộ phận cơ thể người. Ðặc biệt cấm quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên cũng có một thực tế là đây đó vẫn xuất hiện một vài trường hợp có sự dễ dãi trong việc xác nhận mối quan hệ thân thuộc giữa người hiến - nhận tạng. Do đó, theo tôi, khâu xét duyệt hồ sơ cần phải được thắt chặt, người đặt bút ký duyệt phải thận trọng hơn. Về phía ngành y tế, nhằm hạn chế tối đa trường hợp vi phạm pháp luật trong vấn đề hiến ghép tạng, cùng với nhiều văn bản chỉ đạo trước đó, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị ghép tạng trên toàn quốc, yêu cầu khẩn trương rà soát các hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

PV: Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tiến đến cân bằng được cung - cầu?

TS. Nguyễn Huy Quang: Trước hết, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, truyền thông, vận động để người dân thay đổi nhận thức về “cái chết toàn thây”, thấy được việc hiến mô tạng của mình là hành động hết sức nhân văn và coi việc “hiến mô tạng là một phần cơ thể mình vẫn còn sống trong người khác khi mình đã chết”. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để công tác tuyên truyền này hiệu quả? Chúng ta đã có Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, do đó tôi cho rằng trung tâm này phải phát huy vai trò đầu mối về vấn đề điều phối, vận động, truyền thông về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ, có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở...

Nếu làm tốt vận động mọi người hiến mô, bộ phận cơ thể người khi chết não thì riêng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay ở mức cao cũng tạo nguồn ghép rất lớn. Những người đang sống, đăng ký hiến và được cấp thẻ đăng ký. Chẳng may trong cuộc sống gặp tai nạn, được đưa đến bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, sau khi tận tình cứu chữa nhưng do yếu tố tai nạn không qua khỏi, chết não thì căn cứ vào thẻ đăng ký hiến đã có, cơ sở khám chữa bệnh đó sẽ chuyển bệnh nhân đến cơ sở ghép để lấy mô, bộ phận cơ thể người để ghép với người có nhu cầu.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã có kế hoạch thúc đẩy nguồn tạng hợp pháp bằng cách thành lập Hội tình nguyện hiến tặng tạng sau khi họ qua đời, hoặc từ người thân bị tai nạn chết não. Mục tiêu của việc này là tạo ra trào lưu hiến tạng mang tính chất nhân văn, tựa như phong trào hiến máu nhân đạo. Đó là việc tốt bởi khi nguồn tạng hiến tăng lên, “cung” - “cầu” sẽ tiến đến cân bằng...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn