Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vừa thực hiện thành công phẫu thuật ghép sọ bằng tấm Titanium được tạo hình 3D cho một bệnh nhân nam.
Cách đây 06 tháng, bệnh nhân N.H.H, 17 tuổi mổ giải tỏa não tại Bệnh viện Việt Đức. Hiện tại tỉnh táo, sẹo mổ liền tốt, lõm sọ vùng thái dương trái. Ngày 07/11/2021, bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp theo lịch hẹn ghép sọ. Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương tiến hành mổ ghép sọ titan 3D.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi chuyên gia Bệnh viện Việt Đức, BSCKI. Nguyễn Văn Thưởng - Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Nông nghiệp. Ca mổ đã thành công tốt đẹp, sau mổ tình trạng bệnh nhân ổn định, vùng ghép sọ mép kín, chân chỉ khô, vùng ghép sọ đầy, không thấy rỉ dịch. Ngày 15/11/2021, bệnh nhân được ra viện.
BSCKII. Lê Việt – Trưởng Khoa ngoại Chấn thương, BVĐK Nông nghiệp cho biết: Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị chấn thương sọ não không giữ được xương sọ hoặc phải bỏ xương sọ ra ngoài thì một thời gian, sau khi bệnh nhân ổn định sẽ có chỉ định phẫu thuật lắp lại xương sọ cho bệnh nhân hoặc ghép khuyết sọ bằng vật liệu nhân tạo, thông thường là miếng lưới bằng chất liệu titan.
Phẫu thuật ghép sọ bằng vật liệu titan dựa trên công nghệ in 3D giúp bệnh nhân tạo hình được hộp sọ, giúp bảo vệ phần sọ não và đảm bảo tính chất thẩm mĩ cho bệnh nhân.
Việc triển khai thành công kỹ thuật ghép sọ bằng vật liệu titan sử dụng công nghệ 3D tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay. Bệnh nhân được thực hiện các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải di chuyển lên tuyến trên, giúp tiết kiệm chi phí điều trị đồng thời góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Bệnh nhân cũng được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.
Lưu ý sau phẫu thuật ghép khuyết hổng xương sọ
Theo các bác sĩ, khi một người bị chấn thương sọ não, vì một số nguyên nhân bác sĩ phải thực hiện mở sọ cho bệnh nhân, tạm thời gỡ bỏ nắp sọ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ thiếu một phần của mảnh sọ tại vùng mổ. Qua một thời gian, bác sĩ sẽ đặt mảnh sọ trở lại vùng bị khuyết.
Mảnh sọ nằm ngoài màng não và ở phía dưới da, do đó phẫu thuật ghép sọ không tác động vào vùng chức năng của não. Khi ta thực hiện phẫu thuật, ta chỉ phẫu tích dưới da, bóc tách màng cứng ra khỏi mô dưới da, đặt cái nắp vào vùng khuyết. Do đó, việc đặt lại nắp sọ không ảnh hưởng đến trí nhớ người bệnh.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật tạo miếng ghép nhân tạo 3D đã được áp dụng khá phổ biến. Công nghệ 3D giúp tạo miếng ghép phù hợp với hình dáng, kích thước của diện khuyết xương, chính vì vậy đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ cao. Bệnh nhân khuyết sọ chụp cắt lớp vi tính đa dãy để tạo dữ liệu 3D của diện khuyết sọ. Dữ liệu này sau đó được sử lý, tạo hình, sản xuất mảnh ghép nhân tạo phù hợp với diện khuyết xương của bệnh nhân. Chất liệu nhân tạo có thể là xi măng sinh học, lưới Titanium, Carbon… tùy theo sự lựa chọn của thày thuốc và bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, sau phẫu thuật ghép sọ, bệnh nhân cần lưu ý:
- Giữ gìn vệ sinh vết mổ: Trong thời tiết nắng nóng phải chú ý giữ vết mổ luôn luôn sạch - vô khuẩn, lau vết mổ bằng những dung dịch vô trùng như muối sinh lý, dung dịch betadin.
- Không cho tay lên cạy hay gãi gây chảy máu.
- Cần lựa chọn phòng có máy lạnh và giữ nhiệt độ vừa phải, dễ chịu, tránh để bệnh nhân đổ mồ hôi bởi dễ gây nhiễm khuẩn vết mổ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.