Ghép sắc tố - cơ hội mới cho bệnh nhân bạch biến

24-06-2019 11:55 | Tin nóng y tế

SKĐS - Hướng tới Ngày hội Bạch biến Thế giới 25/6, phóng viên báo Sức khoẻ&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS. Vũ Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo BV Bỏng Quốc gia - Học viện Quân y về kỹ thuật ghép sắc tố trong điều trị bạch biến, mở ra hướng đi mới trong điều trị cho căn bệnh hơn 1 triệu người trên thế giới mắc phải.

PGS.TS. Vũ Quang Vinh.

PGS.TS. Vũ Quang Vinh.

PV: Xin PGS cho biết về bệnh bạch biến và những ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ?

PGS.TS. Vũ Quang Vinh: Bạch biến là một bệnh da mất sắc tố melanin không rõ nguyên nhân, tổn thương là những vùng da không có tế bào hắc tố tạo nên những dát mất sắc tố nhưng không mất cảm giác, thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, cơ quan sinh dục ngoài, quanh các lỗ tự nhiên, niêm mạc, mặt duỗi bàn tay-bàn chân. Bệnh có thể khu trú chỉ với 1 hoặc vài tổn thương hay lan toả đến trên 80% diện tích cơ thể, không phân biệt tuổi, giới tính hay chủng tộc, chiếm tỷ lệ 1 - 2% dân số thế giới.

Đây là một bệnh da lành tính, không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung nhưng làm mất thẩm mỹ, có thể gây mặc cảm xã hội đau khổ cho người mắc bệnh. Đồng thời, do có tình trạng mất sắc tố melanin, vùng da bạch biến rất dễ bị bỏng nắng và bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư da.

Phương pháp hiệu quả điều trị bệnh bạch biến? Liệu bệnh có hay tái phát sau điều trị như các bệnh da thông thường khác không, thưa PGS?

Có nhiều lựa chọn khác nhau trong điều trị bạch biến nhằm phục hồi sắc tố cho vùng da bệnh với những ưu điểm cũng như bất lợi riêng. Không phương pháp điều trị nào có kết quả hoàn toàn hay thích hợp cho tất cả bệnh nhân bạch biến. Ngay cả các trường hợp điều trị thành công, kết quả vẫn có thể không kéo dài và có thể tái phát.

Cần kết hợp nhiều phương pháp để điều trị bệnh, tránh tái phát. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

Dùng thuốc: Không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh bạch biến. Tuy nhiên, có một số thuốc có tác dụng phục hồi màu sắc da khi dùng đơn độc hoặc phối hợp với trị liệu ánh sáng: Corticoid bôi tại chỗ (tác dụng phục hồi sắc tố da nếu dùng trong giai đoạn sớm của bệnh nhưng có nhiều tác dụng phụ); Thuốc tác động lên hệ miễn dịch (thuốc chứa tacrolimus hoặc pimecrolimus có thể có hiệu quả với diện tích nhỏ ở vùng mặt cổ).

Quang liệu pháp: dùng tia UV hoặc laser để điều trị, hiệu quả với các tổn thương ở vùng mặt, cổ.

Phẫu thuật: ghép da và ghép tế bào sắc tố tự thân.

Khử sắc tố: áp dụng với diện rộng.

Ngoài ra, còn một số phương pháp tiềm năng trong tương lai: Thuốc kích thích tế bào sắc tố: afamelanotide được cấy vào dưới da để kích thích tế bào sắc tố phát triển; Thuốc kiểm soát tế bào sắc tố: PG E2; Thuốc đảo ngược quá trình mất sắc tố: Tofacitinib.

Được biết trung tâm đã ứng dụng và điều trị thành công cho bệnh nhân bạch biến bằng kỹ thuật điều trị ghép sắc tố. Xin PGS chia sẻ kỹ hơn về kỹ thuật này? Phương pháp này có gì khác biệt so với ghép da kinh điển?

Điều trị bằng phương pháp ghép da kinh điển, có thể lấy da ở vùng đùi, bụng để ghép vào các vùng bị mất sắc tố, tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với các vùng bệnh có diện tích nhỏ và dễ để lại sẹo vùng cho da. Các vùng bệnh lớn hơn không đủ quỹ da để thực hiện.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau điều trị ghép tế bào sắc tố.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau điều trị ghép tế bào sắc tố.

Đối với phương pháp ghép tế bào sắc tố, tiến hành lấy một lớp da rất mỏng có sắc tố ở đùi được ngâm trong dung dịch đặc biệt, sau đó được cắt ra thành các miếng nhỏ vuông, kích thước khoảng 3x3mm và ghép vào các lỗ tương ứng lớp thượng bì và trung bì cách nhau khoảng 5-7mm trên vùng da mất sắc tố. Băng cố định vùng da ghép trong khoảng 1 tuần với dung dịch chuyên dùng. Khi lành, các tế bào sắc tố sẽ phát triển và bò ra vùng da xung quanh, hoà vào vùng da bị bạch biến. Kỹ thuật này đã được áp dụng trên 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia - Học viện Quân y và thu được kết quả rất đáng khả quan.

Khó khăn lớn nhất khi áp dụng kỹ thuật này là gì, thưa PGS? Ngoài điều trị bạch biến, kỹ thuật này có thể áp dụng trong những trường hợp nào?

Khó khăn nhất của kỹ thuật là lấy được các tế bào hắc tố,  sử dụng các dụng cụ rất nhỏ để phân chia các tế bào, kỹ thuật tạo những lỗ hổng trên vùng da bị bạch biến đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác cao bởi nếu lấy quá sâu sẽ tạo ra sẹo rỗ cho bệnh nhân. Do vậy, nguyên tắc đảm bảo thành công của phương pháp này là khi ghép các tế bào hắc tố vào lỗ hổng trên vùng da bạch biến, chỉ lấy lớp da vùng thượng bì và một phần của trung bì, các lỗ hổng được tạo gần nhau để đảm bảo các hắc tố có thể hoà vào vùng da bị bạch biến. Sau đó, bệnh nhân có thể được phối hợp với laser để kích thích tế bào hắc tố phát triển và làm phẳng các lỗ cấy sắc tố.

Ghép sắc tố còn có thể ứng dụng với tình trạng bệnh nhân mất sắc tố do bỏng hoặc điều trị nám sử dụng laser năng lượng quá cao.

PGS có lời khuyên gì cho mọi người?

Bệnh nhân cần lưu ý bảo vệ da, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc các nguồn phát tia UV khác bằng cách sử dụng kem chống nắng diện rộng, không thấm nước, chứa SPF nếu bị bạch biến, sử dụng quần áo dày, bảo hộ..., đồng thời cũng không nên xăm mình vì đôi khi còn gây nên các đám mất sắc tố mới.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!


Thuý Huyền (thực hiện)
Ý kiến của bạn