Theo PGS.TS Tạ Bá Thắng, hiện nay trên thế giới, ghép phổi đã phát triển mạnh, số ca ghép phổi liên tục tăng lên qua các năm. Những người xơ hóa phổi, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... đều có thể ghép phổi. Bệnh nhân được ghép phổi có thời gian sống thêm tăng đáng kể. Ví dụ bệnh nhân xơ hóa phổi sau khi ghép phổi có tỷ lệ sống thêm 5 năm cao hơn người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hiện có hai hướng phát triển ghép phổi, đó là ghép phổi từ người sống chết não và ghép phổi từ người bình thường (hay còn gọi ghép thùy phổi từ người sống; ghép phổi từ người hiến tạng sống)
Ghép tạng đã trở thành kỹ thuật chuyên sâu tại một số bệnh viện đầu ngành.
Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật hiện đại, các bác sĩ Việt Nam có thể tiếp cận được kỹ thuật ghép phổi và thực hiện tại Việt Nam vì chúng ta đã từng ghép thành công một số bộ phận: tim, thận, gan... Nguồn phổi ghép cũng đang ngày một đa dạng hơn từ người hiến, người chết não. Đây sẽ là nền tảng để tương lai không xa các bác sĩ Việt Nam sẽ tiến hành ca ghép phổi đầu tiên.
Theo phân tích của TS Thắng, ghép thùy phổi từ người sống có thể dễ dàng hơn vì nguồn cho dồi dào từ người thân. Khoa học đã chứng minh việc cắt bớt một thùy dưới không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người cho tạng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo lấy nguồn cho từ những người trong độ tuổi 20-60 là thích hợp nhất. Khi nguồn cho là người sống, sẽ cho phép chủ động tiến hành những xét nghiệm, chủ động thời gian phẫu thuật.
Kỹ thuật ghép phổi từ người sống sẽ phức tạp hơn. Ghép phổi lấy nguồn từ người cho sống có hai kỹ thuật chính: Lấy một phân thùy dưới từ người cho ghép vào một lá phổi người nhận. Thứ hai là lấy 2 thùy phổi từ hai người cho khác nhau ghép vào hai lá phổi người nhận. Cũng như ghép các bộ phận khác, ghép phổi vẫn có nguy cơ thải ghép, rối loạn chức năng phổi ghép, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Triệu chứng chủ yếu là khó thở, suy hô hấp. Những nguy cơ trên tùy thuộc vào yếu tố người cho, người nhận và quá trình phẫu thuật. Do đó, việc điều trị dự phòng rất quan trọng. Tuy nhiên, với các kỹ thuật hiện đại tỉ lệ thành công của các ca ghép hiện nay rất cao, mang lại cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân sau ghép.
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, việc ghép phổi sẽ mở ra cơ hội điều trị cho bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, chứng bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là nhóm bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá hoặc bị tác động từ khói bụi môi trường, hoặc một số nhóm ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Từ năm 2017, ghép phổi sẽ là phẫu thuật phổ biến tại Việt Nam.