Ghép giác mạc là phẫu thuật ghép mô được thực hiện sớm nhất và cũng là phẫu thuật có kết quả thành công cao nhất trong các loại ghép mô. Bên cạnh phương tiện, dụng cụ ngày càng hoàn thiện và tinh xảo, các hiểu biết về bệnh học và những phát minh về thuốc men góp phần làm cho phẫu thuật ghép giác mạc hoàn hảo và có tỷ lệ thành công cao nhất trong các loại ghép tổ chức.
Ở Việt Nam, ghép giác mạc được tiến hành từ những năm 1950 với công bố đầu tiên của Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Ngọc Kính, Nguyễn Duy Hòa. Sau đó do hoàn cảnh chiến tranh có nhiều khó khăn về phương tiện cũng như nguồn giác mạc để ghép mà phẫu thuật này chỉ được tiến hành lẻ tẻ với số lượng không nhiều với những báo cáo của giáo sư Nguyễn Trọng Nhân và cộng sự. Hai mươi năm trở lại đây, cùng với sự phát triển chung của cách mạng KHKT trên thế giới và sự hình thành của nhiều ngân hàng mắt, ghép giác mạc cũng có những bước phát triển mới cả về số lượng cũng như chất lượng. Hằng năm, tại Mỹ có trên 40.000 ca ghép giác mạc được tiến hành, đem lại ánh sáng cho ít nhất 50% người trong số đó. Tuy nhiên ở nước ta do nguồn giác mạc có được khá hiếm hoi (khoảng 150 ca/năm từ các nguồn khác nhau, chủ yếu là viện trợ từ nước ngoài) trong khi số bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc ước tính trên 300.000 người và hàng năm lại cộng thêm những người mắc mới. Nguyên do của tình hình này là việc thiếu Luật hiến ghép mô tạng trong một thời gian khá dài và sự hiểu biết của nhân dân về vấn đề này còn khá hạn chế. Sự kiện Quốc hội thông qua Luật hiến, ghép mô tạng tháng 11/2006 là một bước tiến mới đối với ngành ghép mô tạng nói chung và ghép giác mạc nói riêng. Chúng ta có cơ sở luật pháp để hình thành nên ngân hàng giác mạc, phấn đấu dự trữ đủ nguyên liệu ghép cho những người bệnh không may bị mù do bệnh giác mạc và phát triển phẫu thuật này rộng rãi trên cả nước để ngày càng nhiều bệnh nhân được thoát khỏi cảnh mù lòa. Để làm được việc này cần sự tham gia của mọi người trong xã hội và muốn vậy, mọi người có quyền được biết những điều cần thiết nhất về ghép giác mạc và hoạt động của ngân hàng mắt. Vậy thì ghép giác mạc là gì, người ta thực hiện nó như thế nào, giác mạc lấy từ đâu và lấy như thế nào? Những ai có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời và liệu việc lấy giác mạc có ảnh hưởng gì tới khuôn mặt người quá cố, đến lễ tang...
Lễ tôn vinh gia đình người hiến tặng giác mạc. Ảnh: T.L |
Ghép giác mạc là gì? Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn 1/5 trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt). Vì trong suốt nên nó cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó hình ảnh được truyền lên não bộ giúp con người có thể nhận thức được vật thể và thế giới xung quanh. Một số bệnh lý hoặc chấn thương của mắt dẫn đến đục giác mạc, làm cho ánh sáng không thể xuyên qua (giống như cửa kính bị mờ) và khi đó người bệnh bị mờ mắt do bệnh giác mạc. Việc thay thế giác mạc bị mờ đục đó bằng một giác mạc lành, trong suốt của người chết hiến tặng được gọi là ghép giác mạc. Ghép giác mạc được chỉ định khi người bệnh bị đục giác mạc nhưng chức năng mắt còn tốt (nghĩa là người bệnh vẫn có thể nhận biết ánh sáng) và kết quả của cuộc mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tình trạng bệnh lý của mắt mổ, kỹ thuật của thầy thuốc và sự chăm sóc sau mổ.
Nếu như tiến bộ về kỹ thuật ghép hiện nay giống như người nông dân với trang bị kiến thức tiên tiến và công cụ sản xuất hiện đại thì ngân hàng giác mạc giống như nguồn giống cây tốt cho việc trồng cấy. Thiếu giống cây thì chẳng thể trồng cây cho dù có kỹ năng, có đất cũng như công cụ.
Vậy ngân hàng mắt là gì và nó hoạt động như thế nào để có thể giúp bác sĩ có được giác mạc ghép cho bệnh nhân? Ngân hàng giác mạc là nơi thu nhận giác mạc từ người hiến sau khi qua đời, bảo quản và phân phối đến nơi có nhu cầu. Vì giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời nên để thu nhận được giác mạc, nhân viên ngân hàng mắt phải được sự hỗ trợ của mọi người trong xã hội. Khi ai đó qua đời, nếu có nguyện vọng muốn hiến giác mạc, thân nhân của người quá cố sẽ gọi điện thoại báo cho ngân hàng mắt để làm thủ tục hiến. Việc tiến hành các thủ tục này khá đơn giản và các nhân viên ngân hàng sẽ có mặt tại nơi quàn thi thể. Chỉ với 15-30 phút thao tác nhẹ nhàng là giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt người chết, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt và kế hoạch tang lễ không bị ảnh hưởng gì. Giác mạc sau khi lấy sẽ được bảo quản trong lọ dung dịch đặc biệt để có thể giữ nguyên chất lượng. Một lượng nhỏ máu của người hiến sẽ được lấy để làm các xét nghiệm cần thiết bảo đảm an toàn cho người nhận ghép. Một nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động của ngân hàng mắt là tuyệt đối cấm mọi hành động mua bán nên ngân hàng sẽ không được trả tiền cho người hiến và gia đình. Mọi sự tôn vinh chỉ có ý nghĩa tinh thần nhằm tỏ sự biết ơn với nghĩa cử cao đẹp này.
Ở nước ta, từ tấm gương cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình, người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc với sự đồng ý của cả gia đình vào tháng 5 năm 2007, đến nay Ngân hàng mắt Bệnh viện mắt Trung ương đã tiếp nhận được 34 giác mạc từ 17 người hiến trên nhiều địa phương (bên cạnh sự viện trợ của Tổ chức ORBIS) nhưng chủ yếu vẫn là từ cái nôi đầu tiên là xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Gần đây nhờ sự tuyên truyền rộng rãi nên nhiều người đã tự đến hoặc gửi thư đến ngân hàng mắt để tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời. Mặc dù vậy số lượng giác mạc lấy được không thấm vào đâu so với hàng trăm ngàn người chờ được ghép và con số này hàng năm lại được tăng thêm do số người mắc mới. Hàng trăm ngàn người đang chờ những tấm lòng nhân ái của cộng đồng, của những người dù mất đi vẫn để lại những món quà vô giá cho những bệnh nhân đang sống bất hạnh, của những người mà cái chết của họ đã gieo mầm cho sự sống và hạnh phúc của biết bao người. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (điện thoại: 0438229971), Ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt Trung ương (điện thoại 049454799).
PGS.TS.Hoàng Minh Châu (Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW)