Giác mạc là gì?
Theo TS. Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Kết Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, khi giác mạc bị tổn thương, mắt sẽ bị mất thị lực. Nếu tổn thương ở cả hai mắt người bệnh sẽ phải sống chung với bóng tối suốt đời. Do vậy, ghép giác mạc như một phép màu giúp cho người bệnh tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt của mình. BS. Cung giải thích, giác mạc là một mô trong suốt nằm ở phần trước của nhãn cầu. Nếu ví con mắt là một cái máy ảnh thì giác mạc là một thấu kính rất quan trọng trong hệ thống quang học của máy ảnh đó. Giác mạc giúp cho hình ảnh có thể đi qua và tập trung vào võng mạc (màng thần kinh phía sau nhãn cầu - giống như phim của máy ảnh), từ đó hình ảnh được truyền lên trung tâm thị giác vỏ não qua thị thần kinh và chúng ta có thể cảm nhận được hình ảnh từ thế giới xung quanh. Khi bị bệnh lý làm cho giác mạc không còn trong suốt nữa, người bệnh sẽ bị giảm thị lực và trường hợp nặng có thể dẫn đến mù lòa.
Có rất nhiều bệnh lý giác mạc có thể gặp ở nước ta, chấn thương, bỏng mắt gây tổn thương giác mạc sau khi khỏi sẽ để lại sẹo đục giác mạc. Nhiễm trùng giác mạc do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus cũng thường gặp sau chấn thương giác mạc đặc biệt là các chấn thương nông nghiệp, sinh hoạt. Nhiều trường hợp rất đáng tiếc xảy ra khi người bệnh đã tự xử lý không đúng dẫn đến viêm loét giác mạc nặng. Ví dụ, khi bị bụi bay vào mắt bệnh nhân dụi mắt rất nhiều gây trợt giác mạc từ đó bị nhiễm trùng giác mạc, hoặc khi bị bệnh mắt bệnh nhân tự mua thuốc về tra và những thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid có thể làm cho bệnh nhiễm trùng giác mạc nặng lên. Ngoài ra, những bệnh lý như loạn dưỡng giác mạc di truyền, thoái hóa giác mạc... có thể làm cho giác mạc bị mờ đục làm thị lực của người bệnh bị giảm. Tổn thương giác mạc còn gặp sau những biến chứng của phẫu thuật nhãn cầu.
Thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân.
Điều kỳ diệu có thật
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đối với người mù lòa do bệnh lý giác mạc, việc may mắn được nhận giác mạc của người hiến tặng là một hạnh phúc lớn. “Tôi nhớ cách đây không lâu bệnh nhân N.V. L mới 38 tuổi bị loạn dưỡng giác mạc di truyền hai mắt, mắt mất dần thị lực theo thời gian. Nếu không được ghép giác mạc thay thế, sẽ phải sống chung với bóng tối suốt đời. May mắn anh L. đã được ghép giác mạc từ giác mạc của một người hiến tặng sau khi qua đời. Niềm vui vỡ òa khi lần đầu tiên sau một thời gian dài mù lòa anh L đã lại nhìn thấy ánh sáng”. Người bệnh tâm sự: Đối với anh, đây là một giấc mơ và thấy mình như được sinh ra một lần nữa. Từ nay, có thể tiếp tục các dự định đang dang dở, kiếm tiền nuôi vợ và hai con. Người bệnh viết thư xin gửi lời cảm ơn đến người đã hiến tặng giác mạc cho mình và các nhân viên y tế đã cho anh có thể nhìn lại ánh sáng một lần nữa khiến ai đọc cũng xúc động.
Theo TS. Cung, phẫu thuật ghép giác mạc là thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành, mang lại sự trong suốt cho giác mạc giúp con mắt bị bệnh phục hồi thị lực. Phẫu thuật ghép giác mạc được chỉ định khi người bệnh bị đục giác mạc nhưng mắt còn nhận biết được ánh sáng. Tùy theo bệnh lý giác mạc, ghép giác mạc được chia thành những chỉ định như sau: Ghép giác mạc với mục đích quang học, khúc xạ; ghép để điều trị những bệnh lý của giác mạc như viêm loét giác mạc; ghép giác mạc nhằm mục đích kiến tạo bề mặt nhãn cầu thường được chỉ định trong trường hợp bỏng, thủng giác mạc… và ghép giác mạc với mục đích thẩm mỹ, được chỉ định nhằm thay thế sẹo trắng giác mạc giúp con mắt nhìn đẹp hơn ở những mắt đã mất chức năng.
Phẫu thuật được thực hiện với gây mê toàn thân hoặc tê mắt. Giác mạc bệnh lý được lấy đi và được thay bằng phần giác mạc lành của người hiến với kích thước tương tự. Giác mạc ghép được cố định vào mắt người bệnh bằng các mũi chỉ khâu rất nhỏ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được khám và theo dõi hàng ngày cho đến khi ổn định và có thể ra viện.
Những điều bệnh nhân cần biết sau phẫu thuật
Sau khi ra viện người bệnh ghép giác mạc được cho thuốc về điều trị và hẹn khám lại định kỳ lâu dài. Việc tuân thủ điều trị và đến khám lại đúng hẹn là vô cùng quan trọng để có thể phát hiện sớm những biến chứng cũng như giúp mảnh ghép giác mạc có thể ổn định lâu dài.
Sau phẫu thuật bệnh nhân không được dụi mắt, tránh để bụi và nước bẩn vào mắt và cần đeo kính bảo vệ mắt lâu dài và có thể suốt đời vì chỉ cần một chấn thương dù nhẹ cũng có thể làm cho mảnh ghép bị bong ra. Bệnh nhân cần phải đến khám lại ngay nếu có các dấu hiệu sau: Mắt đau nhức, đỏ mắt, thị lực giảm vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng, tăng áp lực trong mắt hoặc phản ứng thải mảnh ghép nếu không điều trị kịp thời có thể gây hỏng giác mạc. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin giúp mắt hồi phục nhanh.
Quá trình ghép giác mạc hoàn thành.
Hàng nghìn người khát khao được ghép giác mạc
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, bệnh lý trước khi mất. Đặc biệt, người được ghép giác mạc cũng có thể hiến tặng lại khi qua đời. Cùng với sự phát triển chung của cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới và sự hình thành của nhiều ngân hàng mắt, ghép giác mạc cũng có những bước phát triển mới cả về số lượng cũng như chất lượng. Hiện Ngân hàng Mắt, Bệnh viện mắt Trung ương đang lưu giữ khoảng 40.000 phiếu đăng ký hiến giác mạc trên khắp cả nước. Từ tháng 4/2007 đến nay ngân hàng đã tiếp nhận được 422 ca hiến giác mạc trong nước.
Được biết, Ngân hàng mắt được lập ra với chức năng tiếp nhận giác mạc người hiến, đánh giá, bảo quản giác mạc người hiến và cung cấp giác mạc và một số mô của mắt để ghép giác mạc hoặc thay thế một số mô của mắt như củng mạc, kết mạc... cho những bệnh nhân cần ghép. Những người hiến giác mạc sẽ được kiểm tra huyết thanh để loại trừ các bệnh có thể lây truyền qua đường máu như viêm gan (B và C), HIV, giang mai... Một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngân hàng mắt là các chương trình đào tạo giáo dục cho đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên tại cộng đồng. Ngoài việc tuyên truyền vận động người tình nguyện hiến mắt sau khi chết và thân nhân người đã mất, ngân hàng mắt cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của những cộng tác viên tại các bệnh viện có người bệnh tử vong để có thể nhận được giác mạc hiến kịp thời. Ngân hàng giác mạc, phấn đấu dự trữ đủ nguyên liệu ghép cho những bệnh nhân không may bị mù do bệnh giác mạc để ngày càng nhiều bệnh nhân được thoát khỏi cảnh mù lòa. Để làm được việc này, cần sự tham gia của mọi người trong xã hội.