Lần đầu ghép gan bất đồng nhóm máu thành công
Ngày 30/10/2023, ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên tại Bệnh viện TWQĐ 108 được thực hiện thành công. Đó là bệnh nhân nữ 15 tuổi, phát hiện xơ gan không rõ căn nguyên cách đây 6 năm. Gần đây bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.
PGS.TS.BS. Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Đối với trường hợp này, phẫu thuật cắt khối u không khả thi vì chức năng gan đã kém do xơ gan, lách to. Vì vậy ghép gan là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân. Do đó bệnh nhân đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.
Mặc dù kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam đã được thực hiện cách đây khá lâu. Tại các trung tâm ghép tạng trên toàn quốc đến nay đã ghép thành công cho hơn 500 trường hợp bệnh nhân. Riêng tại Bệnh viện TWQĐ 108, ca ghép đầu tiên được thực hiện vào tháng 10/2017, đến nay đã thực hiện 200 ca và trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc.
Nhưng ca ghép gan thứ 200 này có điểm đặc biệt là bất đồng nhóm máu ABO. Người hiến gan là bà nội của bệnh nhân. Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em, nhưng chưa được thực hiện ở người trưởng thành, bởi miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em. Đối với ca ghép gan bất đồng nhóm máu ABO này mới 15 tuổi, vẫn là tuổi vị thành niên, nhưng về sự phát triển cơ thể thì đã có thể coi là tuổi trưởng thành.
Nói về sự khác biệt của ghép gan bất đồng nhóm máu, BS. Lê Văn Thành chia sẻ: Về mặt kỹ thuật thì quá trình ghép gan không có gì khác biệt, nhưng trước ghép 3 tuần, bệnh nhân ghép gan được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến. Sau đó sẽ điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm bằng thuốc ức chế miễn dịch retuximab, kết hợp với lọc huyết tương để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến xuống 1/16 thì mới tiến hành ghép.
Đối với trường hợp bệnh nhân nêu trên, sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho bệnh nhân. Sau 8 giờ, ca ghép gan được thực hiện thành công.
Sau 01 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau 01 tuần ghép. Sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Ghép gan bất đồng nhóm máu sẽ giúp tăng nguồn hiến
BS. Lê Văn Thành cho biết: Trước đây bệnh nhân có chỉ định ghép gan thì chỉ ghép đồng nhóm máu, nhưng số lượng người nhận gan cao mà người hiến gan đã ít mà người hiến có đồng nhóm máu lại càng ít hơn. Do đó, các nhà khoa học trên thế giới đã nghĩ đến việc ghép bất đồng nhóm máu. Từ đó, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu đã được nghiên cứu và tiến hành thành công. Phương pháp này giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan cũng như tăng nguồn hiến tặng.
Hiện nay, có những loại thuốc điều chỉnh ức chế miễn dịch và có thể điều trị cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu. Kết quả bệnh nhân sống sau 5 năm tương đương với nhóm bệnh nhân đồng nhóm máu.
Với phương pháp này mang lại ưu điểm là tăng được nguồn hiến tạng mà người hiến đồng nhóm máu không đủ. Nhược điểm lớn nhất là có thể gặp phải một số biến chứng như thải ghép hoặc hẹp đường mật cao hơn ghép đồng nhóm máu.
Tuy nhiên thời gian sống của bệnh nhân được ghép gan là không khác biệt. Sau ghép, bệnh nhân được theo dõi như ghép thông thường, nhưng phải làm xét nghiệm hiệu giá kháng thể 2 tuần/lần đến khi ra viện và khi tái khám.
Những nguy cơ khi ghép gan bất đồng nhóm máu và cách hạn chế
Thải ghép là biến chứng thường gặp và quan trọng nhất sau ghép gan. Theo BS. Lê Văn Thành, đây là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi ghép tạng, nhưng với người ghép bất đồng nhóm máu thì nguy cơ này cao hơn.
Để giải quyết vấn đề thải ghép, người bệnh cần uống thuốc chống thải ghép đều đặn theo đơn của bác sĩ theo dõi sau ghép. Điều quan trọng cần ghi nhớ là phải uống thuốc thải ghép suốt đời và không bao giờ được ngừng hoặc quên uống thuốc.
Có một số mẹo để dùng thuốc an toàn và tăng hiệu quả chống thải ghép:
- Phải luôn nhớ uống thuốc là một phần của hoạt động thường nhật.
- Sử dụng đồng hồ điện tử và đặt chuông báo giờ uống thuốc.
- Nắm rõ tên thuốc, giờ uống, tác dụng của từng loại thuốc.
- Hỏi kỹ lại bác sĩ và xem lại hướng dẫn khi có bất kỳ một thay đổi liều thuốc nào.
- Báo lại bác sĩ theo dõi sau ghép nồng độ thuốc khi đi khám, xét nghiệm.
Khi bạn được bác sĩ kê đơn điều trị bất kỳ một bệnh nào khác, kể cả tiêm vaccine, đều phải hỏi ý kiến bác sĩ theo dõi sau ghép để chắc chắn thuốc đó không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống thải ghép. Tiếp tục uống thuốc chống thải ghép kể cả khi cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh vì ngừng thuốc là nguyên nhân gây thải ghép.
Trong khi uống thuốc chống thải ghép, có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Tăng cân, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tăng nguy cơ bị ung thư. Những tác dụng phụ này có thể khắc phục được nhưng phải báo với bác sĩ khi có bất kỳ thay đổi gì trong sau khi dùng thuốc để có phương pháp kiểm soát.
Đối với nguy cơ nhiễm trùng do thuốc chống thải ghép sẽ làm cơ thể suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm virus và một số nhiễm trùng khác. Cách đơn giản nhất để phòng nhiễm trùng là bạn phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh an toàn thực phẩm… Rửa tay thường xuyên, dùng gel kháng khuẩn vào mùa lạnh hoặc mùa cúm. Tránh tiếp xúc với người đang bị ốm.
Cần báo với bác sĩ theo dõi sau ghép càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu sau:
- Loét, vết thương, tổn thương đặc biệt là vết thương lâu liền sẹo.
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu: tiểu tiện thường xuyên, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện, nước tiểu đục hoặc đỏ, có mùi hôi.
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp: Ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng hoặc sốt…
Tương lai của kỹ thuật ghép gan như thế nào?
Hiện nay, chỉ tính riêng tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan mỗi năm. Trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chính vì thế nguồn hiến gan là điều rất quan trọng. Khi phương pháp ghép gan bất đồng nhóm máu cho kết quả tốt và triển khai rộng hơn, sẽ thêm nhiều cơ hội hơn cho người cần ghép. Sau sự thành công của ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên, bệnh viện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan.
BS. Lê Văn Thành cho biết, ngoài các kỹ thuật ghép gan đã được thực hiện tốt tại bệnh viện, trong thời gian tới TWQĐ 108 sẽ tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi. Đến nay trên thế giới đã thực hiện thành công hơn 20 trường hợp phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận.
Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện được phẫu thuật nội soi cắt gan toàn bộ cho 8 trường hợp (tức là cắt gan toàn bộ, sau đó mở đường nhỏ trắng giữa trên rốn để đưa gan vào thực hiện các miệng nối mạch máu và đường mật; trong khi trước kia phải mở đường chữ J là đường mổ lớn). Đây là bước đầu tiên giúp hoàn thiện kỹ thuật, chuẩn bị cho thực hiện phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận trong thời gian tới. Đây là kỹ thuật mới ở Việt Nam và Bệnh viện TWQĐ 108 là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật này.
Ca ghép gan bất đồng nhóm máu lần đầu tiên tại Bệnh viện TWQĐ 108.