Hà Nội

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu

06-06-2023 15:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước nguy cơ gấu bên ngoài tự nhiên đang đứng bên bờ tuyệt chủng, thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đã trở thành ngôi nhà bình yên cho hơn 200 chú gấu có số phận bất hạnh.

Nằm tại thung lũng Chắt Dậu thuộc Vườn Quốc Gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với diện tích gần 12ha, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam là nơi đầu tiên có chức năng cứu hộ gấu mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, tháng 6/2023, hơn 200 cá thể gấu đã được cứu hộ đang sinh sống tại Trung tâm.

Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đầu tư gần 3,4 triệu USD. Đến năm 2008 chính thức đi vào hoạt động gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, bệnh viện cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại…

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu bất hạnh - Ảnh 1.

Mỗi chú gấu được nuôi dưỡng tại đây đều có những câu chuyện riêng của mình. (ảnh Hồng Ngọc)

Trung tâm là nơi nuôi cứu hộ hơn 200 cá thể gấu, chủ yếu là gấu chó và gấu ngựa được tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm săn bắt và buôn bán trái phép gấu. Loài gấu tại Việt Nam sẽ được bảo tồn bền vững qua việc nhận thức của cộng đồng được nâng cao và lồng ghép vào chương trình nghiên cứu tái thả và bảo tồn loài gấu trong tự nhiên.

Khi được cứu hộ về trung tâm, mỗi cá thể gấu sẽ phải trải qua 45 ngày cách ly với những con gấu khác, từ đó các bác sĩ thú y và nhân viên chăm sóc gấu có thể đánh giá được tình trạng và tinh thần của chúng. Cũng như điều trị hết tất cả những bệnh và thương tổn nếu có.

Sau thời gian cách ly, gấu sẽ được chuyển đến các phòng nuôi gấu chuyên biệt. Sau khoảng thời gian từ 6 tháng – 1 năm, gấu được chuyển đến các khu tự nhiên bán hoang dã để khôi phục dần bản năng tự nhiên của chúng.

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu bất hạnh - Ảnh 2.

Chú gấu chó đáng yêu được nuôi tại trung tâm (ảnh Đỗ Doãn Hoàng).

Theo chị Hằng, nhân viên tại phòng Giáo dục tại Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết, khi cho ăn, chúng tôi giấu đồ ăn vào trong ống tre, ống nhựa dưới các tảng đá, hay treo lên cao để gấu tăng khả năng vận động tốt cho cơ thể. Nhiều cá thể gấu đã bị nhốt rất lâu trong chiếc cũi nhỏ nhiều năm, không có khả năng leo trèo, mất đi khứu giác, chúng tôi đã phải thay đổi thức ăn của chúng hàng ngày kích thích lại khứu giác của gấu.

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu bất hạnh - Ảnh 3.

Khu vực đồ chơi của gấu, nhân viên giấu thức ăn trong những ống nhựa như thế này để tăng khả năng vận động cho gấu. (ảnh Hồng Ngọc)

Chị Hằng cũng tâm sự, tại đây có rất nhiều những con gấu bị cụt chi, mù mắt… do dính bẫy của dân săn bắt. Những con này sẽ được trung tâm nuôi dưỡng trọn đời, đối với những con khỏe mạnh có thể tái thả tự nhiên nếu tìm được môi trường phù hợp và không còn nạn săn bắt gấu.

Tại trung tâm, cá thể gấu sẽ được khám sức khỏe định kỳ. Trong suốt quá trình chăm sóc cho các cá thể gấu, các nhân viên sẽ phải ghi chép các biểu hiện và tình hình sức khỏe gấu để báo lên chuyên gia.

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu bất hạnh - Ảnh 4.

Gấu ở đây được nuôi theo kiểu bán tự nhiên. (ảnh Hồng Ngọc)

Ở Việt Nam, nạn săn bắt gấu chủ yếu với mục đích lấy mật. Để thực hiện hành vi hút mật, gấu bị đánh thuốc mê rồi dùng máy siêu âm để xác định vị trí túi mật. Sau đó họ dùng bơm kim tiêm dài tới 10 cm đâm vào bụng gấu hút mật nhiều lần. Vì vậy gấu được nuôi với mục đích thương mại bị hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hiện nay, tại Trung tâm còn khoảng hơn 200 cá thể gấu, hiện gấu nặng nhất tại đây lên đến hơn 150kg. Đối với những con gấu bị còi, già yếu có một khu trung tâm chăm sóc đặc biệt riêng.

Không chỉ có vậy, khi gấu được nuôi dưỡng tại trung tâm mất được chôn cất, lập bia mộ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và kiểm lâm khu vực.

Ghé thăm nơi hồi sinh của những chú gấu bất hạnh - Ảnh 5.

Khu mộ gấu. (ảnh Hồng Ngọc)

Chị Phan Thị Thùy Trinh, nhân viên truyền thông Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam cho hay: "Do gấu nằm trong danh mục 1B là nhóm động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, chính vì thế mỗi một con gấu khi về đây đều có hồ sơ và được gắn chíp dưới sự kiểm soát của kiểm lâm. Do vậy khi gấu có biến động về số lượng thì trung tâm đều phải thông báo lại với chính quyền địa phương và kiểm lâm trên địa bàn".

Chị Trinh cũng tâm sự: "Con gấu chết đầu tiên tên Pen, chết năm 2006. Hiện nay có khoảng 50 con gấu được chôn cất tại đây, nguyên nhân chủ yếu gấu chết tại trung tâm là do tuổi đời lâu năm".

Với mục đích tuyên truyền người dân không sử dụng mật gấu, tại trung tâm cũng nuôi trồng, phát triển một vườn thảo dược có tác dụng thay thế cho việc sử dụng mật gấu, giúp thay đổi nhận thức của người dân về vấn nạn hút mật gấu.

Ngoài ra, hàng tháng tại trung tâm sẽ mở cửa 2 ngày đón khách đến trải nghiệm miễn phí để người dân có thể tận mắt nhìn thấy các cá thể gấu hoạt động tự nhiên nhằm giúp người dân nhận thức được sự cần thiết của việc chăm sóc và bảo tồn loài gấu. Qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng mật, các sản phẩm liên quan đến gấu góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển loài này trong tự nhiên.

Giải cứu cá thể gấu ngựa - loài động vật nằm trong sách đỏGiải cứu cá thể gấu ngựa - loài động vật nằm trong sách đỏ

SKĐS - Mới đây, đội cứu hộ của cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã có mặt tại xã Cò Nòi, huyện Sơn La để mang 1 cá thể gấu ngựa về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sinh sống trong môi trường bán hoang dã.


Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn