Thế nhưng, từ khi tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT), nhờ những đột phá về nhân lực, về mô hình luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, chất lượng khám chữa bệnh và trình độ chuyên môn của các y bác sĩ tại các đơn vị đã được nâng lên đáng kể.
Nhiễu kỹ thuật mới được chuyển giao thành công
Hiện BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc là BVVT của BV Bạch Mai ở chuyên khoa Ung bướu, vệ tinh trong lĩnh vực Tim mạch của Viện Tim Hà Nội, vệ tinh trong lĩnh vực Nhi khoa của BV Nhi Trung ương và là BVVT trong lĩnh vực sản khoa của BV phụ sản TW… Nhờ tham gia vào mạng lưới Đề án BVVT mà tay nghề của các bác sĩ ở các chuyên khoa được nâng lên rõ rệt.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bvđk tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thu Thuỷ
Nếu như trước đây, Khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh luôn ở trong tình trạng thưa thớt bệnh nhân, dưới 30 bệnh nhân thì nay, số lượng bệnh nhân được điều trị thường xuyên luôn đạt trên 40 bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới trên 60 bệnh nhân.
Tháng 3/2016, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, kíp phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt máy hỗ trợ nhịp tim vĩnh viễn cho hai bệnh nhân đầu tiên của tỉnh nhà. Từ đó đến nay, đã có hàng chục bệnh nhân của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh lân cận được can thiệp tim mạch ngay tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc.
Với việc thực hiện chuyển giao và tiếp nhận những kỹ thuật can thiệp tim mạch đầu tiên tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc qua Đề án BVVT đã giúp người dân tỉnh Vĩnh Phúc điều trị ngay tại địa phương, qua đó giảm được khó khăn khi phải điều trị ở xa, giảm được gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Đồng thời, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
Nhiều ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời tại BVĐK Vĩnh Phúc.
Để đạt hiệu quả hơn cần phải tháo gỡ nhiều vấn đề
Bên cạnh những thành công của Đề án BVVT mang lại thì theo lãnh đạo các bệnh viện hạt nhân cần phải tính toán lại công tác chỉ đạo tuyến, định hướng chuyển giao. Bởi theo các chuyên gia, cần xác định rõ nhu cầu địa phương (tỉnh, huyện). “Họ cần cái gì? Tránh trường hợp BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật quá cao có khi không cần thiết, thậm chí hơi lãng phí. Nhiều bệnh viện mong muốn chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu. Nhưng kỹ thuật chuyên sâu có phổ biến, phổ cập được hay không phải tính toán lại”.
Đồng quan điểm này, PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ, dân số ở Vĩnh Phúc khá lớn, trong khi tỉ lệ cán bộ y tế cho nhi khoa còn thấp hơn rất nhiều. Năm 2014 - 2015 chỉ có 0,8 bác sĩ nhi/10.000 trẻ em, nay nâng lên 1,54 nhưng như thế cũng chưa đủ. Việc đảm bảo tỉ lệ cán bộ trong ngành nhi còn thiếu hơn nhiều so với người lớn.
Để có đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới vững về chuyên môn, Bộ Y tế cũng như các địa phương cần có chính sách hỗ trợ thiết lập hệ thống quản trị, hội chẩn, đào tạo trực tuyến để nâng cao hơn nữa năng lực tiếp nhận của cán bộ tuyến dưới.