Do đặc tính gentamicin không thấm qua ống tiêu hóa cho nên không có dạng thuốc uống mà chỉ bào chế chủ yếu là dạng thuốc tiêm với hàm lượng lọ thuốc bột 40mg hoặc 80mg và ống tiêm 1-2ml dung dịch 4%. Thuốc dùng để tiêm bắp hoặc dùng để tiêm tĩnh mạch (nếu không thể tiêm bắp). Nó thường được chỉ định dùng trong các nhiễm khuẩn ở phế quản - phổi, ngoài da, loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, nhiễm khuẩn huyết, chủ yếu nhiễm khuẩn thận và đường niệu.
Tuy nhiên, khi dùng gentamicin cần phải thận trọng và không nên lạm dụng. Bởi nó có một số độc tính đáng ngại, nồng độ gây độc và nồng độ điều trị khá gần nhau nên cần đặc biệt chú ý về liều lượng.
Gentamicin là kháng sinh phân bổ nhiều trong pha nước, bởi vậy, bệnh nhân đang sử dụng thuốc này cần phải được cung cấp nước đầy đủ, ít nhất cũng phải 1.500ml/ngày và tránh phối hợp với thuốc lợi tiểu mạnh. Các trường hợp tiêu chảy mất nước hoặc mất nhiều máu sau phẫu thuật không nên sử dụng gentamicin để tránh nguy cơ gây độc của thuốc.
Có một số thầy thuốc thường dùng gentamicin phối hợp với 1 - 2 kháng sinh khác như penicillin, ampicillin, amoxicillin... để tăng hiệu quả điều trị. Nếu phối hợp cần phải ghi rõ vào y bạ hoặc đơn thuốc là phải dùng bơm tiêm riêng để tránh tương kỵ.
Gentamicin có độc tính trên thận. Người có chức năng thận bình thường nhưng dùng liều cao hoặc kéo dài thì gentamicin tích lũy gây nhiễm độc tiềm tàng. Người vốn có chức năng thận suy giảm thì nguy cơ bị nhiễm độc càng cao do sự tích lũy gentamicin mạnh hơn. Dùng gentamicin cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên, nếu suy thận thì thật cần thiết mới dùng và điều chỉnh liều tùy theo độ thanh thải creatinin. Tránh phối hợp gentamicin với bất kỳ một thuốc nào có độc tính với thận. Với các kháng sinh nhóm betalactamin cần phải thận trọng vì cả hai nhóm thuốc kháng sinh này đều có độc tính trên thận, đặc biệt khi phối hợp với cephalosporin thì nguy cơ này càng cao.
Gentamicin cũng có độc tính với thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh số 8 - gây độc với tai vừa ở ốc tiền đình, vừa ở thính giác làm giảm thính lực, ù tai, nặng hơn nữa thì điếc. Điều này có thể xảy ra ở người bình thường được điều trị với liều cao hoặc kéo dài. Ở người suy giảm chức năng thận thì càng dễ bị hơn do gentamicin bị tích lũy nhiều. Tác dụng độc với thính giác là không hồi phục. Do đó không dùng gentamicin liều cao và kéo dài, lặp đi lặp lại, nhất là với người cao tuổi. Nếu thấy chớm có các dấu hiệu nói trên phải ngừng thuốc ngay và chuyển sang dùng thuốc khác.
Việc sử dụng gentamicin có một vài điều không thuận lợi. Ở các phòng mạch tư, điều trị ngoại trú, y tế tuyến cơ sở khó có điều kiện tuân thủ những quy định về dùng gentamicin, đã có những tai biến xảy ra. Gentamicin là loại thuốc tốt, nhưng cần dùng đúng lúc cần thiết tránh lạm dụng. Theo Ban tư vấn và khuyến cáo dùng kháng sinh của Tổ chức Y tế Thế giới thì không nên sử dụng ưu tiên gentamicin cho các nhiễm khuẩn hô hấp, vì có thể dùng các kháng sinh khác thuộc nhóm betalactamin ít độc hơn. Trong trường hợp viêm phổi nặng, nếu cần thiết phải dùng tới gentamicin thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hiệu quả điều trị và tai biến. Nếu là tuyến cơ sở thì nên chuyển lên tuyến trên, ở đó nếu phải dùng gentamicin thì họ có điều kiện dùng và theo dõi tốt hơn.
Ngoài ra, gentamicin còn có loại thuốc mỡ để bôi các vết thương, dạng thuốc nhỏ mắt gentamicin 0,3% dùng trong các trường hợp nhiễm trùng nặng ở mắt... Không dùng gentamicin cho những người quá mẫn với thuốc.
BS. Vũ Hướng Văn