Hà Nội

Gen Z sức đề kháng kém nên dễ trầm cảm, căng thẳng

28-10-2023 15:29 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Trong quá trình giảng dạy và làm giáo viên thỉnh giảng ở một số trường đại học, được tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên sinh năm 2000 đến năm 2005, tôi nhận ra rằng sức đề kháng của các em kém hơn so với thế hệ sinh viên trước đây và rất dễ mắc trầm cảm, căng thẳng, dễ dàng buông xuôi trước khó khăn.

Tôi thường điểm danh đúng đầu giờ học với mục đích tạo thói quen cho các em phải đi học đúng giờ. Điều đơn giản này cũng khiến một số em cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị áp lực vì không thể ngủ dậy muộn, đi học muộn như đối với các môn học khác. Bởi tôi quy định ngay từ khi vào dạy là sau khi tôi điểm danh xong mà sinh viên mới đến thì tôi sẽ không điểm danh lại cho các bạn đến muộn, nghỉ quá số tiết quy định là không được thi.

Bản chất của vấn đề chỉ đơn giản là các em sinh viên phải có trách nhiệm đi học đúng giờ, học tập và làm bài tập đầy đủ theo yêu cầu của giảng viên. Giảng viên yêu cầu đi học đúng giờ, học bài cũ, chuẩn bị bài mới là những yêu cầu tối thiểu mà ai đi học cũng phải thực hiện.

Nhưng đối với một bộ phận sinh viên thời nay thì điều đó lại là hà khắc, áp lực và các em ngay lập tức có ý kiến phản hồi và muốn giảng viên phải thả lỏng quy định cho các em dễ thở. Thực tế bao nhiêu năm đi dạy, tôi chưa bao giờ có ý gây khó khăn, không tạo điều kiện cho bất kỳ em sinh viên nào. Tôi luôn tâm niệm, các em chỉ hơn tuổi con gái lớn của tôi vài tuổi, đa phần xuất thân ở quê về Hà Nội học, bố mẹ phải vất vả kiếm tiền nuôi các em ăn học ở thành phố.

Tôi chỉ muốn rèn các em có thái độ học tập tốt, thái độ sống tốt để các em chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn, học tốt hơn, không phải học lại, không phải mất thêm tiền học lại, có thể tốt nghiệp đúng hạn, ra trường xin được một công việc tốt, có thu nhập để tự lo cho cuộc sống của các em.

Tôi không muốn bỏ mặc các em thích đi học thì đi, thích học hay không thì tùy. Tôi có thể cho các em toàn điểm giỏi nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình làm như thế là mình vô trách nhiệm với các em, với gia đình các em và với xã hội. Các em không chịu đi học, vẫn được thi, vẫn được điểm cao, tốt nghiệp với bằng khá, giỏi nhưng khi thi tuyển vào các công ty lại không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, không làm được việc, lại phải làm việc trái ngành, bán hàng online, lái xe công nghệ, làm công nhân…thì khi đó chính các em mới là người khổ nhất, gia đình các em sẽ phải chịu gánh nặng vì phải bao bọc các em, xã hội cũng lãng phí nhân lực vì đào tạo ra những cử nhân không làm được việc, học xong lại thất nghiệp.

Điều đáng buồn là suy nghĩ, lo lắng của tôi cho tương lai của các em lại chưa nhận được nhiều sự thấu hiểu. Nhiều em vẫn nghĩ rằng cô giáo gây khó khăn cho mình mà không nghĩ được sâu rộng hơn đó chính là cô giáo rất yêu thương mình như con mới rèn mình như vậy.

Tôi cũng từng chia sẻ vấn đề này cho các em hiểu rằng, tôi không bao giờ gây khó khăn cho các em. Tôi làm như vậy chỉ mong các em sẽ trở lên tốt hơn. Tôi muốn dạy các em đúng giờ. Tôi luôn phải đi sớm để chờ các em chứ không bao giờ đi sát giờ, lên lớp muộn. Tôi cũng phải đưa đón con đi học, con tôi cũng phải đi sớm theo mẹ. Tôi không yêu cầu các em phải đến lớp sớm chờ cô như tôi vẫn chờ các em, chỉ yêu cầu các em đến lớp đúng giờ. Như vậy, có phải là yêu cầu cao quá không? Tại sao các em không thể đi học đúng giờ khi các em không phải lo cho ai, chỉ việc đi học? Các em chỉ biết đòi hỏi mà quên mất rằng để cho các em được đi học như thế, bố mẹ các em đã phải vất vả như thế nào.

Để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho các em, các thầy cô giáo đã phải mất nhiều thời gian soạn giáo án, khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên lớp sớm chờ các em, không chỉ dạy văn hóa mà còn rèn kỹ năng sống cho các em. Các em đã bao giờ biết trân trọng những người đã làm bao việc tốt vì các em chưa? Hay các em chỉ biết trách móc, đòi hỏi mọi người phải thỏa mãn nhu cầu được sung sướng, nhàn hạ, không cần học tập vất vả vẫn được điểm cao, tốt nghiệp loại khá, giỏi?

Các em ạ, trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những áp lực đè nặng khiến nhiều người bị căng thẳng, áp lực nhưng đôi khi đây lại là động lực, là cú hích để mỗi người vượt qua những thách thức, khó khăn. Các em hãy cứ là chính mình, làm điều em thích và theo đuổi ước mơ của em chứ không phải của cha mẹ, của thầy cô giáo, của xã hội hay của bất kì ai. Hãy học tập chăm chỉ vì chính tương lai của mình chứ không phải vì thầy cô giáo gây áp lực. Hãy cố gắng vì cuộc sống mà chính em mong ước. Hãy tập trân trọng những điều nhỏ nhoi mà đẹp đẽ xung quanh em, hãy tin tưởng vào chính bản thân mình. Và hãy cứ yêu đời bởi vì rốt cuộc, cuộc sống đại học của em sẽ tuyệt vời hay tồi tệ, chỉ đến từ cách nhìn và suy nghĩ của chính em mà thôi.

Mỗi người đều có vận tốc và đích đến riêng, bên cạnh việc học tập, tập trung nhiều hơn vào phát triển bản thân sẽ giúp các em kiểm soát được hành vi, cảm thấy vui vẻ hơn trong cuộc sống và ít bị phụ thuộc, ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Hãy để ý đến cách mà đại bàng dạy con tập bay là đại bàng bố mẹ đạp cho rơi từ trong hang ra ngoài không trung. Có 80% số đại bàng con sẽ bị rơi tự do, xác bị đập vào vách núi, rơi xuống vực. Và số ít đại bàng con còn lại, phải nỗ lực hết sức đập cánh để không phải chịu kết cục thảm hại như số đại bàng kia. Cuối cùng, phần thưởng của chúng là trở thành chúa tể trời xanh. Cuộc sống này luôn có rất nhiều thứ khiến chúng ta áp lực, quan trọng là chúng ta phải tạo cho mình sức đề kháng thật tốt và biết cách đối mặt, vượt qua mọi khó khăn.

TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn