Gen chiến binh MAOA và CDH13: Đồng minh của tội phạm bạo lực?

25-05-2017 18:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vì sao con người trở nên hung hãn, độc ác với đồng loại và người thân của mình? Vì sao các tổ chức khủng bố, tội phạm ngày càng hung hăng, táo tợn...?.

Vì sao con người trở nên hung hãn, độc ác với  đồng loại và người thân của mình? Vì sao các tổ chức khủng bố, tội phạm ngày càng hung hăng, táo tợn...?. Trả lời một phần câu hỏi này, khoa học vừa phát hiện thấy có 2 loại gen, được gọi là “gen chiến binh” có mối liên quan mật thiết với bạo lực, gen MAOA và CDH13.

Lần đầu tiên kẻ giết người hàng loạt được kiểm tra ADN

Theo trang tin Geneticliteracyproject.org của Mỹ, ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát ở  Trường tiểu học Sandy Hook, thị trấn Newtown, quận Fairfield, Connecticut ngày 14/12/2012, các chuyên gia ở Đại học Connecticut (UoC) đã tiến hành kiểm tra di truyền kẻ gây án Adam Lanza, thủ phạm xả súng giết hại 20 học sinh, 6 thầy cô giáo và chính mẹ đẻ của mình trước khi tự sát. Việc làm này giúp khoa học tìm ra câu trả lời vì sao kẻ giết người lại mang động đến như vậy . Đặc biệt là tìm ra manh mối trong bộ gen gây tội ác để ngăn ngừa những sự cố tương tự diễn ra trong tương lai. Đây là lần đầu tiên khoa học nghiên cứu chi tiết DNA của một kẻ giết người, cho dù còn nhiều tranh cãi.

Theo tờ New York Times, Adam Lanza là kẻ đã nã súng vào Trường tiểu học Sandy Hook, ở làng Sandy Hook, Newtown, Quận Fairfield, bang Connecticut hôm 14/12/2012  và sau đó tự sát luôn. Hậu quả, làm 26 người bị thiệt mạng trong đó có 20 học sinh. Vụ án xảy ra sau khi Adam Lanza bắn chết chính mẹ đẻ của mình, bà Nancy Lanza, 54 tuổi, một tình nguyện viên của trường và được coi là vụ sát hại trường học nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ thảm sát ở đại học Bách khoa Virginia năm 2007.

Vào khoảng 9:40 giờ sáng, tức nửa giờ sau khi lớp học được bắt đầu, Adam Lanza mang súng,  mặc trang phục kiểu quân nhân, có cả một chiếc áo chống đạn, kèm mặt nạ xuất hiện và bắn sối sả vào lớp học, sau đó đã tự kết liễu đời mình bằng một phát đạn. Đây là tên tội phạm cực kỳ manh động, nguy hiểm, tuổi mới 20 tuổi, học rất giỏi, không có tiền án tiền sự. Vào thời điểm vụ nổ súng, Adam Lanza mang theo giấy tờ của anh trai, Ryan Lanza, 24 tuổi nên người anh đã bị oan. Theo Ryan Lanza, Adam Lanza từng mắc chứng rối loạn nhân cách và “mắc chứng tự kỷ nhẹ” còn bạn cùng lớp thì cho hay Adam mắc hội chứng Asperger. Giáo viên thì phản ánh Adam là học sinh “thông minh, nhưng thần kinh bất ổn và đứng ngồi không yên”, thường xuyên có những hành động lạ lùng như nói về người ngoài hành tinh hay luôn luôn có ý nghĩ “muốn cho nổ tung một thứ gì đó”. Theo ghi chép của tòa án, cha mẹ Adam ly dị năm 2008 nhưng thực chất cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ từ khoảng chục năm trước. Cũng có nguồn tin cho rằng bà Nancy là người thích sưu tầm súng, rất có thể Adam đã lấy chính những khẩu súng của mẹ để thực hiện tội ác ghê rợn tại Newtown.

Gen chiến binh MAOA và CDH13Lần đầu hệ gen của Adam Lanzađã được khoa học nghiên cứu

Gen chiến binh MAOA và CDH13 ảnh hưởng thế nào đến hành vi tội ác?

Theo nghiên cứu của UoC tuy không tìm thấy bất cứ một gen “giết người hàng loạt” cụ thể nào, nhưng lại phát hiện thấy hàng chục gen góp phần vào hành vi hung hăng, trong đó có 2 gen MAOA và CDH13, những gen này phát huy hiệu ứng cao nhất khi kết hợp với yếu tố môi trường như nuôi dạy, giáo dục và sử dụng chất kích thích, nhất là ma túy và rượu.

Vào những năm 60 ở thế kỷ trước, người ta đã đưa ra giả thiết, đàn ông mang nhiễm sắc thể Y thì nguy cơ bạo lực cao, điều này dẫn tới việc kiểm tra di truyền trong nhà tù. Sự hiện diện của cái gọi là “nhiễm sắc thể hình sự” làm cho nhiều bậc cha mẹ đã phải hủy bỏ thai nhi XYY. Mối nghi ngờ nói trên sau được giải oan nhưng ý tưởng về “siêu đàn ông” mang nhiễm sắc thể  XYY vẫn tồn tại trong nhiều nền văn hoá. Sau đó thuật ngữ  The warrior gene (gen chiến binh) ra đời. Vào những năm 90, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan, mức độ biểu hiện thấp của MAOA, gen mã hoá cho enzyme monoamin oxidase A là thủ phạm phát sinh hành vi chống đối xã hội, nó được phát hiện ra năm 1993 trong một gia đình người Hà Lan, nhưng không thể được ngoại suy đối với dân số chung.

Theo nghiên cứu của Viện Karolinska (KI) Thụy Điển, gen gây bạo lực được xem có mặt và chịu trách nhiệm cho 1/10 vụ tội phạm nghiêm trọng. Kết luận này của KI được dựa trên nghiên cứu dài kỳ ADN của 895 tội phạm người Phần Lan. Theo đó những vụ tội phạm nghiêm trọng nhất, đặc biệt là giết người, đã được tìm thấy có biến thể của hai gen là Monoamine oxidase A (MAOA) và cadherin 13 (CDH13). MAOA liên quan đến nồng độ dopamine trong não, một hóa chất làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện còn CDH13 được liên kết với việc kiểm soát cơn bốc đồng.

Theo giáo sư Jari Tiihonen, trưởng nhóm nghiên cứu ở KI, phát hiện trên được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry, trong đó nồng độ dopamine thấp kết hợp với gen MAOA có thể là động lực làm gia tăng tính hung hãn, nhất là khi sử dụng rượu hoặc ma túy. Những người mang các loại gen này có khả năng phạm tội cao gấp 13 lần so với người khác. “Ít nhất 5 - 10% tội phạm bạo lực ở Phần Lan có cùng kiểu gen. Sự thiếu hụt enzyme điều khiển có thể dẫn đến hành vi thái quá. Phần lớn, các cá nhân phạm tội bạo lực nghiêm trọng ở Phần Lan đều bị ảnh hưởng của các chất kích thích, nhất là rượu hoặc ma túy”, GS Tiihonen nhấn mạnh.

Một số vụ tội phạm bạo lực thường có yếu tố của gen MAOA-L hoặc CDH13 trong đó CDH13 liên quan đến tín hiệu giữa các tế bào. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện thấy chúng có mối liên kết với rối loạn hiếu động thái quá (ADHD), chứng tự kỷ, tâm thần phân liệt, lạm dụng chất gây nghiện hoặc rối loạn lưỡng cực.

Gen và các yếu tố môi trường làm tăng hành vi bạo lực?

Ngoài bằng chứng di truyền với bạo lực còn có yếu tố mang tính khách quan, nhất là bạo lực tuổi vị thành niên. Ví dụ trường hợp những người đàn ông có biến thể gen MAOA-L thường có hành vi bạo lực khi còn nhỏ cao hơn người có biến thể MAOA, nhất là khi lạm dụng rượu hoặc amphetamines. Lý do, MAOA-L ảnh hưởng trực tiếp đến các chất truyền dẫn thần kinh não và gây ra sự hiếu chiến bốc đồng. Lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ em còn có mối quan hệ phức tạp giữa testosterone “nam” và hành vi chống đối xã hội. Nếu mức độ testosterone cao trong thời kỳ thai nhi và thời thơ ấu, kết hợp với cuộc sống tiêu cực đầu đời sẽ làm gia tăng các hành vi “chống đối xã hội”. Vì vậy, những người này sau khi được thả nếu phải qua điều trị bắt buộc dùng các loại thuốc như disulfram hoặc naltrexone để phong bế hiệu ứng chất gây nghiện.

Theo các chuyên gia ở UoC, DNA của Adam Lanza không thể giải thích ngay lập tức tội ác của đương sự, song đặc điểm di truyền của Adam có mối quan hệ rất rõ với bạo lực, nó làm cơ sở để các nhà khoa học tìm ra phương án dựbáo tội phạm, như dùng công thức toán học mà Brazil đã áp dụng, có tên “số liệu đô thị” để xác định để dự đoán tình hình tội phạm. Trong đó phân tích GDP, dân trí, nhân khẩu học, tỉ lệ thất nghiệp, tỷ lệ sinh đẻ hoặc mức độ sử dụng lao động trẻ em....  Ngoài ra, y học còn tìm ra cách chẩn đoán và điều trị nhiều loại rối loạn tâm thần liên quan đến bạo lực. Tiến sĩ William Davies, giảng viên cao cấp ở Đại học Cardiff, cho rằng, nghiên cứu di truyền và bạo lực là chủ đề thú vị, cho thấy có hai vùng di truyền, nếu biến đổi có thể ảnh hưởng gia tăng các hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, di truyền về hành vi cũng  là lĩnh vực gây nhiều tranh cãi nhất.


DS. Trang Nhung
Ý kiến của bạn