Hà Nội

GĐ BV Việt Đức chia sẻ "bí quyết" để bác sĩ không bị hành hung

29-09-2014 21:57 | Tin nóng y tế
google news

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhưng trường hợp côn đồ hành hung bác sĩ, điển hình nhất là sự việc đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn hành hung bác sĩ Phạm Thanh Tùng (BV Đa khoa Thanh Nhàn) khiến bác sĩ Tùng gẫy xương má, chấn thương sọ...

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhưng trường hợp côn đồ hành hung bác sĩ, điển hình nhất là sự việc đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn hành hung bác sĩ Phạm Thanh Tùng (BV Đa khoa Thanh Nhàn) khiến bác sĩ Tùng gẫy xương má, chấn thương sọ... Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xảy ra vụ hành hung bác sĩ và một điều dưỡng đang mang thai.

Trước những hành vi bạo lực đối với bác sĩ ngày càng gia tăng, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – GĐ Bệnh viện Việt Đức về vấn đề này.

Thưa ông! Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực, hành hung bác sĩ khi đang tham gia khám chữa bệnh. Với cương vị là người đứng đầu bệnh viện, ông đánh giá như thế nào về nhưng sự việc đáng tiếc trên?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Trước hết tôi rất bất bình với các sự việc hành hung bác sĩ xảy ra trong thời gian qua, nhất là sự việc mới đây xảy ra đối với bác sĩ Tùng tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).

Bởi khi bị các đối tượng hành hung, dù các bác sĩ có bản lĩnh đến đâu cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và tinh thần làm việc, nhất là trong việc cấp cứu và khám chữa cho bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Phải xử lý nghiêm những đối tượng hành hung bác sĩ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Phải xử lý nghiêm những đối tượng hành hung bác sĩ.

Riêng bản thân tôi cho rằng, đối với những đối tượng hành hung bác sĩ nói riêng và hành hung người thi hành công vụ nói chung như: công an, cảnh sát giao thông, kiểm lâm …thì pháp luật cần phải trừng trị thích đáng, để răn đe các đối tượng khác. Có như vậy, thì mới có thể giảm bớt được tình trạng hành hung.

Bệnh viện Việt Đức được coi là nơi “đầu sóng, ngọn gió” khi liên tục phải đối mặt với những đối tượng giang hồ cộm cán, bị tai nạn vào đây cấp cứu. Nhưng thực tế, bệnh viện dường như không có việc gây rối hay hành hung trong bệnh viện. Vậy, PGS có “bí quyết” gì?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Thứ nhất, tôi chỉ đạo cho tất cả các bác sĩ nhất là các bác sĩ khoa cấp cứu, dù bận đến đâu, khó khăn đến đâu cũng phải giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu về tình trạng của bệnh nhân, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra nhất là những sự việc xô xát trong bệnh viện, gây mất trật tự và ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh.

Thứ hai là phải tăng cường đội ngũ bảo vệ bệnh viện, trang bị cho đội ngũ này đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để trấn áp các đối tượng gây rối và ứng phó kịp thời đối với các trường hợp xấu xảy ra.

Thứ ba là phải có sự liên hệ mật thiết với công an phường, quận sở tại thậm chí là công an thành phố để họ sẵn sàng cơ động, hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.

Như ông đã nói ở trên, là phải giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu, nhưng khi đã phải vào nhập viện cấp cứu, liệu họ có đủ bình tĩnh để nghe giải thích và thực tế bệnh viện đã giải thích như thế nào? Ông có thể lấy một ví dụ cụ thể?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Thực tế, tại BV Việt Đức, tuy không có các trường hợp hành hung đáng tiếc xảy ra, nhưng đã có những lúc xảy ra to tiếng giữa đôi bên.

Ví dụ như trường hợp bị tai nạn gãy xương chân khá nặng, người nhà khăng khăng phải mổ ngay. Trong khi đó, còn có nhiều trường hợp tai nạn khác bị dập lách, dập gan cũng đang rất cần vào phòng mổ.

Lúc ngày, các bác sĩ sẽ phải giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng, đối với các trường hợp gãy chân thì chưa thật sự cần thiết phải mổ ngay, chỉ cần sơ cứu trước mắt vì gãy chân không ảnh hưởng ngay đến tính mạng. Lúc này, cần phải ưu tiên cho người bị dập gan, dập lách vì không đưa họ vào phòng mổ ngay thì nguy cơ tử vong rất cao.

Nếu giải thích hợp tình hợp lý thì người nhà bệnh nhân hiểu ra vấn đề, họ sẽ thông cảm và không có chuyện gì xảy ra. Còn nếu không nói gì mà cứ đưa người đến sau vào mổ trước thì chắc chắn có chuyện.

Thưa ông! Những vụ hành hung bác sĩ thời gian gần đây đa số là xảy ra vào khoảng nửa đêm và rạng sáng. Liệu lúc đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện có đáp ứng được khi có sự cố xảy ra?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hiện BV Việt Đức có khoảng hơn 100 bảo vệ, được thuê từ các công ty bảo vệ có uy tín và được bố trí tại tất cả các bộ phận, khoa phòng trong bệnh viện với mỗi ca khoảng 30 nhân viên trở lên, nên dù ở tính huống nào, lực lượng bảo vệ cũng sẵn sàng ứng phó.

Vụ tấn công bác sĩ tại BV Thanh Nhàn. Ảnh cắt từ clip.
Vụ tấn công bác sĩ tại BV Thanh Nhàn. Ảnh cắt từ clip.

Có ý kiến cho rằng, để xảy ra những vụ hành hung như đã kể trên, thì lỗi một phần cũng là do bác sĩ? Vậy ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Như tôi đã nói ở trên, dù bác sĩ có khó khăn, có bận đến mấy thì cũng cần phải giải thích thấu tình đạt lý cho người dân để cho người dân hiểu, như vậy mới không dẫn đến mâu thuẫn.

Còn đối với những người làm ngành y tế, đặc biệt là các bác sĩ thì tất cả đều mong muốn chữa được bệnh cho bệnh nhân. Tôi phải khẳng định rằng, bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân không phải với mong muốn được người bệnh mang ơn. Mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người thầy thuốc, lương tâm của người thầy thuốc là phải làm sao, cố găng hết sức có thể để cứu chữa người bệnh.

Vậy, qua những sự việc trên PGS có nhắn nhủ gì đối với bệnh nhân, cũng như người nhà bệnh nhân để trong tương lai không còn trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi rất mong muốn người dân hiểu được đặc thù của ngành y. Bởi bệnh tật diễn biến bất thường, bác sĩ đôi khi không thể đáp ứng ngay lập tức được. Vì thế, rất mong người dân hiểu, bởi tất cả các bác sĩ khi khám chữa bệnh đều phải cố gắng hết sức mình để cứu chữa, giành giật từng phần tính mạng cho bệnh nhân.

Lê Phương (Theo Gia Đình Việt Nam)

 

 

Ý kiến của bạn