Gãy xương mác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

31-03-2025 05:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Gãy xương nói chung và gãy xương mác nói riêng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Do vậy, để phòng ngừa gãy xương mác mọi người cần lưu kết hợp tăng cường sức khỏe xương và giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn.

Gãy xương mác là một dạng chấn thương phổ biến xảy ra ở cẳng chân, chiếm khoảng 16-20% các trường hợp gãy xương chi dưới.

Cẳng chân gồm hai xương: xương chày là xương chính, nằm phía trước trong, chịu lực tỳ nén 9/10 trọng lượng cơ thể và xương mác là xương phụ nằm phía sau ngoài chịu phần lớn các lực xoay và chịu trọng lượng khi vận động.

1. Nguyên nhân gãy xương mác

Gãy xương mác là tổn thương thường gặp trong ngoại khoa, nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương. Gãy xương mác có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở người già nguyên nhân chủ yếu là tai nạn sinh hoạt, ở người trẻ nguyên nhân chủ yếu là tai nạn giao thông và tai nạn lao động.

Gãy xương mác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương - Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Xương mác có thể bị gãy ở chỗ bị đánh, bị tác động vào hoặc xa chỗ đó. Do đó có gãy xương trực tiếp và gãy xương gián tiếp. Nếu xương mác bị gãy ngay ở nơi lực chấn thương tác động, gọi là gãy xương mác trực tiếp, xương thường bị gãy ngang, hoặc có mảnh rời. Gãy xương ở nơi xa nơi tác động của lực chấn thương, gọi là gãy xương mác gián tiếp, xương bị gãy chéo hoặc xoắn.

  • Gãy xương mác trực tiếp: Ít gặp hơn. Bị gãy xương mác trực tiếp thường gặp trong những tai nạn lớn: bánh xe ô tô đè lên chân nạn nhân, mảnh đạn, mảnh bom làm nát xương,... Gãy xương trực tiếp thường có kèm theo thương tổn ở các phần mềm.
  • Gãy xương mác gián tiếp: Xương mác bị gãy dưới tác động của các lực.

2. Triệu chứng gãy xương mác

Xương mác là xương dài, mảnh, to ở hai đầu nằm ở phía sau ngoài cẳng chân, chịu tải trọng ít, khoảng 10% trọng lượng cơ thể. Xương mác được bao kín toàn bộ chu vi và chiều dài thân xương bởi những khối cơ dày, nên được nuôi dưỡng và có khả năng liền xương tốt hơn xương chày. Khi gãy xương mác, người bệnh sẽ có biểu hiện:

  • Cơ năng: đau và hạn chế vận động là hai triệu chứng thường gặp khi bị gãy xương mác. Người bệnh thấy đau nhức dữ dội tại vùng xương mác, đặc biệt khi chạm vào hoặc khi cố gắng đi lại.
  • Thực thể: Sưng nề, bầm tím tại vùng cẳng chân. Trong trường hợp gãy hở hoặc di lệch chân bệnh nhân sẽ bị biến dạng. 
Để chẩn đoán gãy xương mác thuộc dạng nào (gãy kín, gãy hở, gãy hoàn toàn, gãy không hoàn toàn) các bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng và chụp X-quang.
Gãy xương mác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Tùy vào từng mức độ và tình trạng gãy xương mác các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị và phục hồi phù hợp.

3. Gãy xương mác có lây không?

Gãy xương mác là một chấn thương ngoại khoa và không thể lây từ người bệnh sang người lành.

4. Phòng ngừa gãy xương mác

Gãy xương nói chung và gãy xương mác nói riêng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Do vậy, để phòng ngừa gãy xương mác mọi người cần lưu kết hợp tăng cường sức khỏe xương và giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em và người cao tuổi.

  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Tiêu thụ đầy đủ canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Đồng thời hạn chế tiêu thụ rượu bia và thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe xương.
  • Duy trì vận động hàng ngày bằng cách tập luyện các bộ môn phù hợp với thể trạng như đi bộ, chạy, nhảy, bơi lội,… giúp kích thích hormone tăng trưởng và hệ tuần hoàn, thúc đẩy xương mau lành.
  • Hạn chế nguy cơ gây tai nạn sinh hoạt hàng ngày bằng cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ít vật cản trở hoặc bề mặt sàn nhà quá trơn, làm tăng nguy cơ té ngã.
  • Sử dụng đồ bảo hộ khi tham gia hoạt động nguy hiểm hoặc các bộ môn thể thao nguy hiểm như đi xe đạp hay trượt ván, luôn mang theo đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, bảo vệ cổ chân, tay và khớp gối để giảm thiểu nguy cơ gãy xương.
  • Kiểm tra sức khỏe xương định kỳ: Đối với người cao tuổi, việc xem xét việc thực hiện kiểm tra mật độ xương thường niên giúp đánh giá chính xác sức khỏe xương, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, dễ gãy nói chung.
Gãy xương mác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 3.

Điều trị gãy xương mác phụ thuộc vào vị trí gãy, mức độ di lệch và các tổn thương liên quan.

5. Điều trị gãy xương mác

Điều trị gãy xương mác bao gồm điều trị sơ cứu và điều trị thực thu. Khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương mác (ngay sau khi xảy ra tai nạn) cần điều trị sơ cứu bằng cách: khiêng, đỡ bệnh nhân, bất động tạm thời, chuyên chở tới bệnh viện để điều trị thực thụ. Điều này giúp cho bệnh nhân thoải mái, tránh choáng ngất vì tránh được các kích thích như: đau, chảy máu, vì các đầu xương gãy di lệch.

Điều trị gãy xương mác nhằm phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy cho được hoàn hảo, nhờ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy. Điều trị gãy xương mác bằng việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại là phương pháp điều trị toàn diện, tăng cường yếu tố chủ động của bệnh nhân, thời gian bất động và liền xương ngắn, cơ năng phục hồi nhanh.

Điều trị gãy xương mác phụ thuộc vào vị trí gãy, mức độ di lệch và các tổn thương liên quan. Các phương pháp điều trị có thể chia thành hai nhóm chính: Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) và phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn thường được áp dụng trong các trường hợp gãy xương mác không di lệch hoặc di lệch nhẹ. Phương pháp này tập trung vào việc cố định, giúp xương tự lành mà không cần can thiệp phẫu thuật.

  • Nẹp hoặc bó bột: Sử dụng nẹp cố định hoặc bó bột là phương pháp phổ biến nhất để bảo vệ xương và ngăn chặn sự di lệch thêm. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu hạn chế vận động, tránh đặt trọng lượng lên chân bị gãy trong thời gian từ 6-8 tuần, tùy theo mức độ phục hồi của xương.
  • Thời gian hồi phục: Trong quá trình điều trị bảo tồn, việc kiểm tra định kỳ qua phim X-quang là cần thiết để đảm bảo xương đang lành lại đúng vị trí. Bệnh nhân sẽ dần dần chuyển sang giai đoạn tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng vận động của chân.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi gãy xương mác di lệch lớn, gãy hở, hoặc kết hợp với các tổn thương phức tạp khác (như tổn thương dây chằng hoặc khớp cổ chân).

Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Kết hợp xương bằng nẹp vít: Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ sử dụng nẹp và vít kim loại để cố định các đoạn xương gãy lại đúng vị trí. Quá trình phẫu thuật này thường yêu cầu bệnh nhân phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động từ 8-12 tuần, tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
  • Phẫu thuật nội soi: Trong các trường hợp tổn thương khớp cổ chân hoặc dây chằng, phẫu thuật nội soi có thể được sử dụng để sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương kèm theo gãy xương.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm một số phương pháp vật lý trị liệu hoặc dụng cụ hỗ trợ, thuốc điều trị… theo chỉ định của bác sĩ.

6 câu hỏi thường gặp liên quan đến gãy xương mác6 câu hỏi thường gặp liên quan đến gãy xương mác

SKĐS - Nhiều người khi bị gãy xương mác thường lo lắng không biết gãy xương mác có nguy hiểm không? Sau bao lâu thì có thể phục hồi trở lại và chi phí điều trị gãy xương mác như thế nào?


TS.BS Nguyễn Ngọc Cương
Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn