Năm ngoái, gần nhà tôi có người đi trời mưa, đường trơn bị ngã gãy xương mà không hay biết nên sau một thời gian đã thành tật. Làm sao biết bị gãy xương, thưa bác sĩ?
Hoàng Thị Thắm (Yên Bái)
Trên thực tế, gãy xương có 2 loại là gãy kín và gãy hở. Gãy kín là trường hợp xương bị gãy nhưng không có vết thương chảy máu ngoài da. Gãy xương hở là có vết thương chảy máu ra ngoài da, có khi thấy đầu xương gãy lòi ra ngoài. Gãy xương thường xảy ra sau một chấn thương như: bị ngã, bị đánh, bị tai nạn giao thông hay tai nạn trong lao động, sinh hoạt hoặc do bom đạn gây ra.
Muốn biết một người có gãy xương hay không phải dựa vào các triệu chứng của gãy xương như sau: sau chấn thương bệnh nhân bị đau, đau nặng tại điểm gãy; hạn chế cử động của chi gãy, nếu gãy xương ít di lệch; không cử động được nếu bị gãy rời hai đầu xương. Nếu gãy xương lớn như xương đùi, xương chày... thường kèm theo đa chấn thương, bệnh nhân có thể bị sốc. Nhìn thấy vết thương chảy máu trên da; vùng da trên ổ gãy bị bầm tím nếu bệnh nhân đến muộn sau tai nạn 24 - 48 giờ. Nắn nhẹ nhàng có thể thấy đầu xương gãy ghồ lên ở dưới da, đồng thời nghe thấy tiếng lạo xạo xương gãy. Ấn có điểm đau chói tại ổ gãy. Vùng gãy bị sưng nề, tràn dịch khớp. Chi gãy bị biến dạng như lệch trục chi, gấp góc, chi gãy ngắn hơn chi lành... Vì vậy, sau một chấn thương, bạn thấy xuất hiện một hay nhiều triệu chứng nói trên phải đưa bệnh nhân đến khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS. Nguyễn Bằng Việt