Nguyễn Hoài Thanh (Hưng Yên)
Trước đây, điều trị gãy xương đòn thường là điều trị bảo tồn bằng cách đeo đai số 8 cố định xương đòn. Điều trị phẫu thuật gãy xương đòn được chỉ định cho một số ít các trường hợp bao gồm: gãy đầu ngoài xương đòn di lệch, gãy thân xương đòn có mảnh rời di lệch, gãy xương đòn có biến chứng (gãy hở, tổn thương mạch...) hoặc không liền xương sau điều trị bảo tồn gãy xương đòn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, điều trị gãy xương đòn đã có nhiều thay đổi. Một số vấn đề còn tồn tại đối với việc điều trị bảo tồn gãy xương đòn bao gồm: thời gian bất động kéo dài, 15-20% không liền xương đòn, 15-20% liền xương xấu sau điều trị bảo tồn, hai vai mất cân bằng, xương bả vai nhô cao, vấn đề thẩm mỹ... Ngày nay, cùng với sự phát triển của gây mê hồi sức, phương tiện và dụng cụ phẫu thuật cũng như kỹ thuật mổ, chỉ định phẫu thuật gãy xương đòn đã được mở rộng hơn. Tùy thuộc vào người bệnh (tuổi, nghề nghiệp, nhu cầu vận động, bệnh lý kèm theo...) cũng như tình trạng gãy xương (đặc điểm diện gãy, di lệch diện gãy, loãng xương, tổn thương phần mềm tại chỗ, tổn thương phối hợp...) mà bác sĩ có những cân nhắc phù hợp. Vì vậy, người bệnh cần tới khoa chấn thương của các bệnh viện để khám và được chỉ định điều trị.