Tôi bị gãy xương đòn do ngã xe máy và đã xử trí bằng nẹp bột được một tuần. Có người khuyên tôi nên tìm chỗ khám lại và yêu cầu mổ để bắt nẹp, vì xương đòn đóng vai trò quan trọng. Xin quý báo tư vấn tôi nên điều trị thế nào?
Nguyễn Minh Quang (quangminhnguyen0913@gmail.com)
Trước hết phải khẳng định là bạn đã khám và điều trị đúng phương pháp. Tùy vị trí tổn thương mà cần can thiệp mổ đặt nẹp vít, bó bột hay chỉ nẹp cố định bạn ạ. Xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh là xương dễ nhìn thấy nhất khi chúng ta mặc áo hở. Gãy xương đòn thường gặp ở người ngã đập vai xuống đất. Xương đòn hay bị gãy ở đoạn giữa, đôi khi có thể bị gãy ở 1/3 trong hay 1/3 ngoài, nhất là phía đầu ngoài xương đòn. Loại gãy này phức tạp vì đầu ngoài xương đòn có dây chằng neo giữ. Xương gãy kèm theo mảnh gãy có dính dây chằng làm đầu ngoài xương đòn không được giữ lại nên gồ lên dưới da. Xương đòn gãy hay bị di lệch vì phần đầu trong bị cơ ức đòn chũm kéo lên trên, đầu ngoài di lệch xuống dưới vì sức nặng của cánh tay.
Để điều trị gãy xương đòn tùy trường hợp, có thể chỉ cần nẹp bột cố định hay mổ để nẹp vít nếu gãy gây chèn ép thần kinh, mạch máu. Tuy nhiên, xương đòn có đặc điểm là rất dễ lành dù có di lệch, thậm chí đôi khi hai đầu xương lệch hẳn mà vẫn lành dù có thể can lệch sau khi lành. Vì nằm ngay dưới da nên khi được mổ nắn xương tỉ lệ lành xương lại thấp hơn và có nhiều biến chứng hơn là để tự lành. Vì thế, bạn cứ yên tâm điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ mà không cần phải mổ.
BS. Nguyễn Văn Thái