Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến mẹ và bé?

27-11-2017 07:09 | Đời sống
google news

SKĐS - Em sắp sinh con đầu lòng và rất sợ đau. Em có ý định áp dụng phương pháp tiêm thuốc giảm đau gây tê ngoài màng cứng.

Nhưng em còn băn khoăn, việc tiêm thuốc giảm đau có ảnh hưởng đến mẹ và bé khi sinh và sau sinh không? Em mong được tư vấn cụ thể. Em cảm ơn.

Nguyễn Thị Huệ (Hà Nội)

Các cơn đau khi chuyển dạ là nỗi ám ảnh với bất kỳ người phụ nữ nào. Để giảm đau trong quá trình sinh nở, phương pháp tiêm thuốc giảm đau khi sinh nhằm gây tê ngoài màng cứng đã được tính đến.

Thường thì việc gây tê để giảm đau khi sinh được tiến hành bằng cách đưa ống thông thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng. Trong quá trình truyền thuốc tê, nhịp tim của thai nhi, huyết áp của người mẹ sẽ được theo dõi liên tục nhằm kiểm tra những thay đổi gây bất lợi. Sau khi tiêm thuốc tê, sản phụ sẽ hết đau bụng trong vòng 10 phút. Dây truyền thuốc sẽ được rút ra sau khi sinh và cảm giác sẽ về bình thường sau vài giờ. Do dùng thuốc giảm đau nồng độ thấp nên phương pháp này không ảnh hưởng đến em bé sơ sinh.

Điểm cộng cho việc sử dụng thuốc tiêm giảm đau này là các bác sĩ có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau của mẹ bầu trong quá trình vượt cạn. Họ có thể điều chỉnh linh hoạt loại thuốc giảm đau, liều lượng như thế nào và cường độ của thuốc nhanh chậm cho phù hợp với từng người. Khi sinh cảm giác mót rặn bị giảm nhiều nên sản phụ sẽ rặn theo hướng dẫn của bác sĩ sản.

Phương pháp này giúp giảm đau và tiến triển cuộc chuyển dạ tốt hơn. Sản phụ không bị kiệt sức vì đau đẻ nên chị sẽ có sức để rặn đẻ tốt hơn và có thể khởi sự cho con bú sớm sau sinh. Các trường hợp bị bệnh tim, tăng huyết áp, hen suyễn sẽ tránh được hậu quả xấu của cơn đau chuyển dạ. Tuy nhiên trong lúc gây tê, sản phụ có thể có cảm giác hai chân nặng và tê như kiến bò, huyết áp có thể giảm nhẹ thoáng qua làm chị em thấy choáng váng, buồn nôn hay ớn lạnh. Đồng thời có một số người xảy ra các tác dụng phụ như: co giật do nhiễm độc thuốc tê, nhức đầu do kích thích màng não... Sau sinh, một số sản phụ có thể bị nhức đầu khi ngồi dậy hoặc đau lưng nơi đâm kim. Một tỷ lệ rất hiếm chị em có thể có biến chứng nhiễm trùng, chảy máu nếu kỹ thuật thực hiện không phù hợp. Không áp dụng phương pháp này cho người đang bị sốt, nhiễm trùng da lưng, đau cột sống, chảy máu bất thường hay dị ứng với thuốc tê.

Để quá trình sinh nở diễn ra an toàn, bạn nên đi khám thai thường xuyên, làm các xét nghiệm thăm dò tổng thể và xin ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng gây tê ngoài màng cứng.


DS. Yến Trang
Ý kiến của bạn