Trong khi giới chuyên môn và bạn đọc vẫn đang đau đầu với việc phân loại 2 xu hướng sách hiện nay: xuất bản vì lợi ích và xuất bản vì lợi nhuận, thì có một hình thức xuất bản khác đang dần được công chúng quan tâm: gây quỹ cộng đồng. Có thể đây còn là xu hướng khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đang cho thấy những dấu hiệu tiềm năng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giới xuất bản nói riêng, thị trường sách Việt nói chung.
Lan tỏa tại Việt Nam
Hình thức gây quỹ cộng đồng vận hành theo cách: tác phẩm được đem "bán" cho người đọc từ khi sách còn là bản thảo. Các độc giả chính là những nhà tài trợ, góp tiền để tác giả và đơn vị làm sách có thể mang bản thảo in ấn, xuất bản. Ở nước ngoài, xuất bản sách thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) là một xu hướng được ưa chuộng từ khá lâu. Trên thế giới có một số trang gây quỹ nổi tiếng như Kickstarter hay IndieGoGo. Tính đến năm 2012 đã có 536 website hoạt động về gây quỹ cộng đồng hỗ trợ huy động 2,7 tỷ đô-la trên toàn thế giới.
Long thần tướng - Một mô hình gây quỹ cộng đồng.
Mô hình crowdfunding tham gia thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2012. Theo một điều tra chính xác, hình thức này được giới làm sách tại Việt Nam áp dụng kể từ năm 2014 khi nhóm Phong Dương Comics kêu gọi cộng đồng góp vốn xuất bản bộ truyện tranh lịch sử Long thần tướng. Nhóm thành lập trang betado làm phương tiện gây quỹ. Kết quả, tập một bộ truyện nhận được 330 triệu đồng từ 711 người ủng hộ (mục tiêu nhóm đề ra là 300 triệu đồng). Với số tiền đó, Phong Dương Comics đủ chi phí để sản xuất cuốn sách và những ấn bản, quà tặng tri ân những người đã góp vốn cho mình. Tác phẩm ra đời nhận được phản hồi tích cực.
Sau thành công của Long thần tướng, mô hình gây quỹ cộng đồng mở thêm một xu hướng mới trong làng sách. Nguyễn Khánh Dương (một tác giả của Long thần tướng) cùng một số bạn bè thành lập Comicola - công ty chuyên đỡ đầu cho các tác giả truyện tranh - xuất bản sách. Từ đó, nhiều cuốn sách đã được xuất bản thông qua hình thức gây quỹ như: Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau (sách ảnh), Art Book (sách tranh của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật), Project Icon, Nhóm máu O (truyện tranh), Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)... Trong đó, cuốn được nhiều người ủng hộ nhất là Long thần tướng với 330 triệu cho tập một, 260 triệu cho tập hai và hiện tiếp tục nhận được tiền quyên góp để sản xuất tập ba. Cuốn sách gây quỹ nhanh nhất là Sổ tay giáo dục gia đình, nhận 100 triệu (số tiền in 5.000 cuốn) chỉ sau bốn ngày phát động.
Những người sáng tạo ra trào lưu gây quỹ cộng đồng xuất bản cho rằng, họ đã phá vỡ quy trình xuất bản truyền thống, tìm kiếm những độc giả đặt niềm tin để có kinh phí sản xuất sách. Kết quả "cả làng cùng vui" vì tác giả có nhuận bút yên tâm sáng tác, độc giả có sách hay để đọc.
Sự hoài nghi
Bất kỳ trào lưu mới nào cũng thể hiện mặt tích cực và tiêu cực, gây quỹ cộng đồng để xuất bản, sách cũng vậy. Ví dụ trường hợp gây quỹ xuất bản cuốn sách Mật ngọt chết mèo, người trong cuộc đặt mục tiêu 100 triệu đồng, nhưng kết quả đạt tới 120 triệu đồng, tức là đạt 120% so với mục tiêu ban đầu. Phải thừa nhận nỗ lực hiệu quả của những người làm nhiệm vụ "kêu gọi" cho dự án này. Đây cũng là nhóm tiên phong áp dụng hình thức gây quỹ và rất thành công của tác phẩm Long thần tướng. Mật ngọt chết mèo cũng như nhiều tác phẩm truyện tranh khác của hoạ sĩ Việt Nam đã ghi được những thành tích đáng tự hào, giúp truyện tranh Việt Nam thoát ra được giai đoạn chập chững, loay hoay tìm lối ra, và hoạ sĩ truyện tranh trong nước sẽ có thể toàn tâm toàn ý với những tác phẩm của mình mà vẫn đảm bảo được cuộc sống, chứ không phải bỏ dở đam mê vì mối lo cơm áo gạo tiền hay xem nó là nghề tay trái bên cạnh những công việc vì gánh mưu sinh. Mật ngọt chết mèo đã thành công với cách "kêu gọi" vô cùng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Có thể nói, gây quỹ xuất bản sách đang trở thành trào lưu "hot" tại Việt Nam dù mới nhen nhóm cách đây vài năm. Đồng ý rằng xu hướng xuất bản mới rất hữu ích, nhưng không phải dự án nào gây quỹ cũng suôn sẻ. Đôi khi chính tác giả bản thảo được gây quỹ cũng ngần ngại, vì tâm lý "phải đi xin tiền" người khác. Về phía độc giả, không ít người thể hiện sự... hoài nghi về hình thức xuất bản này. Suy cho cùng, xu hướng xuất bản mới ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường sách Việt, phần nhiều là những ảnh hướng tích cực. Sự hoài nghi từ phía độc giả có lẽ đang là thách thức không nhỏ đối với giới làm sách - những người đang chạy theo xu hướng mới. Tuy nhiên, theo thời gian, sự hoài nghi này sẽ nhanh chóng được giải tỏa!