Gậy ông lại đập lưng ông

16-07-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhằm đối phó với thiết bị bắn tốc độ của các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), nhiều lái xe đã lùng mua các thiết bị máy phá sóng gắn trên ôtô nhằm phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra

Nhằm đối phó với thiết bị bắn tốc độ của các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), nhiều lái xe đã lùng mua các thiết bị máy phá sóng gắn trên ôtô nhằm phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra (chức năng đo tốc độ) từ súng bắn tốc độ. Điều đáng nói là các thiết bị phá sóng này khiến chính các lái xe không thể kiểm soát được tốc độ, rất dễ gây ra tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc.

Biết cấm vẫn gắn lên xe!

Mới đây, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM) vừa kiểm tra phát hiện lô hàng thiết bị phá sóng, dùng để phá sóng của súng bắn tốc độ (thiết bị đo vận tốc xe cơ giới) nhập lậu ẩn trong lô hàng phi mậu dịch. Đây là mặt hàng thuộc “Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu” theo Nghị định số 187 của Chính phủ. Theo tờ khai báo hải quan, lô hàng này do một cá nhân ở quận 3 (TP.HCM) đăng ký 2 tờ khai nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch. Một tờ khai thể hiện mặt hàng nhập khẩu gồm 5 hộp điều khiển, xuất xứ Đan Mạch. Tờ khai còn lại khai báo hàng nhập khẩu gồm 5 cảm biến hỗ trợ đậu xe (phụ tùng xe hơi), xuất xứ Đan Mạch. Tuy nhiên, lực lượng hải quan kiểm tra thực tế lô hàng, phát hiện toàn bộ là thiết bị điện tử đồng bộ. Kết quả giám định cho thấy thiết bị này là bộ máy phá sóng lắp trên các loại ôtô để phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra (chức năng đo tốc độ) từ súng bắn tốc độ của lực lượng CSGT.

Lô thiết bị phá sóng súng bắn tốc độ vừa bị thu giữ.

Lô thiết bị phá sóng súng bắn tốc độ vừa bị thu giữ.

Anh Ngô Thế Định, kỹ sư điện tử, Phòng Giám định chất lượng Công ty điện tử Hanel cho biết, các thiết bị phá sóng nói trên về lý thuyết có khả năng gây nhiễu, làm lệch bước sóng bắn ra từ súng bắn tốc độ của CSGT. Tuy nhiên điều nguy hiểm ở chỗ việc gắn những thiết bị này lên xe, đặc biệt các dòng xe hơi ngày nay rất hiện đại được lắp các bảng mạch điện tử điều hành tự động nên chính sóng phát ra từ các thiết bị phá sóng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm lệch thông số hiển thị trên bảng điện tử khiến lái xe không có được những thông số đúng khi điều khiển xe. Đặc biệt sẽ không kiểm soát được đúng tốc độ xe, TNGT là điều khó tránh khỏi.

Làm gia tăng TNGT, tăng áp lực cho bệnh viện

Như vậy, việc gắn những thiết bị phá sóng súng bắn tốc độ là phạm luật. Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng các vụ TNGT thảm khốc. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2014, trên toàn quốc, số vụ TNGT, số người chết và bị thương do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, có 9 tỉnh tăng trên 25% số người chết vì TNGT, trong đó có tới 7 tỉnh thuộc khu vực phía Nam còn nhiều vụ TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ chạy quá tốc độ.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy,  Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai và BV Việt Đức (Hà Nội) luôn quá tải vì phải tiếp nhận các trường hợp nhập viện do TNGT, đặc biệt vào các kỳ nghỉ lễ, tết, thi cử. Tại Khoa Cấp cứu, BV Việt Đức, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, trong đó 2/3 là các ca do TNGT. BS. Đỗ Tấn Thành, trực cấp cứu ở BV Việt Đức cho biết, để đảm bảo công tác tiếp nhận, cấp cứu và điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong những dịp nghỉ lễ, tết, thi cử, bệnh viện tăng cường các y, bác sĩ, trang thiết bị y tế tại phòng cấp cứu, trong đó cán bộ nhân viên trực tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Tại Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, số người bị TNGT nhập viện cũng chiếm số lượng lớn. Nạn nhân được đưa tới phần lớn bị đa chấn thương, nhiều trường hợp bị nạn do xe chạy quá tốc độ.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng lái xe cố tình lách luật, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như lắp đặt các thiết bị phá sóng máy bắn tốc độ; đồng thời cần tăng mức phạt đối với hành vi này.          

    Văn Hậu

 


Ý kiến của bạn