Hà Nội

Gây ô nhiễm môi trường: Xử nặng, phạt nghiêm

12-01-2017 18:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Việc UBND TP. Hà Nội vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 4 doanh nghiệp dệt...

Việc UBND TP. Hà Nội vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 4 doanh nghiệp dệt, nhuộm đóng tại Cụm Công nghiệp làng nghề Dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã có hành vi xả thải ra sông Đáy với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng đang được dư luận và người dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, đây chỉ là một số trong rất nhiều vụ việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần dệt may Trung Thu (trụ sở: Cụm Công nghiệp Phùng Xá, xã Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với số tiền 150.000.000 đồng. Công ty này không vận hành thường xuyên đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết. Phạt Công ty TNHH Thiên Hoàng Anh (trụ sở: đội 8, thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với số tiền 89.100.000 đồng. Với các lỗi vi phạm hành chính như xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Xử phạt 525.800.000 đồng đối với Công ty TNHH dệt Toàn Thắng (trụ sở: thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Công ty này bị xử phạt với các lỗi vi phạm như: Khai thác sử dụng nước mặt không có giấy phép theo quy định; không xây lắp vận hành công trình xử lý môi trường như đã cam kết; xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Công ty TNHH Trường Thịnh (Trụ sở: xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã bị phạt số tiền 280.000.000 đồng về hành vi gây ô nhiễm, xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp; thủ đoạn của một số đơn vị, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ngày càng tinh vi. Có doanh nghiệp lợi dụng đêm tối, lúc mưa to, gió lớn để xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Có đơn vị đầu tư xây dựng hồ sinh thái, nhưng thực chất là chứa nước thải; khi nước thải xử lý không đạt tiêu chuẩn, họ tận dụng nước thủy triều đưa vào hồ pha loãng; lúc thủy triều xuống, họ lại xả ra môi trường. Có doanh nghiệp bố trí ống dẫn nước thải, cửa xả nước thải ở những vị trí khó quan sát, khó đi lại để che giấu, né tránh sự kiểm soát, phát hiện của cơ quan chức năng và của người dân…

Số liệu từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cả nước hiện có 281 khu công nghiệp (KCN) và 625 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động. Trong đó, mới có 75% KCN, CCN xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung; 35 - 40% khu, cụm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Tỷ lệ về hệ thống xử lý nước thải tập trung và quan trắc tự động tăng hơn so với năm trước. Song, tình trạng ô nhiễm nước, không khí, ô nhiễm từ nhập khẩu nguyên liệu, ô nhiễm hóa chất và những sự cố về môi trường luôn xảy ra tại một số KCN, CCN và trong hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu khiến tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sau khi thu gom, vận chuyển chất thải không chuyển đến nơi xử lý, mà đổ trộm ra môi trường, gây bức xúc dư luận. Chính vì thế, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với các doanh nghiệp vi phạm, xâm hại môi trường, hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên cũng như môi trường sống của người dân.


Thanh Tâm
Ý kiến của bạn