Gây mê và những điều nên biết

27-12-2016 15:01 | Y học 360
google news

Gây mê được dùng trong các bệnh viện cách đây gần 200 năm. Mặc dù có hàng triệu người trải qua các ca phẫu thuật khác nhau cần phải có sự hỗ trợ của thuốc gây mê, có nhiều sự thật về gây mê bạn nên biết.

Gây mê được dùng trong các bệnh viện cách đây gần 200 năm. Mặc dù có hàng triệu người trải qua các ca phẫu thuật khác nhau cần phải có sự hỗ trợ của thuốc gây mê, có nhiều sự thật về gây mê bạn nên biết.

1. Gây mê gây ra chứng quên

Gây mê toàn thân giúp bạn không căng thẳng, không đau và cũng có thể gây ra chứng quên. Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tờ Annals of Neurology chỉ ra rằng thuốc gây mê hô hấp gây ra những thay đổi giống như của bệnh Alzheimer trong não chuột trưởng thành. Loại thuốc này là độc hại cho hồi răng (nếp cuộn não có hình răng cưa) - một loại tế bào giúp kiểm soát trí nhớ và học tập.

Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết những tác động lâu dài của gây mê, nhưng theo họ phải mất ít nhất một vài ngày để bạn có thể phục hồi trở lại sau phẫu thuật.

2. Bệnh nhân cao tuổi gây mê tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Theo một nghiên cứu năm 2013, bệnh nhân cao tuổi có thể mất đến 6 tháng để trở lại bình thường sau khi được gây mê trong phẫu thuật. Cụ thể, bệnh nhân dễ bị một thay đổi nhỏ về năng lực tâm thần, có thể dẫn tới tăng 35% nguy cơ sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể là vì gây mê gây ra tình trạng viêm của các mô thần kinh dẫn tới rối loạn chức năng nhận thức sau phẫu thuật hoặc /và các yếu tố tiền triệu của bệnh Alzheimer như mảng bám β-amyloid.

3. Gây mê thường xuyên khi còn nhỏ có thể dẫn tới các rối loạn phát triển thần kinh

Trẻ em bị gây mê một hoặc nhiều lần trong các phẫu thuật đầu đời có thể dễ bị các rối loạn phát triển thần kinh.

Một nghiên cứu năm 2012 trên tờ Pediatrics cho biết trẻ phải gây mê phẫu thuật trước 3 tuổi tăng gấp đôi nguy cơ bị giảm khả năng học tập, bao gồm thiếu hụt về phát triển ngôn ngữ kéo dài và lập luận trước tuổi lên 10. Tuy nhiên, không thấy sự khác biệt về hành vi, theo dõi bằng mắt, sự chú ý, chức năng vận động thô hoặc tinh. Điều này cho thấy không phải tất cả các khía cạnh nhận thức đều bị ảnh hưởng bởi gây mê theo cách giống nhau.

4. Gây mê không phải là đi ngủ

Bác sĩ gây mê thường nói với bệnh nhân rằng họ sẽ chìm vào giấc ngủ nhưng sự thật là họ đang được đặt vào tình trạng hôn mê có thể phục hồi. Các nhà nghiên cứu thấy rằng não bị gây mê hoàn toàn không khác với mất ý thức sâu, hoạt động não thấp được thấy ở bệnh nhân hôn mê so với người ngủ, theo một nghiên cứu năm 2010 trên tờ New England Journal of Medicine. Các trạng thái này thể hiện những vùng não có cơ chế kết nối chung như võ não, nằm ở phía ngoài của não và đồi thị nằm ở trung tâm não. Những khu vực này thông tin với nhau để quyết định hoạt động não ở bệnh nhân gây mê.

5. Bạn có thể tỉnh dậy trong khi phẫu thuật

Bệnh nhân gây mê có thể thức dậy trong khi phẫu thuật, còn gọi là “nhận thức trong lúc gây mê”. Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi bệnh nhân có thể nhớ lại hoàn cảnh hoặc sự kiện, như áp lực hoặc đau, liên quan đến phẫu thuật trong khi gây mê. Tuy nhiên, các phẫu thuật viên sử dụng các thiết bị theo dõi não để đánh giá tri giác của bệnh nhân như một phương tiện để giảm nguy cơ xảy ra tình trạng này.

6. Một số người có phản ứng dị ứng hiếm với thuốc gây mê

Bệnh nhân có thể bị những phản ứng dị ứng có khả năng gây tử vong khi hít thuốc gây mê, được gọi là tăng thân nhiệt ác tính, ngay cả khi họ không có tiền sử phản ứng trước đó. MedlinePlus báo cáo rằng bệnh này, được di truyền trong gia đình, khiến thân nhiệt tăng nhanh chóng và co thắt cơ nghiêm trọng khi bệnh nhân hít thuốc gây mê. Bệnh nhân cũng có thể bị xuất huyết, nước tiểu màu nâu sẫm và đau nhức cơ không có nguyên nhân rõ ràng.

7. Người tóc hung không cần nhiều thuốc gây mê hơn

Những người tóc hung trước gây được cho là cần liều thuốc gây mê cao hơn do có gen đặc hiệu gọi là thụ thể melanocortin-1(MC1R). Loại gen này được tin là làm giảm sự nhạy cảm của bệnh nhân với thuốc gây mê, cho tới khi một nghiên cứu năm 2012 trên tờ Anaesthesia and Intensive Care chứng minh khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy không có sự khác biệt trong quá trình gây mê, đau POCD, nôn và buồn nôn hoặc chất lượng phục hồi chung ở người tóc hung và tóc sẫm hơn.

8. Những người hút thuốc có thể cần liều gây mê cao hơn những người không hút thuốc

Những người hút thuốc và những người hít khói thuốc lá do người khác hút có thể cần nhiều thuốc gây mê hơn trong khi phẫu thuật. Một nghiên cứu gần đây được trình bày trong Hội thảo của Hội Gây mê châu Âu tổ chức ở Berlin, Đức năm 2015 chỉ ra rằng những phụ nữ hút thuốc cần nhiều thuốc gây mê hơn 38% so với những người không hút và 17% so với người hít khói thuốc lá thụ động. Khói thuốc được biết là gây rối loạn chức năng hô hấp trong khi gây mê, làm cản trở khả năng dung nạp thuốc giảm đau của bệnh nhân.


BS Cẩm Tú
Ý kiến của bạn
Tags: