Gây đông máu khiến biến thể Delta càng trở nên nguy hiểm

27-08-2021 07:30 | Vaccine

SKĐS - Một trong những nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người bệnh COVID-19 là biến chứng Huyết khối - Tắc mạch (cục máu đông) do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Biến thể Delta dễ bị tiêu diệt hơn ở người đã tiêm vaccineBiến thể Delta dễ bị tiêu diệt hơn ở người đã tiêm vaccine

SKĐS - Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta nguy hiểm đang có xu hướng lây lan khắp toàn cầu gây nên nhiều biến chứng kèm theo. Tuy vậy, nếu hầu hết (lý tưởng là toàn bộ) các đối tượng trong diện chỉ định được tiêm vaccine thì biến thể Delta sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn ở người đã tiêm vaccine.

Sự nguy hiểm của biến thể Delta

Theo một kết quả nghiên cứu mới đây của cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS - CoV-2. Tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa có thể là lây lan nhanh, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện.

Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh cao hơn gấp 1,6 lần so với biến thể Alpha và cao hơn gấp 2 lần so với phiên bản gốc và có thời gian ủ bệnh ngắn từ 2-4 ngày so với các biến thể khác từ 5-7 ngày.

Biến thể Delta là nguyên nhân hàng đầu khiến dịch lây lan nhanh tại các nước châu Á, thậm chí là các nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine lớn như Anh, Mỹ, Israel… Là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực ngăn chặn đại dịch tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Biến thể Delta không chỉ có tốc độ lây nhiễm nhanh mà còn có khả năng kháng miễn dịch, kể cả miễn dịch tự nhiên và miễn dịch từ vaccine, làm tăng tỷ lệ xuất hiện cục máu đông, dẫn tới tử vong nhanh ở người bệnh COVID-19.

Gây đông máu khiến biến thể Delta càng trở nên nguy hiểm - Ảnh 2.

Biến chứng cục máu đông gây tử vong nhanh ở người bệnh COVID-19.

Sự nguy hiểm của cục máu đông

GS. TS. Nguyễn Gia Bình Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ chuyên môn Chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch cho biết: Cơ chế hình thành cục máu đông ở người bệnh COVID-19 là do có 2 cơ chế gây ra:

- Một là kích hoạt các chất gây viêm rất mạnh phát động quá trình đông máu trong lòng mạch (bình thường máu trong lòng mạch luôn ở trong trạng thái lỏng).

- Hai là virus tấn công các tế bào nội mô làm mất lớp bảo vệ và mất chất chống đông ở đó. Sự kết hợp giữa phản ứng viêm và cơ chế đông máu của tế bào nội mô làm hình thành các cục huyết khối.

Các cục huyết khối lớn dần lên gây tắc mạch hoặc di chuyển đến bất cứ nơi nào theo dòng chảy của máu, tới mạch máu có đường kính nhỏ hơn kích thước của nó sẽ gây nghẽn mạch. Thật sự rất nguy hiểm khi nó di chuyển tới mạch máu não gây đột quỵ não, tới tim gây đột quỵ tim… và có thể cướp đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào mà không hề báo trước.

Các cục máu đông có thể xuất phát từ các tĩnh mạch sâu (chi dưới, ổ bụng) di chuyển đến phổi gây nhồi máu phổi, mặt khác cục máu đông hình thành ngay tại phổi (động mạc tiểu phế quản đến, mao mạch xung quanh phế nang, tĩnh mạch phổi) ngăn máu lưu thông và cản trở quá trình trao đổi oxy giữa nhu mô phổi và mạch máu, gây tình trạng thiếu oxy trong máu, phù phổi, chảy máu.

Cục máu đông xuất hiện tại tĩnh mạch phổi theo dòng máu đi đến các động mạch gây nhồi máu nhiều nơi (não, mắt, tim, mạc treo, thận hoặc chân tay) có thể gây tử vong sớm hoặc di chứng nặng nề.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đông máu là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh COVID-19 bị kiệt sức nhanh chóng và gây mất oxy trong máu nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

Một nghiên cứu của Anh gần đây cho thấy, những người nhiễm virus SARS CoV-2 có nguy cơ hình thành cục máu đông cao gấp 100 lần người thường. Huyết khối động mạch có thể xảy ra ở khoảng 4% những người bị bệnh nặng do COVID-19.

Đông máu là biến chứng nghiêm trọng không thể coi thường đối với những người nhiễm COVID-19. Do vậy, trong phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 thường có thêm thuốc phòng ngừa đông máu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông là tuổi cao, người ít vận động, tình trạng cơ thể thừa cân béo phì, người bệnh COVID-19 nặng… Những người người có hệ miễn dịch nhạy cảm, dễ dị ứng cũng dễ hình thành cục máu đông.

Gây đông máu khiến biến thể Delta càng trở nên nguy hiểm - Ảnh 4.

Tiêm phòng vaccine COVID-19 là "lá chắn" đầu tiên để bảo vệ khỏi lây nhiễm.

Tiêm vaccine để phòng ngừa lây nhiễm bệnh

Biến thể Delta không chỉ gây tử vong ở người cao tuổi và người có bệnh nền, mà còn làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong ở những người trẻ, nhất là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Do vậy, vaccine phòng COVID-19 là "lá chắn" đầu tiên để bảo vệ khỏi lây nhiễm. Các loại vaccine được WHO phê duyệt đều có khả năng bảo vệ, ngăn chặn bệnh diễn biến nặng và tử vong do biến thể Delta.

Dự phòng bằng vaccine là biện pháp phòng ngừa chủ động nhất, toàn diện nhất. Theo các nghiên cứu hiện nay, nếu chúng ta hoàn tất các liệu trình tiêm chủng 2 mũi và có đủ thời gian để phát huy hiệu quả bảo vệ cơ thể thì 100% là không có tử vong và 90% là không bị biến chứng nặng.

Những người đã tiêm nếu mắc COVID-19 chỉ có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không có biểu hiện bệnh. Đây là lợi ích vô cùng lớn của việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Vì vậy, người dân hãy tiêm bất kể vaccine phòng COVID-19 nào khi mình đến lượt.

Mời độc giả xem thêm video:

Tô Anh
Ý kiến của bạn