(Trần Văn Mui - Long An)
Về mặt giải phẫu thì cổ xương đùi là phần tiếp nối giữa thân xương đùi và chỏm, cấu trúc của đoạn này rất đặc biệt để chịu đựng sức nặng đè ép của cơ thể trong nhiều chục năm (ở đây có 3 bè xương đan chéo nhau, tuy nhiên cũng có điểm yếu nhất giữa các bè xương). Chỗ yếu ở cổ xương đùi này dễ bị gãy nếu có lực tác động lớn. Có hai cơ chế làm gãy: trực tiếp (đập mạnh vào vùng cổ xương đùi, ít gặp) và gián tiếp (khi té ngã, bàn chân hoặc đầu gối đập xuống nền ở tư thế khép, lúc này trọng lực cơ thể từ trên tác động vào cùng với phản lực ngược từ dưới lên).
Ở người lớn tuổi hay có tình trạng loãng xương nên vị trí chỗ yếu này càng yếu hơn, chỉ cần một lực tác động rất nhỏ cũng có thể gây gãy xương. Người lớn tuổi chủ yếu bị gãy cổ xương đùi trong tai nạn sinh hoạt: trượt té trong nhà tắm, vấp chân té do bậc thang, vấp té do vướng vào ống quần dài, ngã té do đứng trên ghế… hoặc do tai nạn giao thông. Nguy cơ nhiều hơn khi tầm nhìn của mắt hạn chế, phản xạ chậm…
Ở người trẻ cũng có thể bị gãy cổ xương đùi dù ít gặp hơn. Ngoài chấn thương do tai nạn, người ta ghi nhận những vận động viên chạy cự ly dài, khiêu vũ ba lê có nguy cơ đặc biệt bị gãy cổ xương đùi như người lớn tuổi do sức nặng dồn lên vùng này. Ngoài ra, cũng có những yếu tố khác như: cân nặng, điều trị phóng xạ, ít vận động, cân bằng kém hoặc sai lầm trong huấn luyện điền kinh (tăng cường độ và sức nặng bất ngờ).
Xác định chắc chắn gãy cổ xương đùi bằng phim chụp X-quang thẳng và nghiêng, qua đó cũng đánh giá được mức độ gãy cũng như di lệch. Tùy thuộc bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn, có thể phát hiện ra một số biến chứng.