Đó là nhà báo Trần Ngọc Kha - phóng viên mảng y tế của báo Đại Đoàn Kết. Với bức ảnh Người có đôi bàn tay vàng dự thi, nhà báo Trần Ngọc Kha đã được Ban Tổ chức trao giải Ba trong cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ Y tế tổ chức. Không chỉ cây bút, cuốn sách, với anh, chiếc máy ảnh cũng là người bạn đồng hành không thể thiếu trong suốt chặng đường làm báo đầy sôi nổi và ý nghĩa của anh.
Nhà báo Trần Ngọc Kha chia sẻ, bức ảnh Người có đôi bàn tay vàng của anh có “lịch sử” ra đời rất đặc biệt. Trước đó anh biết rằng, vào sáng 22/1/2016, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ có sự kiện là đón em bé được mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam chào đời. Nhà báo Trần Ngọc Kha nhận thấy đây là sự kiện vô cùng quan trọng, là bước tiến pháp lý, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành y nước nhà. Với nhạy bén của một người làm nghề, nhà báo Kha đã chuẩn bị rất kỹ cho lần tác nghiệp này.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến và em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ - bức ảnh đoạt giải Ba của tác giả Trần Ngọc Kha.
Gần 5h sáng ngày 22/1, khi cả Hà Nội vẫn chìm trong cơn giá lạnh ngày đông, anh Kha đã dắt xe ra khỏi nhà để lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chờ khoảnh khắc đặc biệt để tác nghiệp. Khi lên đến nơi anh đã thấy một kíp truyền hình có mặt với máy quay sẵn sàng. Gần 10 phút sau, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến đến. Ông là người mổ đưa em bé ra khỏi bụng sản phụ ở tuần thai thứ 38. Vì đó là ca sinh mổ nên sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong ít phút thôi các nhà báo có mặt ở đó đã thấy Thứ trưởng Tiến bế em bé trên tay. Trong khoảnh khắc ấy, nhà báo Kha bấm máy lia lịa, vì nếu không thao tác kịp thì khoảnh khắc quan trọng nhất và đẹp nhất sẽ vụt trôi.
Bức ảnh mà nhà báo Trần Ngọc Kha đoạt giải là khoảnh khắc Thứ trưởng Tiến bế em bé trên tay rất viên mãn, thư thái. Chộp được khoảnh khắc đó, ngay trong đầu anh Kha đã hiện lên dòng title: Người có đôi bàn tay vàng.
Anh chia sẻ: “Em bé được Thứ trưởng Tiến trực tiếp mổ đẻ và bế trên tay là con của một đôi vợ chồng hiếm muộn, lấy nhau 18 năm, giờ mới được ôm đứa con ruột thịt trong niềm xúc động khôn tả. Tôi thấy khoảnh khắc mà Thứ trưởng Tiến ôm em bé rất nhân văn và ở ông toát lên lửa yêu nghề cháy bỏng, nên cú “bấm máy” của tôi xuất phát từ đó. Và bây giờ, vợ chồng chị đang đón nhận “trái ngọt” từ đôi bàn tay của vị giáo sư - tiến sĩ đáng kính, nhà báo Kha cho biết.
Nhà báo Trần Ngọc Kha.
Nói về bức ảnh đoạt giải của nhà báo Trần Ngọc Kha, bà Đỗ Ngọc - thành viên Hội đồng Giám khảo cho biết: “Tôi đánh giá cao khoảnh khắc bấm máy và kỹ thuật của người chụp. Đây là tác phẩm có tính báo chí cao, ghi nhận được cảm xúc của con người, cảm xúc lịch sử”.
Khi được tin Bộ Y tế tổ chức Cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân”, nhà báo Kha đã gửi một số tác phẩm tham gia dự thi, trong đó có tác phẩm Người có đôi bàn tay vàng. Cho đến khi Ban Tổ chức thông báo tác phẩm của anh đã đoạt giải, mà là giải cao trong cuộc thi, bản thân anh thấy rất vui và xúc động. Bởi anh hiểu, cú bấm máy của mình đã nhận được sự đồng cảm của người xem, của Ban Giám khảo.
Nhà báo Trần Ngọc Kha chia sẻ, khi về báo Đại Đoàn Kết, anh làm ở mảng đưa tin, viết bài về lĩnh vực y tế. Anh bảo, bao năm làm mảng điều tra pháp luật đã giúp anh có được kinh nghiệm làm nghề, rất logic và chuẩn mực. Khi sang mảng y tế, anh thấy đây là mảng công việc rất đặc thù với những người bác sĩ, dược sĩ đầy ắp tính nhân văn. Các bác sĩ yêu người bệnh, họ không quản khó khăn, vất vả, gác mọi lo toan cuộc sống sang một bên để gần gụi, chăm sóc người bệnh. Với những người dược sĩ - anh cảm nhận được đó là những người có chuyên môn cao, công việc của họ luôn lặng lẽ, âm thầm để làm ra những viên thuốc mang lại sức khỏe cho nhân dân... Chính sự nhân văn đó của các bác sĩ - dược sĩ... đã khiến anh có tâm thế hân hoan và cũng đầy tự hào để làm nghề.