Năm 2012, bức ảnh Em bé napalm của Nick Út, tức Huỳnh Công Út, phóng viên ảnh của Hãng AP - Mỹ (giải World Press Photo và Pulitzer năm 1973) tròn 40 năm “chào đời”. Nhân dịp này, hãng truyền hình lớn nhất của Mỹ - ABC News và Hãng AP cùng làm một bộ phim phóng sự về cuộc đời Nick Út và hành trình bức ảnh. Ông có cơ hội trở về thăm lại những địa danh Việt Nam từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
“Vietnam napalm girl”- Em bé napalm
PV: Thưa ông, 40 năm sau bức ảnh Em bé Napalm, đoàn làm phim AP, ABC News muốn điều gì ở Nick Út và bức ảnh?
Nick Út:Trước tiên, tôi không được phép tiết lộ nội dung cuốn phim, bạn sẽ biết khi tháng 5/2012 nó được phát sóng trên các kênh chính thức của ABC News. Đoàn làm phim AP có hai phóng viên, một quay phim và một nhà báo phỏng vấn, ngoài ra còn có thêm 24 người là giáo viên và học sinh của Trường phổ thông Santa Barbara (Mỹ). Họ không chỉ muốn tôi kể lại hoàn cảnh chụp khoảnh khắc Em bé napalm - Phan Thị Kim Phúc hoảng loạn trước sự hủy diệt của bom napalm, mà còn muốn ghi lại những hình ảnh mang đậm dấu ấn hòa bình ở Việt Nam, ở những vùng chiến tranh đã đi qua một cách khốc liệt trong quá khứ. Họ đã theo chân tôi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM, tới Trảng Bàng, Tây Ninh, quê hương của Em bé napalm. Bộ phim tài liệu của ABC News, mang tên Bức ảnh cô bé bom napalm.
PV: Ông có thể kể vắn tắt về diễn tiến bức ảnh Em bé napalm ra đời như thế nào và “hành trình” của nó trong 40 năm qua?
![]() Tác giả Nick Út và chị Kim Phúc hiện nay. |
Ông tên là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An. 16 tuổi là phóng viên chiến trường của Associated Press (AP)- Mỹ tại Sài Gòn. Bức ảnh “Vietnam Napalm Girl”- Em bé napalm, đã mang đến cho ông vinh quang trong sự nghiệp khi ông 20 tuổi. Hiện tại, ông đang làm việc cho AP, trụ sở ở Los Angeles, California, Mỹ. |
Bức ảnh sau đó đoạt giải World Press Photo, Oversea Press Club. 1 năm sau, năm 1973, bức ảnh lại đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác. Năm 2005, bức ảnh này được tôn vinh là một trong 10 bức ảnh báo chí đáng ghi nhớ nhất trong vòng 50 năm qua của Tổ chức Nhiếp ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo). Bức ảnh cũng được xếp thứ 41/100 bức hình có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia, Mỹ bình chọn.
PV: Bức ảnh có ảnh hưởng như thế nào với sự nghiệp của ông?
Nick Út: Năm 1972, tôi chụp được bức ảnh ấy, nó đã đem lại tất cả cho tôi. Bức hình đó đã góp phần phản ánh trung thực cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại Việt Nam nên nổi tiếng. Tới nay, tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhiều người gặp tôi và họ rất cảm động, ôm tôi khóc. Và cứ nói đến Nick Út là mọi người đều nghĩ tới bức ảnh Em bé napalm. Sự nghiệp của tôi cũng trở nên “hanh thông”, cho tới bây giờ, tôi đã làm việc tại Hãng AP 46 năm, là thành viên thuộc loại lâu năm nhất của hãng hiện còn làm việc.
Sứ giả của hòa bình
PV: Khi ông chụp bức ảnh này, ông có nghĩ là nó sẽ trở thành một bằng chứng mạnh mẽ lên án chiến tranh, và ông trở thành một sứ giả của hòa bình?
Nick Út: Người Mỹ nói đây bức ảnh kêu gọi hòa bình. Bức ảnh được đăng trong vòng 2 ngày thì làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh mà Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam rất lớn.
Nói về chụp ảnh cuộc chiến Việt Nam bắt tôi suy nghĩ hoài. Nhiều ảnh chụp xong, nhìn lại, muốn khóc. Tất cả là sự hoang tàn đổ nát, là những cái chết thương tâm, là sự đau đớn của mất mát, chia ly.
Sau những bức ảnh chụp là một bằng chứng về cuộc chiến tranh, là một lời lên án chiến tranh. Những bức ảnh chiến trận thì nhiều lắm, nhưng phần lớn là những cảnh tàn phá của cuộc chiến ở các xóm làng Việt Nam. Những bức ảnh không cần ngôn ngữ vẫn làm rung động những trái tim yêu hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam.
PV: Chiến tranh Việt Nam đã thuộc về quá khứ 37 năm qua, nhưng điều gì làm ông ám ảnh nhất về cuộc chiến này trong sự nghiệp phóng viên chiến trường của ông ở Việt Nam?
Nick Út: Trong số những bức ảnh của tôi, có nhiều bức tôi chụp về sự tàn phá của những nơi lính Mỹ đi qua, cũng như có rất nhiều ảnh chụp lại những cái chết của lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Sự chết chóc bi thảm của những người dân Việt hiền lành, chỉ biết trồng lúa, nuôi gà vịt… ở những vùng quê yên bình, những cái chết phi lý buồn thảm của những người lính Mỹ trên đất Việt, sự hủy diệt đến tận cùng từng ngọn cỏ của bom đạn, là máu, thịt khói bom đạn trộn lẫn… Tất cả vẫn luôn ám ảnh. Cho đến bây giờ, đôi khi nghe tiếng máy bay dân dụng bay qua nhà (ở Mỹ), tôi cũng giật mình phóng từ trên giường xuống đất, y như phản xạ hồi chiến tranh.
PV: Ông đã từng ở vòng ngoài Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ của Quân giải phóng, năm 1972. Lúc đó ông nghĩ thế nào về những đồng nghiệp “Việt Cộng” đang tác nghiệp trong Thành cổ?
Nick Út: Chúng tôi ngày ấy gần như rất muốn vào bên trong để tiếp cận cuộc chiến mong có được sự thật, chúng tôi không tin hệ thống truyền thông của quân đội Sài Gòn. Nhưng Thành cổ đã được Quân giải phóng làm chủ, mà chúng tôi lại thuộc về “đối phương”, nên chúng tôi chỉ có thể “ngóng” tin ở phía ngoài. Lúc đó, chúng tôi thèm khát có được những bức ảnh mà phóng viên “Việt Cộng” chụp được từ bên trong. Chúng tôi khâm phục họ, bởi biết họ đã phải rất khó khăn, thậm chí mỗi cuộn phim chụp là thấm máu của đồng đội họ.
![]() Bức ảnh “Em bé napalm”. Ảnh: Huỳnh Công Út |
PV:
Có khi nào ông ghen tị với họ? Và khi gặp nhau, ông có mang cảm giác “bên này”- “bên kia” hay “đối phương”- “địch thủ”?
Nick Út: Tôi có xem rất nhiều ảnh của các anh “Việt Cộng” và rất thích, ví dụ như anh Đoàn Công Tính, anh Văn Bảo, rồi anh Hoàng Mai, Mai Nam, Lê Minh Trường… Ảnh các anh ấy chụp rất đẹp.
Cái ghen của tôi và đồng nghiệp cùng là phóng viên chiến trường với các đồng nghiệp “Việt Cộng” là ghen với những bức ảnh các anh ấy chụp trong hoàn cảnh khó khăn mà vẫn ra được những bức ảnh báo chí cực kỳ xuất sắc, mà chúng tôi chỉ có mơ, không thể có được. Còn khoảng cách “bên này”- “bên kia”, hay “đối phương”- “đối thủ” hoàn toàn không có, kể từ năm 1975. Và sau này, giữa chúng tôi là mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết.
Cũng có thể khoe, tôi và anh Đoàn Công Tính đang lên dự án sẽ cùng làm chung một cuốn sách ảnh về Chiến tranh & Hòa bình, có thể thực hiện triển lãm ảnh cùng tên ở Việt Nam trong năm nay.
Tôi sẽ chụp Việt Nam trong hòa bình
PV: Những bức ảnh ông chụp Việt Nam sau chiến tranh, rất hiền hòa, rất bình yên và có cả lãng mạn... Có thể hiểu điều đó như thế nào với một phóng viên ảnh chiến trường như ông?
Nick Út: Đã trải nghiệm quá nhiều sự chết chóc của chiến tranh Việt Nam. Lại thêm hiện tại hằng ngày đọc, xem những tin thế giới, chỗ này chỗ kia xung đột “đẫm máu”… Những ám ảnh về chiến tranh vẫn chảy trong tôi, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Nhưng tôi đã đến tuổi, không thể cứ mãi xông vào khói lửa đạn bom. Với Việt Nam, quê hương của tôi, ngay cả lúc còn chiến tranh, tôi vẫn muốn chụp những bức ảnh về sự thanh bình, hiền hòa của quê hương - con người. Vậy tại sao tôi lại không chụp cảnh Việt Nam trong hòa bình, để thấy giá trị của hòa bình.
Tôi sẽ chụp nhiều nữa một Việt Nam hòa bình và không chỉ cho riêng tôi mà còn giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Việt Nam sẽ là nơi tôi sống khi về hưu và sống đến cuối cuộc đời.
Hoài Hương (thực hiện)