Trong những ngày tháng 4 lịch sử kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng miền Nam, được gặp những người lính phi đội Quyết Thắng, nhân chứng sống của trận không kích lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày nào, giờ họ đã bước sang độ tuổi thất thập cổ lai hy, trở về bình dị với cuộc sống đời thường nhưng vẫn luôn khiến chúng ta trân trọng và nể phục.
Chiến công anh hùng
Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng và trao đổi qua điện thoại với Đại tá Từ Đễ (con trai giáo sư Từ Giấy - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia) ở phía Nam vào một ngày đầu hè nắng rực. Cuộc hội ngộ xúc động của những cựu chiến binh - những nhân chứng lịch sử vẫn đầy ắp tình cảm và ký ức về trận không kích thần tốc. Đại tá Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng Phi đội Quyết Thắng nói với chúng tôi rành rọt về diễn biến của trận chiến như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua:
Chiều ngày 22/4/1975, phi công: Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ thuộc Phi đội 4, Trung đoàn 923 nhận lệnh di chuyển bằng máy bay vận tải quân sự từ Sân bay Gia Lâm vào Sân bay Đà Nẵng. 17h chiều cùng ngày, máy bay hạ cánh xuống Sân bay Đà Nẵng.
Phi đội Quyết Thắng năm xưa.
Sáng ngày 23/4/1975, bắt đầu học lý thuyết chuyển loại điều khiển máy bay. Ngày 25/4, thực hành lái chuyển loại máy bay. Tới tối ngày 25, phi công Nguyễn Thành Trung được điều động về đội bay. Nguyễn Thành Trung đã từng điều khiển máy bay A37 một khoảng thời gian trước đó nên bỏ qua thời gian học bay lý thuyết và bước vào phục hồi bay cùng anh em từ ngày 26.
Tới trưa ngày 27/4/1975, kết thúc học chuyển đổi thực hành bay (chỉ 2 ngày rưỡi từ 25 đến trưa ngày 27), mỗi người chỉ được bay thực hành 2 tới 3 lần. Chiều cùng ngày, phi đội nhận lệnh cơ động di chuyển vào Sân bay Phù Cát. Khoảng 16h, phi đội có mặt và bộ phận kỹ thuật đã chuẩn bị 5 máy bay tại Sân bay Phù Cát. Trần Văn On và Trần Ngọc Xanh là 2 phi công của địch được ta cảm hóa, nhận nhiệm vụ bay thử 5 chiếc máy bay A37. Quá trình bay thử đã thành công như mong đợi.
9h30’ ngày 28/4/1975, phi đội nhận lệnh cơ động chuyển từ Sân bay Phù Cát về Sân bay Phan Rang. Tại đây, phi đội được giao nhiệm vụ nghiên cứu 6 mục tiêu: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Nha cảnh sát, tòa Đại sứ quán Mỹ, Kho xăng dầu Nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối cùng, Sân bay Tân Sơn Nhất được lựa chọn bởi đó là mục tiêu lớn, dễ phát hiện từ xa, dễ triển khai đội hình không kích, tránh thương vong cho người dân và đổ nát cho Sài Gòn, đồng thời khiến cho địch hoang mang, hoảng loạn vì bị mất sân bay lớn.
14h26’ ngày 28/4/1975, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất và tuyên bố phi đội 4, Trung đoàn 923 từ giờ phút đó chính thức mang tên: Phi đội Quyết Thắng.
16h15’ ngày 28/4, phi đội được lệnh xuất kích tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất gồm 5 máy bay và 6 phi công theo đúng đội hình (Nguyễn Thành Trung bay số 1 làm nhiệm vụ dẫn đường, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Văn Lục bay số 3 đồng thời chỉ huy Phi đội, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On (cùng lái 1 máy bay) bay số 4, Hán Văn Quảng bay số 5).
Khi cách Sân bay Tân Sơn Nhất 20km, tất cả phi đội đã phát hiện ra mục tiêu. Toàn Phi đội triển khai đội hình chiến đấu cách nhau 600-800m và lên độ cao 2.000m. Đến đúng vị trí oanh kích, từng chiếc bổ nhào không kích. Toàn bộ thời gian không kích chỉ diễn ra trong vòng 2 - 3 phút.
Đến 18h15’ ngày 28/4/1975, toàn phi đội hạ cánh xuống Sân bay Phan Rang an toàn, hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc không kích đã phá hủy 25 chiếc máy bay các loại cùng nhiều kho tàng xăng và vũ khí các loại của địch.
Khóa học điều khiển máy bay 4 ngày “thần tốc” trong lịch sử
Đại tá Nguyễn Văn Lục vẫn không khỏi bồi hồi khi nghĩ lại quãng thời gian học chuyển đổi bay siêu tốc chỉ 4 ngày (từ ngày 23/4/1975 tới trưa ngày 27/4/1975, trong đó có 1,5 ngày học lý thuyết và 2,5 ngày học thực hành bay) như một sự thần kỳ. Bình thường, nếu học chuyển đổi từ loại máy bay này sang máy bay khác, các phi công trên thế giới phải mất 6 tháng mới có thể tự tin cầm lái. Chúng tôi được huấn luyện và chiến đấu trước đó hàng chục năm bằng loại máy bay MIG17 của Liên Xô nên khi chuyển loại sang máy bay A37 của Mỹ là cả một thử thách không hề nhỏ. Chỉ đơn cử như toàn bộ hệ thống điều khiển sử dụng tiếng Anh, hoàn toàn lạ lẫm với tiếng Nga mà chúng tôi được đào tạo; hệ thống lái rất khác nhau, nếu máy bay MIG17 của Liên Xô phanh bằng tay thì máy bay A37 của Mỹ phanh bằng chân. Lái máy bay Liên Xô suốt thời gian dài đã trở thành phản xạ và khi chuyển sang máy bay Mỹ, nếu không nhanh và chỉ một chút nhầm lẫn, người phi công không những phải trả bằng mạng sống của mình mà thất bại của họ sẽ kéo theo tổn thất không kể hết trong một trận chiến lịch sử như vậy.
Nhưng cái khó ló cái khôn, các phi công yêu cầu 2 phi công ngụy được ta cảm hóa (gồm phi công Trần Văn On và Trần Ngọc Xanh) dịch ra tiếng Việt và dán đè lên các chữ tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng chỉ dán đè lên được một số công tắc chủ chốt quan trọng, không thể dán hết được các công tắc bởi chẳng có đủ chỗ và nút thì dày đặc.
Một chuyện nữa giờ mới kể, đó là vì thời gian rất gấp nên bộ phận kỹ thuật chuẩn bị 2 chiếc máy bay để bay thử huấn luyện nhưng khi phi công Nguyễn Văn Lục thực hành lái, chưa kịp cất cánh đã phát hiện ra máy bay hỏng và rốt cuộc, chỉ còn lại 1 chiếc cho 5 anh em thay phiên nhau bay thử. Mỗi người được bay thử 2 hoặc 3 chuyến (tổng thời gian bay cho mỗi phi công chỉ vỏn vẹn từ 1,5h tới 2h). Trưa ngày 27 kết thúc bay thử thì ngay hôm sau, ngày 28, mỗi anh em 1 máy bay đã bước vào trận chiến.
Chiến thắng bởi thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Chia sẻ về nguyên nhân thành công của Phi đội Quyết Thắng, Đại tá Từ Đễ cười: Là do thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nên dù có ai bên ta lẫn bên địch cản trở thì đều không thành công.
Đại tá Từ Đễ cho biết, Phi đội lựa chọn đường bay dọc bờ biển tới ngã 3 sông Sài Gòn rồi hướng vào Sân bay Tân Sơn Nhất là một sự khôn khéo. Đây là đường bay mà địch vẫn sử dụng hàng ngày và sẽ làm cho chúng không thể xác định đâu là ta, đâu là địch. Theo kế hoạch, lượt đi Phi đội sẽ bay ở độ cao 2.000m để địch khó phát hiện bằng hệ thống rada, nhưng do thời tiết xấu nên cả Phi đội phải giảm độ bay xuống cách mặt đất 300-500m. Vì vậy, nguy cơ bị bắn hạ bởi chính bộ đội pháo binh của ta và lượng dầu sẽ bị tiêu hao gấp nhiều lần. Quả đúng như lo lắng, trong suốt lượt đi và về, nhiều loạt đạn của đơn vị bộ đội pháo phòng không của ta đã tưởng nhầm và bắn hướng vào Phi đoàn. Một trong số đó có Tiểu đoàn bộ đội địa phương 602 tỉnh Ninh Thuận dùng toàn bộ lực lượng pháo 37 và súng máy 12 li 8 bắn vào Phi đội. Nhưng thật may mắn, cả Phi đội không bị trúng phát nào.
Phi đội bay Quyết Thắng đã chiến đấu đúng như nhiệm vụ truyền thống của Trung đoàn 923, đó là: “Tự đi, tự tìm, tự diệt, tự về”.
Đại tá Từ Đễ cho biết thêm, cái khó của Phi đội khi đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất là phải xác định đúng mục tiêu để ném bom mà vẫn phải đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ trong trại David - trại quân sự của ta ngay trong sân bay của địch, chỉ cách sân bay có 300m.
Một yêu cầu nữa là không được ném bom trúng đường bay bởi chúng ta vẫn có truyền thống nhân đạo, để lại cho địch một đường rút và đồng thời cũng là giảm đi thương vong cho dân chúng sẽ bị quân địch bần cùng phản kháng khi bị vây bắt. Đây cũng là một nét khẳng định nghệ thuật quân sự vừa nhân văn, vừa chiến thuật của ta.
Chúng tôi đã rất ấn tượng với chất giọng trẻ trung, vui vẻ của Đại tá Từ Đễ khi nói chuyện với ông. Ông cho biết, cơ duyên ông được tuyển vào phi công là điều tất nhiên. Ông cười thoải mái và tự tin bảo, từ nhỏ, ông đã được nuôi bằng chế độ dinh dưỡng rất tốt nên cao tới 1m75. Thân sinh ông là GS. Từ Giấy - nguyên là bác sĩ chăm lo sức khỏe cho bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong kháng chiến chống Mỹ và còn là chủ bút báo Vui sống nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, có 30.000 bản/kì trong khi báo khác chỉ có 3.000 bản.
Mắt ngấn lệ, giọng nghẹn ngào, Đại tá Hán Văn Quảng kể lại những cảm xúc được tiếp nhận lệnh khẩn cấp chiến đấu tại Sân bay Sài Gòn: “Trong cuộc chiến khốc liệt này, tôi và tất cả mọi người đều biết rằng, trên đất nước của mình, không có gia đình nào không phải chịu hy sinh tổn thất và tất thảy mọi người đều mong muốn được kết thúc sớm cuộc chiến này. Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều ngày 27/4/1975, khi đang tắm trong phòng, có lệnh khẩn di chuyển Phi đội sang Sân bay Phù Cát, vội vàng lấy bộ quần áo ướt chưa kịp giũ vào cái xô tự hàn, nước vẫn nhỏ ròng ròng và cho cả xô lên máy bay. Khi tới nơi, chúng tôi đã háo hức chạy ra ngay để xem, để sờ vào chiếc máy bay mình sẽ được chiến đấu.
Với tôi, khi được nhận nhiệm vụ đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất, tức là đánh địch từ thế trên cao, dội xuống từ trên đỉnh đầu bọn chúng bằng chính những vũ khí, bom đạn tối tân của bọn chúng, đó là một niềm vinh dự và tự hào. Trận đánh của Phi đội Quyết Thắng có ý nghĩa rất lớn. Đây chính là cánh quân thứ 6 đánh từ trên cao xuống. Trận đánh này khiến cho 3.000 cố vấn quân sự của địch phải hoảng sợ và rút chạy. Chúng định biến Sài Gòn thành một đống đổ nát và thương vong nếu chúng không chiến thắng. Cuộc không kích đã giúp cho địch hoang mang và thất bại, rút lui nhanh chóng. Chiều ngày 28 ta không kích, ngày 29 địch tháo chạy và Sài Gòn tránh được nhiều nhất thương vong, đổ nát.
Giờ khắc 18h15’ ngày 28/4/1975, toàn phi đội hạ cánh xuống Sân bay Phan Rang. Tới suốt cuộc đời, chúng tôi cũng không thể quên. Tất cả những chiếc máy bay đều có đèn báo cạn dầu. Nếu chỉ bay thêm vài phút nữa thôi, máy bay sẽ bị rơi tự do vì hết dầu. Khi hạ cánh, trời đã sẩm tối, mấy anh em còn loay hoay không biết ấn vào đâu để bật đèn pha bởi thời gian huấn luyện quá ngắn. Nhưng bằng kinh nghiệm và lòng quả cảm, cả phi đội đã đáp xuống sân bay an toàn trong vòng tay nồng ấm, hân hoan chào đón của đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri, lãnh đạo quân chủng và đồng chí, đồng đội.
Các cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm với các tác giả.
Mong một sự trọn vẹn với những cựu phi công đời thường
Hơn 30 năm cầm lái trên bầu trời và kinh qua những trận đánh lịch sử, những người lính không quân như những con đại bàng từng chinh phục bầu trời bao la ngày nào, nay đã bước sang độ tuổi thất thập cổ lai hy lại trở về bình dị với cuộc sống đời thường. Khi được ngồi trò chuyện với họ, đâu đó, chúng tôi vẫn mong muốn có một sự tròn vẹn hơn. Tới thời điểm này, những người lính phi công trong trận đánh lịch sử vào Sân bay Tân Sơn Nhất như Đại tá Nguyễn Văn Lục, Đại tá Hán Văn Quảng, Đại tá Từ Đễ vẫn chưa được nhận danh hiệu Anh hùng.
Được biết, mới đây, Nhà nước đã yêu cầu cả Phi đội Quyết Thắng gồm 4 người: Đại tá Nguyễn Văn Lục, Đại tá Hán Văn Quảng, Đại tá Từ Đễ, đồng chí Hoàng Văn Vượng làm hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng. Đến tháng 7, Chủ tịch nước ký quyết định phong danh hiệu Anh hùng cho đồng chí Hoàng Văn Vượng (đã hy sinh năm 1976). Hồ sơ đã được gửi lên các cấp có thẩm quyền.
Đại tá Nguyễn Văn Lục cười hồn hậu: Với tôi, nhiệm vụ lớn nhất bây giờ là trông cháu 7 tháng tuổi và cháu gái 6 tuổi của người con trai duy nhất đang sống cùng tại Hà Nội. Mấy ngày nữa, quân đoàn cũ mời anh em chúng tôi về thăm lại sân bay năm xưa, tôi vui lắm, muốn về lại nơi đã in dấu ấn lịch sử nhiều lắm nhưng phải được bà nó gật đầu miễn cho nhiệm vụ trông cháu thì tôi mới thấy phấn khởi về nguồn. Đại tá cho biết, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục bay cho đến năm 1998. Suốt 33 năm cầm cần lái, khoảng 1.400 giờ bay trong cuộc đời, tới năm 2003, ông mới nghỉ hưu.
Với Đại tá Hán Văn Quảng, niềm vui gần nhất và lớn nhất là tháng 5 này, ông sẽ cùng người vợ (trước kia cũng làm trong quân ngũ) sẽ cùng trở về thăm lại chiến trường xưa. Sau khi kết thúc chiến dịch cũng vẫn tiếp tục cầm lái và cũng chỉ mới nghỉ hưu cách đây vài năm. Hiện giờ, ông cũng có 2 người con: 1 trai, 1 gái đã trưởng thành. Ông đang sống cùng với người con trai tại căn nhà bên Gia Lâm (Hà Nội) và vui với niềm vui con cháu tuổi già.
Còn Đại tá Từ Đễ rất mong muốn được vẽ lại một bức tranh về chiến trường Tân Sơn Nhất xưa kia bằng màu sắc riêng của ký ức và khói bom. Những ngày tới này, được gặp lại đồng đội chiến đấu cũ là một niềm vui vô bờ với ông.
Những mong muốn và niềm vui bình dị từ cuộc sống đời thường của những phi công từng góp phần làm nên chiến thắng vang dội một thời khiến chúng tôi càng cảm thấy tin yêu và kính nể. Họ xứng đáng được phong danh hiệu Anh hùng, không phải một sự đòi hỏi mà đó là lẽ công bằng với lịch sử.
Thanh Loan - Toàn Thắng