Gặp nhau là vui!

25-01-2021 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi nhà thơ lừa... nhà thơ

Hồi tôi ở căn hộ trên tầng hai khu tập thể Láng Trung, thỉnh thoảng, các bạn gái Bảo Chân, Tuyết Nga, Trần Thị Trường, Đoàn Thị Lam Luyến... và đôi khi các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Nho, Bằng Việt... cũng ghé thăm. Hôm đó hình như là đêm Noel, một vài bạn đến nhà tôi từ 9h tối để cùng nhau đi Nhà thờ Lớn xem lễ đón Giáng sinh. Nhưng đợi đến hơn 10h tối mà nhà thơ Trần Đăng Khoa - lúc đó chưa là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - và một bạn gái nữa chưa đến như đã hẹn. Có bạn nói, chắc bọn họ không đến đâu, chúng mình cứ đi thôi. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo cười:

- Trời rét lắm, ra đường bây giờ cũng phát ốm đó, các cậu cứ ngồi yên để tớ trêu mấy nhà thơ quan to giờ này chắc đang nằm ôm vợ, bắt các lão dậy nói chuyện chơi nha.

Cả bọn con gái lè lưỡi, lắc đầu:

- Thôi cụ ơi, mấy vị quan chức, đừng có đùa, nhất là nhà thơ Bộ trưởng, ban ngày trăm thứ việc, đêm vừa ngủ ngon cụ đánh thức dậy nói chuyện tào lao là... không có hay ho gì đâu mà tếu nhá.

Nguyễn Trọng Tạo cười:

- Bà Nhàn cứ bật điện thoại lên cho cả nhà cùng nghe (lúc ấy nhà tôi còn có điện thoại bàn).

Tôi bật máy và cười:

- Bác cứ gọi đi, chúng tôi nghe đây.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mỉm cười bấm số của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (lúc đó), giọng một cháu gái:

- Bố cháu ngủ rồi, có việc gì quan trọng không ạ?

Nguyễn Trọng Tạo nháy mắt với chúng tôi rồi nói giọng Huế rất chuẩn và nghiêm:

- Cháu cứ nói với bố là có bác Điềm, ừ, Nguyễn Khoa Điềm gọi nhé.

Bọn tôi bịt miệng không ai dám cười to. Một lát sau, nghe rõ giọng... hơi ngái ngủ của nhà thơ Hữu Thỉnh:

- Anh Điềm ạ? Anh chưa nghỉ ư? Khuya rồi mà, có việc gì gấp vậy anh?

Ông Tạo cười khà khà, nói giọng ngày thường:

- Không phải Điềm đâu. Tôi phải nói thế con gái mới chịu đánh thức ông dậy chớ! Nguyễn Trọng Tạo đây.

Chủ tịch Hội Nhà văn cười:

- Không có việc gì mà giữa đêm bố khua tôi dậy chỉ để đùa là chết với tôi đó.

- Đùa là đùa thế nào? Ông biết Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ vừa ra Hà Nội chưa? Họ nhờ tôi nói ông cho ở nhờ nhà khách của Hội mấy hôm, nên tôi phải gọi ngay, ông xem thế nào?

Hữu Thỉnh có vẻ tỉnh ngủ hẳn, rất quan tâm:

- Thế họ đang ở chỗ ông hay ở đâu? Cho tôi nói chuyện với ông Tường mấy câu nhé.

Nguyễn Trọng Tạo băn khoăn:

- Họ đang ở nhà bà Nhàn cơ. Bà ấy vừa gọi cho tôi đó.

- Vậy mai ông bảo họ đến 65 Nguyễn Du, sáng tôi bận họp, chiều tôi sẽ sang đó. Tôi sẽ nói nhà khách của Hội đón họ chu đáo, ông khỏi lo, chỉ tội phòng hơi chật chội thôi.

- Vậy được rồi, ông ngủ tiếp kẻo nửa đêm bị kéo dậy, tội quá.

Nguyễn Trọng Tạo đặt máy xuống, cả bọn phá ra cười.

Nhà thơ trẻ nhất Nguyễn Bảo Chân băn khoăn:

- Anh Tạo phịa chuyện ông Tường bà Dạ ra Hà Nội, mai ông Thỉnh biết, ông ấy cho một trận ấy chứ đùa.

Nhà thơ rất tinh nghịch Nguyễn Trọng Tạo cười lớn:

- Từ giờ đến mai, thiếu gì cách, các mụ khỏi lo đi.

Sau trận cười của cả bọn, Nguyễn Trọng Tạo lại nháy mắt cho chúng tôi im, rồi cầm điện thoại gọi cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Bọn tôi cứ... mắt tròn mắt dẹt nghe anh thông báo một tin có vẻ gay cấn ở Huế. Bộ trưởng chỉ ngái ngủ một chút rồi tỉnh như sáo, trao đổi rất nghiêm túc và nhắc anh đừng nói chuyện này với ai vội.

Hôm đó, tuy không đi xem lễ Giáng sinh, nhưng bọn tôi được những trận cười vỡ nhà. Yêu mến và cảm phục sự tinh nghịch, tai quái của nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo.

Ảnh 1: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; Ảnh 2:  Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sĩ Văn Cao;  Ảnh 3:  Nhà văn Nguyễn Đình Thi (bên phải) phát biểu tại Hội Nhà văn Liên Xô (trước đây).

Ảnh 1: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; Ảnh 2:  Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sĩ Văn Cao;  Ảnh 3:  Nhà văn Nguyễn Đình Thi (bên phải) phát biểu tại Hội Nhà văn Liên Xô (trước đây).

Thủ trưởng đi Tết... nhân viên

Khi tôi mới dọn về khu tập thể Thành Công, rồi sau đó về khu Láng Trung, lần nào dọn nhà xong, nhà văn Tô Hoài nhân dịp Tết cũng đến thăm và mang theo một chậu hoa cẩm cù, bác cười dặn tôi:

- Hoa này kỳ lạ lắm, bây giờ đang có hoa, nhưng nếu cô treo nó ngoài ban công và quên bẵng nó trong hai năm, một lúc nào đó cô sẽ ngạc nhiên thấy nó lại ra hoa đó.

Có lần ngồi với tôi và nhà thơ Vũ Quần Phương, bác nói vui:

- Tớ đang định viết một tập Các mối tình của tôi, không nêu tên nàng nào, nhưng sẽ... ối đứa chết nhé!

Nhà thơ Vũ Quần Phương cười:

- Thế thì anh đặt tên là tập Bướm đêm cho hấp dẫn anh ạ.

Tôi cũng cười:

- Theo em, anh đặt hẳn là Bướm ma mới thật kinh dị và gọi người đọc lắm đó!

Khi tôi ở Láng Trung, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đôi lần đến chơi. Từ năm 1958 đến năm 1989, ông làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật - nghĩa là khi nào ông cũng là thủ trưởng gián tiếp của tôi. Tôi nhớ cái cách ông hút thuốc và cười:

- Tôi chỉ muốn nghe chuyện vui thôi. Cô có chuyện gì kể tôi nghe nào.

Tôi cũng làm vẻ nghiêm:

- Anh nghe nhà thơ Vũ Quần Phương kể chuyện có một ông tổng biên tập mới lấy vợ trẻ chưa ạ? Vợ ông đến tận cơ quan đòi ra báo ngày, nhưng ông hiện đang ra báo tháng anh ạ. Ông bảo, cố lắm cũng chỉ ra được bán nguyệt san hoặc cố hết sức thì ra báo tuần thôi! Thương lắm ý...

- Cô còn chuyện gì khác nữa không?

- Có chứ ạ. Ở sân tennis của em, có một ông cứ nằn nì mời em đi ăn, em từ chối mãi, nhưng mọi người xui cứ đi xem thế nào. Vậy là nhân dịp đến sân thể thao sau Tết, em đi. Nhưng lúc ăn xong, ông cứ quay người , rút ví ra đếm tiền lẻ mãi không xong, cháu nhân viên cứ đứng chờ, em bèn đưa cho cháu tiền và nói: “Thôi, để em trả cho, em mới có nhuận bút mà”. Còn một ông khác thì viết thư cho em bằng 4 thứ mực, cứ chữ THƠ thì màu xanh, chữ YÊU màu tím, chữ HOA màu hồng, còn các chữ khác thì mực bút bi bình thường. Con gái em khuyên: “Mẹ đồng ý ông 4 màu đi, ông này có tiền mua 4 cái bút bi, chắc không như ông quay người đếm tiền lẻ đâu mẹ nhỉ”. Anh Thi lần này thì cười to hơn chút!...

Dạo nhà thơ Bằng Việt là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, anh cũng có lần dắt con trai nhỏ đến nhà tôi ở khu nhà mới 18T2 Lê Văn Lương. Dạo đó, các thủ trưởng đều rất giản dị bình dân và thường chủ động đến nhà nhân viên của mình vào dịp Tết. Hay thế chứ. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ phải đi chúc Tết hoặc lo quà biếu cấp trên. Một thời trong trẻo và đáng nhớ làm sao!


Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Ý kiến của bạn