Hà Nội

Gặp người lính đầu tiên “mở cửa” cứ điểm Him Lam

10-05-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kỷ niệm tại chiến trường Điện Biên Phủ mãi không thể phai mờ trong tâm trí người lính già hôm nay...

Đã tròn 60 năm trôi qua, những chiến sĩ tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày ấy người còn, người mất. Người còn sống như ông cũng đã qua 84 mùa xuân của cuộc đời. Cộng thêm tháng năm gian khổ, ác liệt nơi chiến tuyến đã khiến đôi mắt ông mờ đục, đôi tai lãng nghe câu được câu không. Giọng nói chậm rãi thêm phần khắc khoải... Duy chỉ có kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu cam go mà đầy hào hùng, trong đó có “nhiệm vụ đặc biệt” tại chiến trường Điện Biên Phủ mãi không thể phai mờ trong tâm trí người lính già hôm nay...

Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh tại Điện Biên Phủ.

Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh tại Điện Biên Phủ.

Người lính nặng 38kg

Chúng tôi tìm về xóm 5, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa để gặp gỡ cụ Hoàng Minh Châu, chiến sĩ của Đại đội 243 năm xưa trực tiếp chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Ông là người đánh hai quả bộc phá ống liên tiếp đầu tiên phá hàng rào kẽm gai, thép gai kiên cố bao quanh cụm cứ điểm Him Lam, góp phần quan trọng đem lại thắng lợi trong trận đánh mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn mới. Thanh niên trong làng tòng quân bổ sung cho chiến trường. Mặc dù cân nặng chưa đầy 40kg, gia đình lại neo người, bản thân chưa biết chữ, nhưng ông Châu vẫn hăng hái xin đi bộ đội. Trong buổi tuyển quân, ông phải “năn nỉ” hết lời mới được đơn vị đồng ý. Năm đó, ông gia nhập Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 142, Đại đoàn 312 và tham gia nhiều trận đánh trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc. Mặc dù thấp bé nhưng ông cùng đồng đội có mặt ở hầu hết các mặt trận, chiến tuyến. Để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội hành quân từ Hòa Bình lên Điện Biên bổ sung vào Trung đội 7, Đại đội 243. Ngày tập luyện, đêm đào hầm giấu pháo. Hàng km hầm với độ sâu 1m được quân, dân ta đào quanh núi, quanh đồi, bao quanh tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong đó có cụm cứ điểm Him Lam, một trung tâm đề kháng trọng yếu của Pháp nằm trong phân khu Bắc. Đây được coi là một trong những công trình phòng ngự mẫu mực nhất của quân đội Pháp tại Việt Nam.

“Nhiệm vụ đặc biệt”

Nhận thấy việc đánh vào cứ điểm Him Lam là vô cùng quan trọng, đồng chí Trần Độ, Chính ủy Sư đoàn 312 thông báo tình hình và nêu yêu cầu chọn một trung đội mạnh để giao nhiệm vụ đánh những ống bộc phá đầu tiên mở hàng rào thép gai đột phá cứ điểm Him Lam. 4 tiểu đội của Trung đội 7 được lựa chọn, trong đó có Tiểu đội 1 do ông Hoàng Minh Châu làm Tiểu đội trưởng. Trong đó 3 tiểu đội được giao nhiệm vụ đánh bộc phá vào chân hàng rào, tiểu đội còn lại làm nhiệm vụ bắn súng trung liên yểm trợ. 30 ống bộc phá sẽ được giao cho những đồng chí tiêu biểu, ưu tú của các tiểu đội. Đây được xem là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Yêu cầu của nhiệm vụ đánh bộc phá là cần phải nhanh và chính xác. Khi có hiệu lệnh, pháo binh của ta sẽ bắn vào đồn Him Lam nhằm mục đích yểm trợ cho tổ bộc phá kịp thời xông lên, giật kíp nổ và nhanh chóng trở về vị trí xuất phát. Sau khi tiếng nổ vang lên, chiến sĩ tiếp theo sẽ xông lên, cứ như vậy cho đến khi phá được hàng rào thép gai, mở đường cho bộ binh tiến vào. Mỗi ống bộc phá dài chừng 2,5m, trong đó bao gồm nhiều gói thuốc nổ nhỏ, nặng chừng 2g, tổng mỗi ống bộc phá chừng vài kg. Tuy ống bộc phá không nặng và quá dài, nhưng đòi hỏi phải thao tác nhanh nhẹn, chính xác. Ngay sau khi giật nụ xòe, yêu cầu chiến sĩ phải nhanh chóng ở tư thế quay mặt lại tránh thuốc nổ gây ảnh hưởng.

Niềm vui tuổi già của người lính Điện Biên năm xưa.

Niềm vui tuổi già của người lính Điện Biên năm xưa.

Ông cho biết, loại bộc phá dùng để đánh bật được hàng rào thép gai kiên cố trên được các chuyên gia quân sự của Việt Nam và nước ngoài nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là loại bộc phá ống, có kíp nổ và dây kéo. Nếu không giữ được bình tĩnh, thao tác sẽ không chính xác, việc kéo dây không thẳng sẽ không kích nổ được ống bộc phá. Nhiệm vụ sẽ không hoàn thành, khi đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của trận đánh. Đặc biệt, đây lại là trận đánh đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, vì vậy có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Về khối lượng thuốc nổ đặt trong ống bộc phá cũng được bàn bạc, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Giả thiết đưa ra, nếu lượng thuốc không đủ để đánh bật hàng rào thép gai kiên cố thì lính bộ của ta sẽ không thể tấn công vào bên trong cứ điểm Him Lam, kế hoạch trận đánh đầu tiên của chiến dịch sẽ nhanh chóng bị thất bại. Còn nếu lượng thuốc nổ nhiều thì lực lượng của ta sẽ phải ẩn nấp ở vị trí xa để tránh bị ảnh hưởng, như vậy khoảng cách xa thì liệu có đủ thời gian để xông lên kịp thời.

Về phần mình, sau một buổi đi trinh sát thực địa cùng các đồng đội, để có căn cứ tính toán từng hành động, đích thân ông đứng ra đảm nhận nhiệm vụ đánh quả bộc phá đầu tiên. Trước ngày xuất kích, ông hồi hộp, lo lắng không tài nào chợp mắt được. Với ông cũng như đồng đội ông, không sợ hy sinh, mất mát. Cái sợ nhất là không hoàn thành được nhiệm vụ.

Giờ G đã điểm, đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho trận mở màn chiến dịch lịch sử bắt đầu. Toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đồng loạt nhả đạn. Khi những tiếng nổ chát chúa vang lên cũng là lúc địch bắn trả tới tấp. Pháo từ các lô cốt bắn thẳng lại, đạn từ các căn cứ bắn xuyên qua, đan chéo với những đường pháo bay ra từ đồi Độc Lập, tạo nên màn mưa đạn, pháo giăng mắc trên bầu trời.

Người lính già ngừng nghỉ đôi chút rồi tiếp tục hồi ức... Kế hoạch ban đầu của ta là đào hào sát với chân hàng rào thép gai, tuy nhiên bị địch phát hiện nên ban đêm quân ta đào, ban ngày địch lại cho xe tăng lấp lại. Ta đào địch lấp, địch lấp ta lại đào, với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không dời”, hai bên giằng co nhau từng tấc đất. Chúng ta buộc phải đào hào cách hàng rào chừng 30m. Đồng nghĩa với việc đội bộc phá phải băng qua khoảng cách này trên mặt đất dưới làn bom, bão đạn như sao trên trời. Với ông lúc này, khoảng cách đó tuy còn xa hơn khoảng cách giữa sống và chết, nhưng không thể không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, nhất là khi ông là người đánh ống bộc phá đầu tiên. Thoáng trấn an tinh thần trong chốc lát, ông lao lên tiếp cận hàng rào, nhanh tay đặt ống bộc phá vào vị trí, giật nụ xòe, rồi lao về hào hồi hộp chờ đợi. Một tiếng nổ vang lên rung chuyển một vùng. Hàng rào thép gai kiên cố bật tung lên, sâu 3m, rộng 1,5m. Thành công rồi! Ông reo lên. Nhiệm vụ quan trọng bước đầu đã hoàn thành như tiếp thêm sức mạnh cho ông và đồng đội. Chiến sĩ tiếp theo nhanh chóng băng lên tiếp tục nhiệm vụ đặt bộc phá thứ 2. Nhưng chưa lên được đến mục tiêu thì chiến sĩ này trúng đạn. Không một phút chần chừ, ông Châu giật ngay ống bộc phá từ tay đồng đội và lao lên. Pháo, đạn của địch vẫn xối xả trên đầu. Giật nụ xòe, ông lại nhanh chóng trở lại vị trí. Khoảnh khắc hồi hộp bị xóa tan bởi tiếng nổ giòn đanh tiếp theo vang lên. Hàng rào thép gai dài 5m bật tung ra khỏi khối đất đá. Tiếp mạch của ông, các đồng chí tiếp theo lần lượt lên làm nhiệm vụ. Nhưng cũng đúng lúc này, khi đang hỗ trợ đồng đội băng bó vết thương cho một chiến sĩ, ông bị một mảnh đạn găm vào hông. Nằm xuống ôm chặt vết thương, ông mới biết một phần xương thịt của ông đã để lại nơi chiến trường khốc liệt. Nhưng dù máu có phải đổ ông vẫn thấy tự hào đã góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Về đơn vị để điều trị vết thương nhưng ông vẫn không quên hỏi thăm đồng đội về tình hình của đội bộc phá và chiến trường.

Chỉ trong vòng 40 phút, đội bộc phá đã dọn sạch một con đường xuyên qua trên 100m hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn. Mở cửa cho bộ binh xung phong áp sát cụm cứ điểm Him Lam. Trận đánh ác liệt kéo dài từ chiều cho đến nửa đêm thì kết thúc. Nghe tin quân ta chiến thắng giòn giã ở trận Him Lam, ông chỉ mong vết thương chóng lành để lại được hòa cùng đồng đội cho chiến dịch.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Sau đó, ông chuyển sang lực lượng vũ trang, công tác tại Đồn công an Vũ trang vĩ tuyến 17 để làm nhiệm vụ mới. Những năm đó ông mới được đi học văn hóa.

26 năm phục vụ trong lực lượng vũ trang, lặn lội khắp chiến trường từ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ đến quân khu IV, quân khu VIII, sang cả nước bạn Lào, Campuchia... ông được tặng thưởng hàng chục huân, huy chương các loại. Năm 1977, ông nghỉ hưu với cấp hàm đại úy, sống cuộc sống thanh thản, an nhàn bên người vợ hiền và đứa con gái ngoan. Sau này, niềm vui của ông bà còn có đứa cháu gái kháu khỉnh đang lớn khôn từng ngày. 

   Bài và ảnh: Thanh Thảo


Ý kiến của bạn