Gặp người bị tai nạn giao thông, sơ cứu thế nào?

28-07-2024 17:50 | Y tế

SKĐS - Những kiến thức được phổ biến tại lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.

Ngày 28/7, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Hội Thầy thuốc trẻ vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Thừa Thiên Huế tổ chức lớp tập huấn phổ biến kiến thức sơ cứu liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT). Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.

Lớp tập huấn có sự tham gia khoảng 100 người là những người dân sinh sống dọc Quốc lộ 1A, Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu TNGT và các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Gặp người bị tai nạn giao thông, sơ cứu thế nào?- Ảnh 1.

Các bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông.

Với chủ đề "Trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân TNGT tại hiện trường, người tham gia lớp tập huấn được cung cấp những kiến thức, kỹ năng và nguyên tắc cơ bản trong cấp cứu băng bó vết thương, sơ cứu gãy xương và vận chuyển bệnh nhân chấn thương…

ThS.BS Trương Viết Hoàng, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, khi tiến hành băng bó vết thương với người bị TNGT cần tiến hành các bước như sát khuẩn vết thương, vô khuẩn vật liệu, tay, dụng cụ. Sau đó, đặt gạc và bông đủ dày để thấm hút dịch, che kín vết thương ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi băng bó, tiến hành băng vừa đủ chặt, vòng sau phải đè lên hơn 1/2 vòng trước. Băng nhẹ nhàng, nhanh chóng, không làm đau và tổn thương thêm tổ chức, không để lại các nếp. Vòng đầu và cuối băng được khóa buộc tại nơi hẹp hơn của cơ thể hoặc chi, tránh đè lên vết thương, đầu xương, chỗ bị tỳ đè, chỗ dễ bị cọ xát.

ThS.BS Trương Viết Hoàng lưu ý, quá trình băng bó vết thương, bệnh nhân được đặt trong tư thế thuận tiện, phần cơ thể cần băng bó phải được bộc lộ để có thể thực hiện thao tác từ nhiều hướng. Người thực hiện đối diện bệnh nhân. Bệnh nhân trong tư thế nằm khi băng đầu và than, người thực hiện đứng bên phải bệnh nhân. Khi băng các chi, người thực hiện đứng cùng bên với chi cần băng bó.

Gặp người bị tai nạn giao thông, sơ cứu thế nào?- Ảnh 2.

Buổi tập huấn, phổ biến kiến thức có sự tham gia của đông đảo người dân, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đối với sơ cứu gãy xương, ThS.BS Trương Viết Hoàng cho rằng, mục đích của việc cố định gãy xương làm cho bệnh nhân đỡ đau và phòng ngừa sốc. Vì vậy, tuyệt đối không vận động phần bị tổn thương nếu không cần thiết. Thay vào đó, cần cố định tạm thời gãy xương giảm bớt nguy cơ gây thêm các thương tổn mạch máu, thần kinh, cơ, da. Trong trường hợp gãy hở, băng kín các vết thương giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Khi cố định gãy xương phải tuân thủ nguyên tắc nẹp phải đủ dài để bất động chắc khớp trên và khớp dưới chỗ gãy. Không đặt nẹp trực tiếp sát vào da nạn nhân, đầu nẹp, các chỗ mấu lồi của đầu xương phải lót bông rồi mới đặt nẹp. Nẹp phải được cố định chặt vào chi bị thương thành một khối. Bất động chi theo tư thế cơ năng - thuận lợi đơn giản.

Gãy hở, gãy nội khớp phải bất động theo tư thế gãy, không kéo nắn, ấn đầu xương gãy vào trong, nếu có tổn thương động mạch phải đặt garo tùy ứng, sau khi cố định tiến hành băng vết thương. Gãy kín phải nhẹ nhàng, cẩn thận khi tiến hành cố định, phải có người phụ kéo chi liên tục bằng 1 lực không đổi cho tới khi cố định xong. Không nên cởi quần áo nạn nhân, nếu cần phải bộc lộ vết thương cắt quần áo theo đường chỉ.

Sau khi cố định xong buộc khăn chéo treo lên cổ đối với chi trên, buộc hai chi vào nhau đối với chi dưới. Thường xuyên nâng cao chi bị gãy sau khi cố định để giảm sự sưng nề, khó chịu. Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị.

Theo ThS.BS Trương Viết Hoàng, khi vận chuyển bệnh nhân cần thực hiện đúng cách để không gây nặng thêm tình trạng bệnh, tôn trọng tư thế lựa chọn của bệnh nhân nếu thấy tư thế ấy phù hợp. Đặc biệt, luôn phải chú ý đến chấn thương cột sống, đặc biệt là chấn thương cột sống cổ và cần giữ thẳng trục đầu cổ thân...

kien-thuc-so-cuu-nguoi-bi-tai-nan-1.jpeg

Thầy thuốc trẻ khám bệnh, tư vấn cho người dân.

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, trong ngày 27/7, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân 2 huyện Quảng Điền và Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Hơn 800 người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn được các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế khám tổng quát, khám các chuyên khoa như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, siêu âm tổng quát…

Ngoài thăm khám, bà con còn được cấp phát thuốc miễn phí để điều trị các bệnh được phát hiện tại buổi thăm khám và các phần quà tặng.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, chuỗi hoạt động nhân đạo trong tháng 7 tri ân không chỉ là để tuyên truyền, giáo dục cho y bác sĩ bệnh viện về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", mà còn là sự thể hiện chân thành và thiết thực nhất tấm lòng tri ân của các y, bác sĩ đối với các Anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh, những người có công với cách mạng.

BV Phổi Trung ương khám sức khỏe, tặng quà bệnh nhân là thương binh, gia đình liệt sĩBV Phổi Trung ương khám sức khỏe, tặng quà bệnh nhân là thương binh, gia đình liệt sĩ

SKĐS - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Bệnh viện Phổi Trung ương đã thăm hỏi và tặng hàng chục phần quà cho các bệnh nhân là thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn…

Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn